Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nghề truyền thống đã không thể còn được như xưa. Người làm nghề và yêu nghề vẫn mặn mòi, níu giữ tinh hoa của dân tộc vốn được gìn giữ bao đời. Họ đã, đang và sẽ sống ra sao với cái “máu” yêu nghề?
|
Nghề thủa ngàn năm
Khó ai biết những nghề rèn, dệt vải, đan lát… ra đời chính xác từ khi nào. Chỉ biết rằng, sau biết bao biến cố, thăng trầm của cuộc sống, những nghề ấy vẫn theo bàn tay con người, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dù thu nhập chẳng là bao, nhưng ngày nào lò rèn ông Đạt cũng đỏ lửa. Ảnh: Lê Hòa
42 tuổi, mái tóc đã muối tiêu. Chẳng biết từ ngày nào, tháng nào, gia đình ông đã gắn bó với nghiệp rèn. “Theo tôi được biết thì gia đình tôi đã có tới 4 đời theo nghiệp rèn, từ đời ông cố, ông nội làm nghề rèn ở Quảng Nam, rồi đến đời cha tôi khi lên Nam Yang (Đak Đoa-Gia Lai) lập nghiệp cũng mang theo nghiệp búa rèn. Đời tôi cũng vậy, đến nay đã 24 năm theo nghề”- Anh Lê Văn Đạt- một thợ rèn có tiếng ở thôn 2-xã Biển Hồ-TP. Pleiku, cho biết.
Nói đến nghề dệt thổ cẩm ở Gia Lai, không ai không biết đến Rơ Lan Pel- chủ nhiệm câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Biển Hồ-TP. Pleiku. Kế thừa đôi bàn tay khéo léo từ người mẹ vốn một thời nổi tiếng về tài dệt vải khắp vùng, nghề dệt vải truyền thống với chị chính là vốn quý ngàn đời của người Jrai. “Mình rồi sẽ chết đi nhưng mình hy vọng nghề dệt vải sẽ còn sống mãi”- Pel cho biết.
Với bà con dân tộc Tây Nguyên, nghề truyền thống hầu như nhà nào cũng có một bễ lò rèn thô sơ, một vài khung cửi cho những người phụ nữ đảm đang, tháo vát còn chuyện đan lát thì chẳng người đàn ông nào không biết làm, bởi là việc làm của họ.
Rơ Lan Pel chỉ cách dệt thổ cẩm cho chị em trong làng. Ảnh: Lê Hòa
Với người kinh, nhờ lối sống rộng mở, sớm giao lưu, trao đổi, buôn bán hơn nên nghề được phát triển theo chiều sâu. Ai làm nghề giỏi, khéo thì chuyên làm nghề để bán sản phẩm lại cho bà con. Bởi vậy mới có những làng nghề, những gia đình có truyền thống làm nghề nối truyền từ đời này sang đời nọ. Đến Gia Lai lập nghiệp, họ cũng mang theo nghề kiếm cơm của mình. Từ bàn tay, khối óc tài hoa, sáng tạo, con người đã tạo ra cho mình những vật dụng lao động, sinh hoạt thiết yếu: Cái cày, cuốc, con dao, mảnh vải… Những thứ ấy, nay con người vẫn còn sử dụng như vật không thể thiếu. Vậy nhưng, cuộc sống đổi thay, sự phát triển của xã hội kèm theo những tiến bộ vượt bậc về khoa học-kỹ thuật đã dần khoác tấm áo mới cho mỗi nghề.
Mặn mòi cùng nghề
24 năm gắn bó với nghề rèn, dù lò rèn của anh xếp vào loại “có tiếng” khắp vùng Biển Hồ-Pleiku, có thời, sản phẩm nhà anh làm không kịp cho người mua. Và thậm chí, khi nhiều lò rèn khác phải đóng cửa và không còn trụ nổi trước thời kỳ cạnh tranh với công nghệ hiện đại, thì bễ lò rèn của ông vẫn ngày ngày đỏ lửa. Vậy nhưng, chưa bao giờ anh thấy, nghề gia truyền làm giàu nổi cho chính gia đình mình. Có chăng, chỉ là cái danh “lò rèn ông Đạt”.
Những bộ trang phục truyền thống được biểu diễn trong những ngày lễ hội. Ảnh: Lê Hòa
“Ngày nhỏ, nhìn ba rèn thì cũng tí máy phụ ba nhóm bếp, cắt sắt cạnh… sau dần rồi ngấm và làm nghề thành thạo từ lúc nào không hay. Phụ cha được 5-7 năm tôi lập gia đình, xin cha cho mở lò riêng. Lúc đầu cũng ở Nam Yang, sau tôi chuyển lò lên Biển Hồ. Có lẽ, nhờ được sống trong nghề từ nhỏ hay ông bà thương tình mà từ hồi chân ướt chân ráo lên mở lò trên này đến nay, lúc nào lò cũng “đắt” khách hơn so với các lò rèn khác”- anh Đạt vui vẻ kể.
