Bản... tảo hôn nơi đại ngàn Trường Sơn
Thứ tư, 24/12/2014 13:28

Cách quốc lộ 48 khoảng 7km, 2 bản Thung Khạng, Pà Hốc (Nghệ An) nằm gọn dưới thung lũng núi Bù Khạng. (Điểm núi đầu tiên của dãy Trường Sơn Bắc tại Việt Nam).

Những đứa trẻ là con của những người mẹ rất trẻ (Ảnh minh họa)

Những đứa trẻ là con của những người mẹ rất trẻ (Ảnh minh họa)

Chiếc xe khách 24 chỗ lăn bánh từ bến xe Vinh, qua ngã Yên Lý vào quốc lộ 48 thì bắt đầu tăng tốc. Đi mãi, qua gần hết địa phận huyện Quỳ Hợp, thoạt nhìn thấy tấm biển “Huyện Quỳ Châu kính chào quý khách”, tôi cảm nhận rõ con đường hẹp dần và xóc hơn. Điều này như báo trước sự nghèo khó nơi điểm dừng chân sắp tới.

“Thị xã dưới chân núi Khạng”

Gần qua cầu Khe Ngăng (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp), cậu thanh niên lơ xe hô lớn: “Khách xuống ngã ba thị xã Thung Khạng nhé!”. Tôi giật bắn mình thắc mắc: “Xứ đồi núi này cũng lên thị xã rồi sao em?”. Cậu ta cười to và nói: “Anh cứ vô trỏng sẽ rõ”. Tôi xuống xe với lời chúc may mắn từ cậu lơ xe trẻ tuổi. Thật vậy, Thung Khạng và Pà Hốc được người dân Châu Bình ví von như “thị xã” của miền sơn cước này vì sự nghèo khó của nó.

Thung Khạng và Pà Hốc trước kia vốn là một  bản với cái tên Thung Khạng, tới năm 2010 thì được tách ra làm hai. Pà Hốc như người em, ở sâu hơn, xa hơn và mọi bề cũng khó khăn hơn. Đến nay, hai bản “xa mẹ” vẫn chưa có điện lưới. Tuy nhiên, gần chục năm nay, người dân tận dụng sức nước, mỗi đoạn khe suối là một chiếc tua-bin, ròng dây dẫn điện về bản.

Từ quốc lộ 48, đường vào bản Khạng chỉ dài 7km nhưng lại có 2 bộ mặt trái ngược. 3km đường nhựa hoàn thành 2 năm nay (sinh ra phục vụ vận chuyển cây keo) cũng méo mó, xuống cấp vì những lượt xe keo cày phá. 4km tiếp theo là con đường đất đá lẫn lộn, dốc dếch, ngoằn ngoèo. Chiếc xe máy cũ của chàng trai người họ Vi dẫn đường cho tôi như “con ngựa già” ho khù khụ mỗi lần leo dốc. Mỗi mùa mưa, đường trơn trượt khiến người dân không thể đi xe máy. Mới mấy tháng trước, các thầy cô của Trường Tiểu học, Mẫu giáo Châu Bình phải đi bộ mấy cây số mỗi ngày để vào điểm trường trong chân núi.

Điểm trung Tiểu học và Mẫu giáo Châu Bình được đặt ở ngay đầu bản. Hai dãy nhà 5 phòng học tiểu học còn nguyên mùi vôi mới quét. Đầu năm 2014, một căn nhà cấp 4 lợp ngói đã được xây dựng để thay thế cho căn lán xập xệ, dột nát làm lớp học mẫu giáo.

Người dân ở 2 bản Thung Khạng và Pà Hốc đều là dân tộc Thái – Thanh (còn gọi là người Thanh). Cả mẫu ruộng bậc thang. Trong số 200 hộ thì có đến 95% là hộ nghèo. Cuộc sống thường ngày phụ thuộc chủ yếu rừng. Những đôi vợ chồng trẻ ở đây vẫn thường miệt mài lên rừng làm măng khô kiếm miếng ăn qua ngày. Cũng chính vì bữa no, bữa đói mà trong số hai người học đại học là con ông trưởng bản Thung Khạng Vi Văn Châu.

Công trình nước sạch của Dự án 135 ở Pà Hốc đến nay chỉ mang tính “tượng trưng”. Hai bể nước nứt toác, phủ rêu. Bên trong bể đủ thứ chai lọ, rác rưởi. Đường ống dẫn nước từ trên núi xuống “3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng” thanh niên bản phải lần mò sửa để dân bản có nước dùng. Dòng nước nhỏ ngày ngày vẫn chảy đều, ghé tay hứng rồi nhấp một hụm, nước nguồn mát lạnh và thật trong lành.

