Cả chục phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội chỉ còn lại trong những cái tên đầy gợi nhớ. Hầu hết các gia đình làm nghề truyền thống như tiện, rèn, thiếc, mộc...cả trăm năm nay đã chuyển sang kinh doanh khách sạn, mỹ phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
|
Phố Tô Tịch vốn làm nghề tiện nay đã chuyển hầu hết sang kinh doanh khách sạn, du lịch. Ảnh: Minh Tuấn.
Than cháy nổ lép bép bốc lên thành cột cao nửa mét, những thanh sắt đỏ rực trong bễ lò rèn nhà ông Nguyễn Phương Hùng tại 26 phố Lò Rèn dường như phần nào xua tan cái giá lạnh mùa đông kèm mưa phùn nhẹ bao trùm khu phố cổ Hà Nội.
Có lẽ nhà anh Hùng là nơi cuối cùng bễ lò rèn kiểu truyền thống tạo nhiệt bằng than đá cả trăm năm qua còn nổi lửa đón khách. Từng đi bộ đội, lái xe, làm đủ nghề cả chục năm nhưng cuối cùng ông Hùng vẫn nghe lời người cha vốn là thợ rèn có hạng trở lại với bễ rèn, xắn tay vào nghề.
Ông Nguyễn Phương Hùng bên bễ lò rèn đỏ lửa.
Yêu nghề thì không bao giờ chết đói! Như là số phận, ông Hùng tâm niệm lời cha trở lại với nghề bằng tất cả nhiệt tình. “Tôi có thể làm được hàng trăm loại sản phẩm kim khí khác nhau, ngay cả khi công nghệ phát triển, tôi vẫn có khách hàng. Nghề này mang lại thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng” - ông Hùng nói.
Chỉ rộng chừng vài ba mét vuông, nhưng cái xưởng nhỏ của ông Hùng là nơi đủ sức sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phong phú mà ngay cả máy móc nhiều khi cũng bó tay. Tự hào với nghề nhưng ông Hùng cũng thừa nhận là ở tuổi ngoài 50, ông ngại chuyển nghề.
Thế hệ con cái ông đều chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn chứ không mấy ai theo được cái nghề khá vất vả, nặng nhọc, lem nhem tối ngày này. Hơn nữa, nhiều sản phẩm rèn tay bị cạnh tranh gay gắt với sản phẩm làm tại nhà máy sản xuất hàng loạt có giá thành rẻ hơn.
Chợt nhìn ra xung quanh, cả dãy phố Lò Rèn nơi ông Hùng mở xưởng nay đã sầm uất với nghề kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, mở nhà hàng...
Cách Lò Rèn vài tuyến phố, nằm sâu trong lõi của phố cổ đông đúc, bây giờ ít người còn nhớ đến nghề tiện ở phố Tô Tịch, bởi từ hàng chục năm qua, hầu hết các gia đình đã chuyển sang xây khách sạn, nhà nghỉ cho thuê, kinh doanh du lịch, bán đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch nước ngoài.
Anh Lê Đình Thắng – người thợ tiện cuối cùng còn mở xưởng tiện ngay tại nhà mình tại số 7 phố Tô Tịch cho biết, sống với nghề tiện thật lắm gian nan. Công nghệ sản xuất nội thất, kỹ thuật cưa máy phát triển nhiều phen đã đẩy nghề tiện vào chân tường.
Do có tay nghề cao, khéo tay nên anh Thắng vẫn đủ sức chạy đua với thị trường, sản xuất các sản phẩm chủ yếu như cán cờ, các đồ thờ cúng, tay nắm, phục vụ lắp đặt nội thất và một số sản phẩm độc đáo khác làm thủ công.
Chị Trần Thúy Lan – cán bộ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, không ít phố đã mất dần sản phẩm đặc trưng. Hiện nay hầu như Hà Nội không còn phố nghề với tính chất vừa là nơi bán hàng, vừa là nơi sản xuất. Hiện sáu phố trong 13 phố dân còn làm đúng nghề, nghĩa là còn sản xuất các mặt hàng truyền thống như các phố Hàng Thiếc, Lò Rèn, Hàng Hòm, Hàng Bạc, Tô Tịch, Lãn Ông.
Ngoài ra, còn 3 phố chuyên buôn bán các mặt hàng truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Đồng, Hàng Mành và sản phẩm sản xuất tại chỗ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Một số phố đã chuyển sang buôn bán sản phẩm mới như Hàng Gai bán hàng thêu, lụa tơ tằm; Hàng Dầu, Hàng Bè bán giầy dép, Hàng Khoai bán đồ sứ. Cũng theo chị Lan, một số nghề đang mai một như nghề tiện phố Tô Tịch, nghề làm chiếu ở phố Hàng Chiếu, nghề làm đồ da ở phố Hàng Da..
Hiện tượng biến mất các phố nghề truyền thống trong phố cổ có nguyên nhân từ sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm truyền thống không còn phù hợp với điều kiện sống hiện đại; không còn mặt bằng để mở xưởng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường; đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các sản phẩm ngoại nhập nhất là sản phẩm xuất xứ Trung Quốc...
Một chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội cho hay, phố cổ Hà Nội mang trong mình tinh hoa của đất Thăng Long và giờ đây dù phố nghề có... đổi nghề thì cũng nên coi đó là cảm nhận mới về phố cổ trong dòng thời gian...
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?