Bác sĩ “nối giáo” cho... cò
Thứ bảy, 07/07/2012 07:59

Trước nạn “cò mồi” tràn ngập các Bệnh viện công, gây bức xúc cho người bệnh và dư luận, được báo chí liên tục phản ánh thời gian gần đây.

Nếu không có mối quan hệ với nhân viên y tế, “cò mồi” khó ngang nhiên hành nghề

Nếu không có mối quan hệ với nhân viên y tế, “cò mồi” khó ngang nhiên hành nghề

“Cò nội, cò ngoại”

Mở đầu cuộc họp về chủ đề nóng nói trên, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã thẳng thắn chỉ ra rằng, tình trạng “cò mồi” BV tồn tại dai dẳng không xóa bỏ được là do có sự tiếp tay của chính một số nhân viên y tế thiếu y đức, hám lợi. Tất nhiên có những “cò mồi” chuyên lừa đảo người bệnh nhưng cũng phải thừa nhận phần nhiều “cò mồi” ở các BV làm việc “có hiệu quả” nên mới được người bệnh cậy nhờ. “Thử nghĩ nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế thì “cò” khó có thể đưa người bệnh vào được bên trong, thế nhưng hầu hết các BV chưa có báo cáo xử lý những trường hợp vi phạm”.

Ông Quang phân tích thêm, cần phải hiểu rõ khái niệm “cò mồi” là môi giới giữa người bệnh và nhân viên y tế với BV. Quan hệ “tay ba” này làm xuất hiện “cò nội” và “cò ngoại” (cò ở ngoài vào trong BV và cò ở bên trong BV). “Cò ngoại” là môi giới ở ngoài. Nội là ở bên trong phối hợp với cò ngoại để sắp xếp giường, bác sĩ mổ… cho người bệnh hoặc bản thân nhân viên y tế tự giới thiệu với người bệnh để đưa đến phòng khám riêng hoặc BV tư nhân. Ngoài ra, cò BV hiện nay hoạt động dưới nhiều hình thức, hoặc đơn lẻ hoặc biến tướng thành một tổ chức nên phức tạp, khó giải quyết. Thực tế, không phải là các BV không có quy chế để xử lý vấn nạn này, điều cơ bản là giải quyết như thế nào, hình thức xử phạt ra sao để đảm bảo tính nghiêm minh.

Giống như ông Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế, ông Phạm Đức Mục chia sẻ câu chuyện chính bản thân ông khi đến BV Mắt trung ương cũng được “cò” mời chào mua sổ khám dịch vụ cho nhanh. Cũng vì thế, ông hiểu tình trạng “cò” ở BV hoạt động ngang nhiên ra sao… Hai đại diện của Bộ Y tế còn chia sẻ, nhiều lãnh đạo BV ở các nước xunh quanh khi đến Việt Nam đã tỏ ra “rất lạ lẫm” khi chứng kiến nạn “cò mồi” ở các BV công của Việt Nam.

"Cò mồi" đang gạ gẫm khách hàng

Lắp camera vẫn không ăn thua

Trên thực tế, vấn nạn “cò mồi” BV đã tồn tại từ lâu và các BV đều nhận thức được vấn đề, thậm chí có BV đã nhiều lần triển khai những đợt “truy quét” rầm rộ, nhưng rồi chỉ sau thời gian ngắn đâu lại vào đấy, các đối tượng cò mồi vẫn ngang nhiên hoạt động truớc cổng, trong khuôn viên BV.  Theo đại diện BV K Trung ương, do BV luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, nhu cầu khám chữa, làm xét nghiệm quá lớn mỗi ngày nên người bệnh rất mệt mỏi, tâm lý ai cũng muốn được giải quyết nhanh chóng, không phải xếp hàng chờ đợi. Đó chính là mảnh đất để các cò mồi hoạt động. Vị này thừa nhận, riêng tại cơ sở 1 của BV K mỗi ngày luôn có 5-7 cò mồi ở BV để tiếp cận, dẫn dắt bệnh nhân. BV đã triển khai nhiều biện pháp và cũng đã từng xử lý khiển trách một bác sĩ trước toàn BV với lý do tiếp tay cho “cò mồi”…

Tương tự như BV K, nhiều năm nay BV Mắt trung ương vẫn luôn được coi là điểm “nóng” về tình trạng cò mồi hoạt động quanh BV. Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương cho biết, có lúc các đối tượng cò mồi còn hoạt động công khai cả trong lẫn ngoài BV như bán sổ khám bệnh, môi giới làm xét nghiệm, phẫu thuật rồi dẫn bệnh nhân đến các phòng khám tư nhân… Theo ông Hiệp, BV đã tuyên truyền qua loa phóng thanh ngay từ cổng vào và dán những biển cảnh báo nhưng người bệnh nhiều khi thấy đông đúc, chật chội nên thỏa thuận với cò khám cho nhanh. Trong khi đó, xung quanh BV có tới 6 cơ sở khám mắt khác nên người bệnh dễ bị cò rủ rê, lôi kéo. Chính sự đồng tình, thỏa thuận giữ người bệnh với cò càng khiến tình trạng này khó giải quyết hơn.

Đối với BV Phụ sản Trung ương thậm chí còn làm quyết liệt hơn khi đã cho lắp đến 25 camera an ninh ở các điểm nhạy cảm để tiện theo dõi, đồng thời có nhiều hình thức tuyên truyền cho bệnh nhân, cũng như quy định cấm nhân viên y tế đón bệnh nhân tại cổng BV để tránh tình trạng cấu kết với cò… Vậy nhưng vấn đề cũng không sáng sủa hơn là bao. Ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nhiều khi “cò” lại chính là những cán bộ đã từng làm tại BV mới nghỉ hưu được vài năm, nay đưa người đến nhận là người nhà, họ hàng nên cũng khó có thể xử lý. Muốn giải quyết được tình trạng này, lãnh đạo nhiều BV đều thống nhất cho rằng, bên cạnh các biện pháp tổng thể đã và đang triển khai, cần phải hình thức xử phạt đối với những cá nhân có vi phạm để tăng sức răn đe. 

ANTĐ
Tag: Cò bệnh viện , Cò mồi trong viện , Bác sỹ