Buồn thương những người mẹ quá trẻ

Chúng tôi gặp anh Vi Văn Ổng, Trưởng bản Pà Hốc trong ngôi nhà sàn giữa bản. Chàng trai sinh năm 1989 này là một trong số hiếm những người lên thị trấn Quỳ Châu học trung học phổ thông. Vì vậy, dù còn trẻ nhưng anh được bà con trong bản giao phó làm Trưởng bản. Anh giới thiệu với chúng tôi gia đình nhỏ của mình. Chính anh cũng lập gia đình từ rất sớm. Vợ chồng anh đã có một cậu con trai lên 5 và con gái 2 tuổi.

Cuộc sống ở Pà Hốc bao năm vẫn một vòng luẩn quẩn: Nghèo đói, ít học, tảo hôn, rồi lại đói nghèo. Anh Ổng kể rằng, cả bản có 368 người thì 80% là mù chữ. Từ trước đến nay, chưa đến 10 người học hết cấp 2. Lúc trẻ con từ trước đến nay học may được thầy cô đến vận động để phổ cập tiểu học. Nói đến đây, tôi mới sực nhớ cậu bé Toàn đã dẫn chúng tôi lên nhà anh. Dáng người nhỏ thó, thoăn thoắt, Toàn bảo cậu vừa nghỉ học lớp 7 để theo mẹ lên rừng làm măng.

Nhắc tới chuyện tảo hôn, Vi Văn Ổng không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi cùng một cái cười ngượng nghịu. Làm Trưởng bản được hơn gần 2 năm, nhưng Ổng nắm khá rõ cuộc sống của hơn 80 hộ dân trong bản. Anh kể: “Tảo hôn ở bản mình thú thật khó bỏ lắm các phóng viên à, dân mình quen thế rồi. Cứ hết lớp 5, lớp 6 là con gái về nhà thôi. Mấy năm sau là lấy chồng rồi”. Ổng còn khoe: “Sang tuần là trong bản có đám cưới đấy". Cô dâu mới của Pà Hốc là cô bé Vi Thị Quỳnh (sinh năm 1998).

Trưởng bản dẫn chúng tôi đến thăm căn nhà sàn ở đầu bản. Ngôi nhà im ắng, vắng bóng người. Giữa nhà, cái võng nhẹ đưa đứa trẻ vẫn say giấc. Ngồi bần thần một mình, người mẹ trẻ được anh trưởng bản giới thiệu nên chúng tôi mới dám bắt chuyện. Anh Ổng còn nói: “Con bé không được đi học nên tiếng Kinh chỉ nói được mấy câu thôi”. Tôi ngập ngừng vì sợ hỏi chuyện mà cô bé không hiểu hết. Khi tôi hỏi đến đâu, cô bé này cũng chỉ rụt rè “dạ, vâng” chứ không  nói được nhiều hơn, đôi lúc anh Ổng phải phiên dịch cho chúng tôi. Cô bé tên Vi Thị T., sinh năm 1997, đã lấy chồng được hơn 2 năm rồi, chồng hơn em 1 tuổi. Đứa bé đang ngủ trong võng là con em, bé gái đã được 5 tháng rồi. Tôi có hỏi thêm về bố mẹ chồng của em thì anh Ổng tiếp lời: "Bố mẹ chồng của T. cũng chưa tới 40 tuổi, một người 35 tuổi, một người 37 tuổi".

Đến đây, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện trước đó của mình với ông Vi Văn Châu (59 tuổi), Trưởng bản Thụng Khạng, gia đình ông thuộc diện khá giả nhất bản. Ông có 4 người con trai, con trai út hiện học đại học ngoài Hà Nội, vậy mà ông cũng đã có chắt nội. Người con trai trưởng Vi Văn Phương của ông (sinh năm 1977) đã có cháu ngoại được 4 tháng. Ở Thung Khạng, Pà Hốc, những “bà ngoại tuổi 30” đúng là không hiếm.

Ở Pà Hốc, chỉ có vài người đi lấy chồng xa. Những mối tơ hồng khéo se duyên cũng loanh quanh trong bản. Vi Văn Ổng cũng thừa nhận rằng có không ít những cuộc hôn nhân cận huyết: “Ba đời là hạ lấy nhau rồi, có nhà còn hai nữa”. Cũng chính vì điều này mà cô giáo Vi Thị Thủy của lớp mẫu giáo điểm trường Thụng Khạng nói rằng, những đứa trẻ ở Pà Hốc có khả năng tiếp thu chậm hơn bình thường và lo rằng đó là do sinh con cận huyết.

Trao đổi về vấn đề tảo hôn ở địa phương, ông Kim Văn Duyên thở dài: “Chúng tôi vẫn ngày ngày vận động nhưng không thay đổi được nhiều, tập tục của bà con vốn là như vậy. Hiện giờ, xã vẫn luôn hỗ trợ việc làm giấy đăng ký kết hôn khi đến tuổi cho bố mẹ để những lũ trẻ được đến lớp đúng tuổi

Huy Ba (Pháp luật Việt Nam)

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: ban tao hon noi dai ngan Truong Son , nhung nguoi me qua tre , tao hon , tinh trang tao hon noi dai ngan Truong Son , lay chong truoc tuoi , tao hon , tin , bao