Hỏi rằng, anh có sống sung túc với nghề? Anh chỉ cười: “Sống sung túc với niềm đam mê thì có, chứ còn chuyện cơm áo gạo tiền thì thấm tháp gì! Cứ so với giá nhân công đi làm thuê, làm mướn thôi thì mình cũng đã chẳng bằng. Trung bình mỗi ngày được 100-120 ngàn đồng. Lắm lúc vợ khuyên bỏ nghề vì vừa ít tiền lại độc hại, hàng xóm đôi khi mếch lòng vì tiếng búa, tiếng đe… Ấy vậy mà nào tôi bỏ được. Mùi sắt nung, than đỏ thấm vào máu rồi. Cũng may nhờ có vườn cà phê là nguồn thu nhập chính, chứ cứ kiểu làm nghề như tôi làm sao lo nổi cho gia đình”.
Gặp Rơ Lan Pel, tôi không tin trước mặt mình là “nghệ nhân Bel” mà mọi người hay nhắc tới. Pel quá trẻ! Quá trẻ để người ta dám nghĩ, dám tin đây là người đã “từng trải” bao năm qua trong việc lưu giữ nghề dệt truyền thống. Nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ đời bà ngoại, đời mẹ cho đến đời của Rơ Lan Pel. Bây giờ, nhắc đến nghề dệt thổ cẩm ở Gia Lai, người ta nhắc đến tên Pel như một thương hiệu.
“Tháng 5-2010, xã mở lớp đầu tiên, đến cuối 2011 mở lớp thứ hai. Mỗi lớp khoảng 100 người. Chị em các làng Sơr, Bren, Phung 1, Phung 2, Đa đều đến đây học đông vui lắm! Người học trẻ thì 15-17 tuổi, có người 40 tuổi rồi vẫn đi học”- Pel khoe về lớp học.
Học nghề dệt, nhìn thì tưởng nhàn hạ, đơn giản song lại vất vả vô cùng. Cặm cụi, tỉ mẩn, cần mẫn từng sợi chỉ. Nếu không kiên trì, chịu khó và yêu nghề của dân tộc thì sẽ không thể nào trụ nổi bên khung cửi để có được một sản phẩm hoàn chỉnh.
Không như nghề rèn, nghề dệt thổ cẩm nếu đầu ra ổn định thì cũng đem lại thu nhập khá. “Trung bình mỗi tuần một người dệt lành nghề dệt được 1 bộ váy áo, giá mỗi bộ khoảng 1 triệu đồng. Nếu trừ tiền mua chỉ khoảng 200 ngàn thì “lấy công làm lãi” cũng dôi dư 7-8 trăm ngàn”- Pel tính.
Hướng đi nào cho nghề truyền thống?
Ông Ngô Quốc Thịnh- Phó phòng Khuyến công và Tư vấn công nghiệp- Sở Công thương Gia Lai, cho biết: Việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống ở Gia Lai thu hút khá nhiều sự quan tâm của địa phương, tuy gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ta hiện chưa có một làng nghề nào theo đúng tiêu chuẩn, hầu hết mới chỉ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề. Từ năm 2007 đến nay, Sở đã xây dựng 9 cơ sở hạ tầng làng nghề: Dệt, thổ cẩm, mây-tre-lá… Vấn đề khó khăn nhất để xây dựng các làng nghề-điểm tựa để duy trì nghề truyền thống là các hộ làm nghề đều có quy mô nhỏ, manh mún và ít có sự tập trung.
Cũng theo ông Thịnh, các nghề thủ công ở Gia Lai chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con chứ ít gắn với kinh doanh thương mại. Không những thế, nghề truyền thống ở đây đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, khó bảo tồn, lưu giữ trong khi lại chịu sức cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm của công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra vẫn đang là một bài toán không dễ giải quyết. Thực chất, Sở cũng đã xây dựng đề án hỗ trợ cho các nghề truyền thống như hỗ trợ 50% chi phí máy móc, thiết bị để làm nghề (không quá 100 triệu) nhưng hiện vẫn chưa trường hợp nào được giải quyết…
Theo đánh giá của ngành chức năng, ở Gia Lai hiện có 2 nghề “sáng sủa” nhất là nghề dệt thổ cẩm và làm mây tre đan. Tuy nhiên, chỉ là “hàng sao” ở cấp độ địa phương, chứ so với các nơi khác thì rất yếu.
Với sản phẩm dệt thổ cẩm, khai thác theo hướng gắn với du lịch như làm quà lưu niệm hay tham gia giới thiệu sản phẩm vùng miền… tạo được khá nhiều sức hút song vẫn chưa thể xây dựng được thế ổn định và đảm bảo, chủ yếu mang tính thời vụ. Còn với nghề mây tre đan thì chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho các vùng khác, còn sản xuất sản phẩm thì bị hạn chế bởi tay nghề. Người làm các nghề này chủ yếu là nghề phụ, tranh thủ thời gian nông nhàn…
“Cái khó nhất hiện giờ là vấn đề đầu ra. Sức cạnh tranh yếu, đầu ra chưa vững chắc nên rất khó thúc đẩy nghề phát triển”- ông Ngô Quốc Thịnh, chia sẻ.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?