Bí ẩn ngôi mộ cổ khổng lồ giữa cánh đồng
Thứ tư, 11/07/2012 10:09

Trong quá trình cày, cấy, đào đất, người dân còn phát hiện rất nhiều mộ giả, với những sập đá, hầm mộ nằm rải rác quanh khu vực lăng ông Quận rộng 10 mẫu, thuộc làng Đạo Khê.

Lăng mộ rộng 10 mẫu của ông Quận giờ chỉ còn thế này.

Lăng mộ rộng 10 mẫu của ông Quận giờ chỉ còn thế này.

Người dân Thụy Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên) từ trước đến nay đều gọi ngôi mộ cổ giữa cánh đồng làng Đạo Khê là mộ ông Quận.

Ông là quan võ, có nhiều kẻ thù, nên làm nhiều mộ giả ở nhiều nơi. Dân làng đã đào bới thấy nhiều mộ giả trong khu vực. Chính vì thế, người dân tin rằng, ngôi mộ doanh nghiệp X. đào phá chính là mộ thật của vị quận công.

Ngôi mộ ông Quận giữa cánh đồng.

Hiện không có tài liệu gì ghi chép về ngôi mộ cổ ngoài những lời truyền miệng lại rằng, đây là ngôi mộ của một ông quận công thời Hậu Lê. Tên họ ông là gì, giữ chức gì, ông xuất xứ từ đâu, không ai biết cả. Hàng năm, dân làng đều ra mộ thắp hương, thờ cúng và coi ông như Thành Hoàng làng. Dân làng tự coi là con cháu của ông Quận cả.

Người dân đã dẫn chúng tôi ra cánh đồng làng Đạo Khê (xã Trung Hưng). Theo truyền tụng, tại cánh đồng này từng có một khu lăng mộ của ông Quận rộng tới 10 mẫu.

Voi đá nặng tới 5 tấn.

Tại cánh đồng này, vẫn còn một cái hồ rộng chừng 1 mẫu, đã giao cho một gia đình quản lý, nuôi cá, chăn vịt. Hồ này cũng được nhân dân gọi là hồ Ông Quận.

Mặc dù khu lăng mộ không còn nữa, song những vết tích còn lại cũng gợi lên sự tráng lệ một thời. Giữa cánh đồng, vẫn còn 4 con chó đá ngồi chồm hỗm giữa ruộng. Hai con ở rất xa, hai con ở gần trung tâm lăng mộ hơn và ngồi với tư thế quay mặt vào nhau.

Di tích khu lăng mộ không còn nhiều, song có thể hình dung ra sự hoành tráng của nó qua một hành lang thẳng tắp còn lại của lăng mộ.

Cặp chó đá gần trung tâm lăng mộ.

Cặp chó đá nằm rất xa trung tâm lăng mộ.

Đầu tiên là hai tượng người cắp tráp bằng đá, tiếp đó là hai tấm bia, rồi hai con ngựa đá, hai voi đá cùng 2 cặp chó đá, đều xếp đối xứng với nhau theo một hàng thẳng.

Những con chó đá, voi đá, ngựa đá đều còn nguyên vẹn, đứng nghiêm trang chầu vào nhau tạo thành một hành lang vô cùng oai nghiêm, hoành tráng. Những người có chút hiểu biết về lịch sử, phong thủy đều biết rằng chỉ những vị quan lớn, có quyền cao, chức trọng nghiêng thành trong triều đình phong kiến mới có được voi đá, ngựa đá đứng gác như thế.

Xưa kia, trung tâm lăng mộ nằm trên diện tích một sào ruộng. Chỗ trung tâm lăng mộ vẫn còn lớp đất đắp cao hơn mặt ruộng 70cm.

Ông Quang bên một con voi đá.

Tại trung tâm mộ vốn có một miếu thờ nho nhỏ, cùng cây duối trước miếu. Tuy nhiên, ngôi miếu đã bị phá từ mấy chục năm trước, chỉ còn lại cây duối áng chừng vài trăm tuổi. Hầu hết trung tâm lăng mộ cũng đã bị phá, chỉ còn lại nấm đất nho nhỏ. Trên nấm đất đó, người dân cũng tận dụng canh tác, trồng trọt.

