Vừa qua, dư luận xôn xao với sự kiện cuốn sách tham khảo dạy chính tả cho học sinh lớp 1 lại sai lỗi chính tả be bét, nghiêm trọng với những lỗi ngớ ngẩn kiểu “giỗ tổ” thành “dỗ tổ” hay “cây nêu” thành “cây lêu”.
|
Trách nhiệm việc để xảy ra lỗi là ai còn đang được xem xét thì chỉ vài ngày sau, người ta lại phải ngỡ ngàng khi tại một sự kiện lớn về văn hóa đọc là Festival truyện tranh được tổ chức ngay tại thủ đô, lỗi sai chính tả lại xuất hiện. Tác phẩm truyện tranh “Ngụ Ngôn Về Ước Mơ” của NXB Kim Đồng được trích 6 trang, lồng khung kính treo ngay cửa ra vào đã nhanh chóng bị bạn đọc phát hiện, tố cáo sai lỗi chính tả trầm trọng kiểu như “kiếm ăn” thì thành “kiến ăn”, “mặt đất” thì thành “mặt đắt”…
Thực ra lỗi sai chính tả như trên trong lĩnh vực sách cũng không phải hiếm, rất nhiều tác phẩm đã từng mắc phải lỗi kiểu này. Cố dịch giả, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng kể có lần thấy người ta tái bản một bản dịch của ông mà không xin phép, mua về xem thì hoảng hốt khi thấy người ta làm ăn cẩu thả, câu cú sai chính tả, thiếu dấu, mất câu… Quá sợ hãi với bản dịch mang tên mình bị đối xử như vậy, dịch giả đã phải mang bản dịch gốc còn lưu đến NXB xin tặng với lời năn nỉ thay giùm kẻo người ta tưởng Cao Xuân Hạo dịch ẩu. Còn bộ “Tuyển tập Nam Cao” từng một thời được coi là “siêu lỗi” khi có người siêng năng ngồi đếm thấy có đến gần 5.000 lỗi chính tả.
Biển báo giao thông cũng bị sai lỗi chính tả
Sách ngày nay xét về hình thức thì hơn hẳn ngày trước, chất liệu giấy tốt hơn, từ giấy trắng tinh rồi nâng cao sang giấy xốp vàng nhạt được khoa học chứng minh là tốt cho mắt. Bìa sách được đầu tư chất lượng cao, gây ấn tượng với bạn đọc, tất cả đều được nâng lên một tầng cao mới nhưng lỗi lại nhiều hơn xưa, mà đó chỉ là mới xét về lỗi chính tả. Sự tôn trọng bạn đọc cũng ít được quan tâm hơn, có vẻ các nhà làm sách in xong là hết trách nhiệm về nội dung, chỉ còn lo sao để bán sách?
Sách lỗi nhiều nhưng chẳng còn thấy đâu tờ đính chính, lỗi của sách toàn là bạn đọc phát hiện ra, ai siêng thì khiếu nại, không thì đành cười trừ, xem như nhai cơm phải sạn mà chịu đựng. Thi thoảng có nhiều cuốn sai quá trầm trọng, bạn đọc không chịu nổi phải phản ứng thì người làm sách cười trừ, xin lỗi hay thu hồi để sửa.
Lỗi ở đâu ra? Không bàn đến những lỗi liên quan đến trình độ dịch thuật, ngôn ngữ phức tạp… nhiều lỗi cực kỳ đơn giản trong tiếng Việt nhưng vẫn gặp trong sách thì không thể nói do trình độ của người biên tập hay sửa morat được, họa chăng NXB tuyển biên tập hay sửa morat không biết tiếng Việt! Ở đây, vấn đề chỉ là trách nhiệm của người làm sách, xuất bản sách, thường tập trung chủ yếu vào “bán giấy phép” dưới tên gọi “liên kết xuất bản”, lại gặp đối tác làm ăn chụp giựt nên kết quả cho ra những sản phẩm đầy lỗi chính tả.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?