Thực chất đó là một phòng mạch tư không phép với dăm ba thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp giác hơi, chích lể.
Thầy Thanh đang chích lể cho bệnh nhân. |
Để lọt được vào bệnh viện này là cả một nghệ thuật. Phóng viên đã vào vai người bệnh để rồi kết quả là một khuôn mặt sưng vù sau khi chích lể vào gáy và mặt.
Hoạt động "bí mật"
Qua điện thoại, "thầy" không cho chúng tôi địa chỉ cụ thể mà ban đầu thì nói là ở chợ Thủ Đức. Khi tôi đi đến ngã tư Gò Dưa (quận Thủ Đức, TPHCM), điện thoại "thầy" lại hướng dẫn đứng ở cây xăng sẽ cho người ra đón.
Tôi đứng chờ gần nửa tiếng không thấy ai đến đón. Sau một loạt các cuộc điện thoại trao đổi, "thầy" lại chỉ chúng tôi đi đến đường Kha Vạn Cân, hướng ra ga Bình Triệu. Sau nhiều lần điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm hẹn. Người của "thầy" đưa chúng tôi đi qua một cây cầu rồi quẹo vào đường Hiệp Bình, đi khoảng 2km rẽ vào con đường đất heo hút, ngập nước. Điểm đến bí mật cuối cùng mà tôi đến được là biệt thự số 80/11A đường số 38, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM.
"Thầy" phán rằng, nơi đây là cơ sở khám chữa bệnh của "thầy". Nó được coi như một bệnh viện tư không có tên trên bản đồ.
Thầy phán: Cấm cãi, cấm thắc mắc
Tôi được một thành viên giới thiệu về tay nghề trị bách bệnh của "các thầy" tại đây từ ung thư máu, ung thư gan, dạ dày, viêm xoang, gan... tất tần tại các loại bệnh. Tuy nhiên, điều trị bệnh ở đây có một nguyên tắc vàng là phải "có lòng tin", tuyệt đối không được điều trị Tây y, không phẫu thuật, không uống thuốc Tây. "Thầy" phán gì thì phải tuân thủ nghe, không được thắc mắc, không được cãi, không được nói chuyện với bệnh nhân khác.
Tôi ngồi xếp hàng chờ đến lượt mình và khám. Khi đến lượt, tôi phải tự đo huyết áp, nhịp tim rồi bệnh gì, ăn uống như thế nào đều ghi vào sổ... Sau khi ghi thông tin xong, ngồi đợi đến lượt thầy xem bệnh.
Ban đầu, nghe từ chích, tôi cứ ngỡ là sẽ tiêm thuốc Tây nhưng đến nơi rồi mới biết là chích lể. Nhìn vào phòng bệnh mà kinh hãi. Bệnh nhân người nằm trên giường, ghế, sàn. Có người đang giác hơi, người máu chảy tùm lum đang dùng bông tự lau các vệt máu chảy ra từ vị trí chích lể và bỏ vào sọt rác. Có hàng chục sọt rác đựng bông lau máu.
Phía trong nơi điều trị bệnh có hai chiếc giường giống kiểu giường mát xa nằm có lỗ hổng phía gần đầu giường, ai đến trước thì được nằm trên giường, tiếp theo là ghế bố. Phòng khách, khu bếp đều được tận dụng cho bệnh nhân chải chiếu nằm chích lể, giác hơi.
Khi trị bệnh, người bệnh nằm im còn "các thầy" thì vừa bấm cây bút chích nghe tanh tách, vừa phán bệnh và cả... hù dọa bệnh nhân. Thỉnh thoảng tiếng "thầy" lại tặc lưỡi: "Nặng quá", "bệnh này không chữa là nguy hiểm đến tính mạng".
Bệnh nhân tự đo huyết áp.
Đau đâu chích đó
Tôi đang khoẻ mạnh, đến đây tìm hiểu nên khai bệnh viêm xoang. Vậy mà "thầy" phán tôi là ung thư và gai cột sống: "Huyết áp thấp là nguồn cột của các bệnh ung thư, cô không chữa sớm sẽ bị ung thư tấn công đấy". Còn căn bệnh gai cột sống cổ thì thầy dùng tay bóp vào gáy tôi hỏi có đau không? Tôi kêu đau thì thầy tặc lưỡi, kêu lên: "Trời ơi, ra ghi vào sổ C2, C3 cho tôi, cái gai nó chồi ra quá trời, nó làm chèn ép các mạch máu rồi". Tôi hỏi thầy, vậy phải làm sao để chữa bệnh này, thầy bảo phải chích chứ sao!