Tại đây còn hai tấm bia hình vuông bằng đá xanh. Cả 4 mặt tấm bia đều có chữ Hán rất rõ, sắc nét. Tuy nhiên, nhân dân trong làng không ai biết đọc chữ Hán, mà cũng chưa thấy nhà khoa học nào về nghiên cứu di tích này, nên những thông tin trên hai tấm bia vẫn là những điều bí ẩn.

Người dân vạt mộ làm ruộng đã làm phát lộ khối hợp chất khổng lồ. Sau khối hợp chất là hai con ngựa đá đứng quay mặt vào nhau. Tiếp đó là hai con voi đá cũng to lực lưỡng.

Phiến hợp chất khổng lồ trồi ra khỏi lăng mộ.

Theo phán đoán thì khối hợp chất vôi mật dày nửa mét này có thể nặng đến vài chục tấn. Người dân gọi là sập bê tông. Theo người dân, dưới tấm sập là một hầm mộ rộng chừng 6m3. Từ trước đến nay, đã có nhiều người tìm cách phá, song phiến sập quá dày, nặng, cứng, nên không phá nổi.

Năm 1993, có một toán người giới thiệu với dân làng là đoàn nhà khảo cổ học trên Hà Nội về nghiên cứu khu mộ. Đến đêm, lợi dụng sấm chớp, họ cho nổ mìn phá hầm mộ. Sớm hôm sau, dân làng kéo ra xem, chỉ thấy một hầm mộ trống rỗng, mới biết đám người hôm trước là bọn trộm đóng giả các nhà khảo cổ học để truy tìm của quý.

Như vậy, dù đây là hầm mộ khổng lồ, song chỉ là mộ giả, nhằm đánh lạc hướng người đời. Trong hầm mộ này có vàng bạc châu báu hay không thì chỉ có bọn trộm mới biết được.

Sau này, trong quá trình cày, cấy, đào đất, người dân còn phát hiện rất nhiều mộ giả, với những sập đá, hầm mộ nằm rải rác quanh khu vực lăng ông Quận rộng 10 mẫu, thuộc làng Đạo Khê. Người dân tin rằng mộ thật nằm về phía Đông, thuộc làng Thụy Trang, hiện đã bị doanh nghiệp X. đào bới, đập phá.

Thám sát một vòng quanh cánh đồng Đạo Khê có thể thấy rõ sự tráng lệ của công trình lăng mộ một thời của vị quận công này. Đây là vùng đồng bằng, bờ xôi ruộng mật, nên không thể có những khối đá xanh lớn để tạc bia, voi đá, ngựa đá, chó đá. Đá xanh lại chỉ phổ biến ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An mà thôi.

Theo tính toán, đo đạc của dân làng, mỗi con voi được tạc bởi 2m3 đá. Như vậy, riêng một con voi đá cũng nặng chừng 5 tấn. Mỗi con ngựa đá cũng nặng chừng 4 tấn, còn chó đá khoảng 2 tấn/con. Với trọng lượng lớn như vậy, lại vận chuyển từ xa đến, nên chỉ có thể sử dụng đường thủy.

Để vận chuyển số voi đá, ngựa đá, chó đá về lăng, binh lính của ông Quận đã đào một con kênh lớn và sâu với chiều dài 1000m, nối từ hồ Ông Quận thông ra sông Lực Điền. Sông Lực Điền là một nhánh của sông Hồng.

Có thể tưởng tượng, những voi đá, ngựa đá cũng như vật liệu xây dựng lăng mộ được vận chuyển theo sông Hồng, dọc sông Lực Điền, vào kênh dẫn để tập kết trong hồ.

Như vậy, chỉ với con mắt thông thường, cũng có thể nhận thấy, nơi đây từng có một công trình rất hoành tráng. Những di tích còn lại gồm những hầm mộ, những bức tượng, những voi đá, ngựa đá, chó đá cũng rất có giá trị.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan quản lý văn hóa bỏ quên, chưa từng tổ chức một cuộc nghiên cứu nào, để đến nỗi bọn trộm vác mìn đến đánh hoác cả hầm mộ, làm gãy cả đầu ngựa đá, tượng đá.

(Còn nữa...)

VTCNews
Tag: Ngôi mộ xác ướp ở Việt Nam , Mộ cổ , Mộ ông Quận , Di sản văn hóa , Khai quật mộ cổ