Báo động học sinh cho vay lấy lãi
Thứ năm, 10/01/2013 15:55

Gần đây, một số phụ huynh tại một số trường THPT dân lập tư thục than phiền về tình trạng học sinh (HS) “làm ăn”, “kinh doanh” cho vay nặng lãi.

Thầy quản nhiệm Trường Nguyễn Khuyến, TP.HCM trong một buổi sinh hoạt về kỹ năng sống cho học sinh nội trú trong việc tiêu xài tiền. Ảnh minh họa: HTD

Thầy quản nhiệm Trường Nguyễn Khuyến, TP.HCM trong một buổi sinh hoạt về kỹ năng sống cho học sinh nội trú trong việc tiêu xài tiền. Ảnh minh họa: HTD

Vay tiền để sắm quần áo, cá độ bóng đá…

Chị Lê Thị Ngọc Liên (quê Trà Vinh) hiện có con đang học lớp 10 Trường Dân lập K., cho biết mỗi tháng ngoài tiền học phí, học thêm, học Anh văn, vi tính hơn 5 triệu đồng, chị còn dằn túi cho con 300.000 đồng/tuần để tiêu vặt cá nhân. Chị cứ nghĩ con cần gì sẽ xin và chị cho thêm. Thế nhưng mỗi dịp cuối tuần con chị hay đi chơi, ăn uống, mua sắm quần áo, dày giép với bạn bè nên số tiền mẹ cho mỗi tuần không đủ để mua sắm quần áo “xịn”. Thế là con chị được bạn mách nước vay 1 triệu đồng sắm bộ đồ “vía” để đi chơi cho sành điệu, mỗi tuần trả lãi 50.000 đồng. Khi nào có 1 triệu đồng thì trả lại, không lấy lãi nữa. Con chị đồng ý vay, mỗi tuần phải trích ra 50.000 đồng từ 300.000 đồng chị cho để đóng lãi cho bạn. Rồi nhiều tuần đi chơi, mua sắm con chị nợ lên tới 5 triệu đồng, mỗi tuần phải trả 250.000 đồng tiền lãi. Biết chuyện chị phải đứng ra trả tiền cho con và nghiêm cấm con không được vay bạn tiền như thế nữa. Hỏi người bạn cho con chị vay tiền thì thằng bé nói cũng vay lại của một người ở xóm (!), nếu không đóng lãi đầy đủ là họ đến trường làm “khó dễ”…

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hải (quê Đồng Tháp) có con trai học lớp 9 Trường Dân lập T. chán ngán kể lại câu chuyện của con mình. Năm học lớp 7 cháu rất ngoan, đến khi học lớp 9 cháu quen quá nhiều bạn học nội trú và bán trú ở trường, ra ngoài đi uống cà phê cuối tuần, rồi xem bóng đá. Lúc đầu các cháu cá cược, bắt độ chầu nước, bữa ăn. Riết rồi con anh lậm chuyện cá độ, nhờ bạn ở Sài Gòn vay tiền để chi trả, rồi cháu mắc nợ gần chục triệu đồng, viện đủ lý do học thêm, dã ngoại, học cái này cái kia để xin tiền mẹ đóng lãi. “Vợ chồng tôi sinh nghi nên gặp thầy quản nhiệm, BGH trao đổi lại thì chuyện đã rồi. Chúng tôi đành móc túi trả nợ cho con và xin rút học bạ, chuyển con về quê học để dễ quản lý” - anh Hải cho biết.

Cần giáo dục kỹ năng xài tiền

Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nhân Việt, phân tích: “Các trường hợp học sinh vay tiền bạn như trên là do nhà trường quản lý không chặt. Quản nhiệm, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên kiểm tra đột xuất tài chính của học sinh nội trú. Quan trọng là dạy kỹ năng sống cho học sinh trong việc tiêu xài tiền. Cái khó khăn của nhà trường hiện nay là cha mẹ thường treo giải thưởng học tập cho con em bằng vật chất (thưởng xe, điện thoại đắt tiền, thậm chí thưởng tiền mặt). Việc phụ huynh lấy vật chất ra làm giải thưởng là hết sức tiêu cực, học sinh dễ sa ngã vào cái xấu hơn”.

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trường Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm, thì cho rằng: Khi HS ở nội trú, nhà trường có nhiệm vụ tư vấn cho phụ huynh cách cho tiền con. Những trường hợp HS “bịa chuyện” để xin số tiền lớn thì cha mẹ nên liên lạc với giáo viên, quản nhiệm điều tra xem số tiền các em xin có hợp lý hay không.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, giáo dục tài chính cho HS là rất quan trọng. Phòng THPT đang xây dựng đề án cho giáo viên dạy cho HS lên kế hoạch chi tiêu và hiểu được giá trị sức lao động, đồng tiền của cha mẹ làm ra. Đồng thời dạy cho các em biết tiết kiệm, xài tiền đúng mục đích, kỹ năng quản lý tiền bạc và lập ngân sách, kế hoạch chi tiêu.

Không nên dùng tiền bù đắp tình cảm cho con

Thanh thiếu niên không có kiến thức hay kỹ năng trong việc quản lý tiền bạc của mình, ảnh hưởng rất nhiều cho kế hoạch tổ chức cuộc sống sau khi trưởng thành. Các em chia sẻ rằng do cha mẹ làm việc bận rộn, chỉ biết cho tiền chi tiêu mà không có sự giám sát hoặc hướng dẫn con mình dùng tiền làm gì. Các em cứ dùng tiền mà không cần suy nghĩ tiền ở đâu mà có và chỉ đơn giản xin tiền khi cần, hay có nhu cầu gì đó cho bản thân. Phụ huynh không nhận thức những rủi ro, hay hậu quả của việc đưa tiền cho trẻ. Khi trẻ có nhiều tiền lại thiếu sự quan tâm của người lớn, trẻ sẽ tiêu xài hoang phí hay xài tiền vào những hoạt động có hại như nghiện game, đua đòi với bạn, bị bạn rủ rê sử dụng ma túy.

Kết quả khảo sát việc phụ huynh cho con tiêu tiền tiêu vặt hằng tuần cho thấy 100% phụ huynh cho rằng giáo dục cho con biết quý sức lao động, giá trị đồng tiền, hiểu biết những vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền là cần thiết nhưng hầu hết họ không biết dạy con thế nào và không tự tin. 100% phụ huynh cho rằng cho tiền con tiêu vặt 50.000-300.000 đồng/tuần nhưng họ không biết sử dụng có đúng mục đích không. Khoảng 50% không quan tâm con sử dụng tiền lì xì tết làm gì vì cho rằng đó là tiền của con. Có rất nhiều phụ huynh muốn dùng tiền để bù đắp thiếu hụt tình cảm vì phải đi làm xa, ít khi gặp con cái.

PLTP

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Giáo dục , Sinh viên , Sinh viên cho vay nặng lãi , Vay nợ , Vay nặng lãi , Kinh doanh