"Thầy" kêu một nhân viên lấy một cây kim chích với 10 ống giác hơi và tôi phải mua để chữa bệnh với giá 270.000đ. Bệnh nhân nào cũng phải mua một đồ nghề như tôi, tiền thuốc tính riêng. Theo hướng dẫn của chị, tôi lấy bông gòn tẩm cồn 90o để lau các ống giác hơi.
Sau khi thay áo, "thầy" bảo tôi nằm sấp xuống giường để trị gai cột sống. Tôi nằm xuống, thì được chị nhân viên lấy bông gòn thấm cồn sát trùng trên da phần sau gáy và chờ "thầy". "Thầy" chích vào gáy tôi khoảng chục mũi. Sau đó, lấy ống giác hơi úp lên chỗ chích và lấy đồ bơm tay bơm giác hơi lạnh.
Chị nhân viên xuýt xoa, máu ra quá trời luôn, em bệnh nặng lắm đó! Bất chợt, tôi xoay qua thấy găng tay chị dính máu tươi tôi hoảng quá nói chị làm cẩn thận chứ sao dính máu tùm lum, lây bệnh cho em thì sao.
Sau phần gai cột sống cổ, “thầy bảo” tôi nằm ngửa lên để chữa bệnh viêm xoang. Tôi hỏi chữa như thế nào, "thầy" bảo chích tiếp lên mặt. Sau khi chích, chị nhân viên ngồi nặn máu trên các điểm vừa chích, 3 đợt chích khoảng 8 - 9 mũi mỗi đợt.
Sau khi chích và nặn máu xong "thầy" bảo tôi nằm im và ngước cái mặt lên và thầy đổ thuốc vào mũi. Thuốc được giã ra từ một loại lá cây gọi là cây bạch ngọc lấy ở tỉnh Tây Ninh. Loại nước này làm tôi rất khó chịu, nóng mũi còn hơn ăn mù tạt. Khi tôi từ chối vì không chịu được thì bị giữ chặt tay chân nên phải chịu trận. Sau vài phút, liệu trình chích lể, giác hơi, nhỏ thuốc của tôi đã hoàn tất. Tổng cộng hết 500.000đ. Bù lại, tôi ra về với cái mặt đỏ, sưng tấy do các vết chích chảy máu nhiều.
Đồ nghề chích lể và thuốc của PV sau khi khám bệnh.
Chữa bệnh phản khoa học!
Sau một ngày khuôn mặt của tôi vẫn còn sưng đỏ và đến Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM để các bác sĩ "chữa cháy". Tại đây các bác sĩ mắng tôi là "liều mạng".
BSCK II Lê Văn Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM cho biết, trong Đông y có dùng phương pháp chích lể để chữa bệnh nhưng rất hiếm khi dùng. Chỉ chữa một số bệnh do huyết ứ tạo đau. Nhưng bác sĩ phải chọn đúng điểm để chích, tối đa một lần chích chỉ 4 - 5 huyệt và không làm thường xuyên. Dụng cụ để chích phải tuyệt đối vô trùng, còn hạn sử dụng, trong bao bì mới. Môi trường chữa bệnh phải sạch sẽ, tránh bị nhiễm trùng, lây bệnh. Đặc biệt là chích, giác hơi, máu của các bệnh nhân dễ bị lây bệnh, nhất là bệnh HIV, viêm gan siêu vi B, C... Ngày nay, hạn chế dùng phương pháp này, thường người ta chỉ chích điều trị ở bệnh suy giãn tĩnh mạch chứ không chích trên mặt.
Đóng cửa sau khi báo chí vào cuộc! Ngày 17/10, BS Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y - Dược cổ truyền, Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo cho Phòng Y tế quận Thủ Đức đi thanh tra và xử lý "cơ sở khám chữa bệnh" tại số 80/11A đường số 38, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM do ông T.S Thanh phụ trách. Tại thời điểm kiểm tra phòng khám của ông Thanh, đoàn kiểm tra ghi nhận khoảng 10 bệnh nhân đang được khám. Ông Thanh là người trực tiếp khám bệnh bằng phương pháp chích lể giác hơi. Đoàn thanh tra ghi nhận bệnh nhân nằm trên sàn nhà, xoa dầu, nhang hơ ngải cứu, bấm huyệt lòng bàn chân... và có thu tiền. Ông Thanh chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề. Đoàn kiểm tra đã đề nghị cơ sở này ngừng hoạt động ngay lập tức và giao lại cho công an khu vực cùng Trạm Y tế phường quản lý. |
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%