Theo dự báo, trưa chiều ngày 6/10, bão số 7 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với sức gió mạnh cấp 8-9.
Đường đi và vị trí cơn bão (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương) |
Trao đổi với PV, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện bão số 7 vẫn di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, tiến về phía các tỉnh Bắc – Nam Trung bộ. Theo dự báo, khoảng trưa chiều ngày 6/10, bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh trên với sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 – 11. Vùng tâm bão là các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
“Bão số 7 có thể còn nhiều thay đổi phức tạp và cơn bão mạnh, nguy hiểm, người dân các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Bình Định cần chủ động phòng chống”, ông Tăng khuyến cáo.
Ông Tăng cũng cho biết, sau khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền, toàn khu vực miền Trung sẽ có mưa lớn từ 100 mm đến 300 mm. Các khu vực trũng có thể xảy ra ngập lụt, vùng núi đề phòng sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 4/10, vị trí tâm bão số 7 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Các tỉnh miền Bắc không chịu ảnh hưởng của bão số 7. Hôm nay, khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lạnh gây mưa rải rác, trời âm u. Tuy nhiên, từ ngày mai, toàn khu vực sẽ hửng nắng với nhiệt độ 27 – 30 độ C, tại Hà Nội 25 – 29 độ C. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 05/10, vị trí tâm bão ở vào cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn có khả năng mạnh thêm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, chiều tối qua (3/10), Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương họp triển khai các biện pháp ứng phó.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lo ngại, miền Trung là địa bàn có nhà ở của dân và các công sở xây dựng không chắc chắn vì vậy cần chú ý chằng chống cẩn thận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, dù bão số 7 tiếp cận đất liền vào chiều tối, kết hợp với triều cường sẽ nguy hiểm cho vùng bờ. Đặc biệt, mưa kèm theo bão gây ngập lụt cho miền Trung là điểm rất đáng lo ngại. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành cùng các địa phương tiến hành các biện pháp: Đưa tàu và ngư dân vào nơi trú tránh bão an toàn; kiếm tra các khu dân cư, di dời khi cần thiết. Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Với địa hình miền Trung cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với ngập lụt; trong đó đặc biệt chú ý giám sát việc người và phương tiện đi qua các ngầm, đoạn đường bị ngập; triển khai tốt việc vận hành hồ chứa”.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?