Án oan ám cả kiếp người: Sao phải dùng nhục hình?
Thứ năm, 21/11/2013 23:34

Bức cung, dùng nhục hình không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phản tác dụng. Thực tế cho thấy phương thức điều tra mềm dẻo theo hướng cảm hóa sẽ hiệu quả hơn.

Nguyễn Hữu Nhân đã bị khuất phục bởi đòn tâm lý của Trưởng Công an TP Mỹ Tho. Ảnh: MINH SƠN

Nguyễn Hữu Nhân đã bị khuất phục bởi đòn tâm lý của Trưởng Công an TP Mỹ Tho. Ảnh: MINH SƠN

Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định trước khi hỏi cung, điều tra viên phải đọc rõ về quyền của bị can như thay đổi người tố tụng, đưa ra những chứng cứ chứng minh vô tội. Cấm điều tra viên mớm cung, bức cung hay dùng nhục hình; không được hỏi cung ban đêm… Tuy nhiên, thực tế cho thấy những vụ điều tra viên đánh đập, bức cung trong quá trình điều tra là có thật, từ đó dẫn đến án oan.

Giáo dục, cảm hóa là chính

Theo đại tá Phạm Xuân Quế - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm và trật tự xã hội (PC45) Công an Phú Yên - trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra; việc bức cung, dùng nhục hình là điều cấm kỵ và chỉ xảy ra đối với những điều tra viên non yếu.

Đề cập đến những vụ án oan mà nguyên nhân là do điều tra viên bức cung, dùng nhục hình, ông Quế nhận định: “Đấy là con sâu làm rầu nồi canh. Công an làm được rất nhiều việc, trong đó phần lớn là thầm lặng nhưng những con sâu ấy đã làm mất niềm tin của nhân dân, đó là điều rất đau xót!”

Là người có hơn 30 năm làm công tác điều tra tội phạm, Đại tá Phạm Xuân Quế cho rằng mềm dẻo giáo dục pháp luật và cảm hóa là phương thức điều tra hiệu quả nhất. Trước đây, khi bước chân vào công tác điều tra, ông cũng đã từng tát tai 1-2 bị can cố chấp vì không kiềm chế được. “Bây giờ tôi thấy rất ân hận. Kết quả điều tra những vụ án ấy đạt rất thấp so với những vụ án mình dùng biện pháp giáo dục, cảm hóa sau này” - ông Quế đúc kết.

Theo Đại tá Quế, phần lớn người phạm tội đều muốn che giấu hành vi của mình bởi sợ khai ra sẽ nặng tội. “Trước những đối tượng này, điều tra viên phải cho họ biết một khi chứng cứ đã có, nếu không khai sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử” - ông Quế lý giải. Dẫn chứng vụ triệt phá nhóm phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” năm 2012 ở Phú Yên, Đại tá Quế cho biết ban đầu, các đối tượng bị lôi kéo tham gia không hợp tác. Sau nhiều ngày thuyết phục, đồng thời đưa ra chứng cứ là danh sách của tổ chức phản động có tên họ, những người này mới lần lượt khai báo. Nhờ đó, rất nhiều người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Tôi tin dù tội phạm gian ác, mất nhân tính cỡ nào thì sâu thẳm bên trong họ vẫn còn có lương tri, vẫn còn tính người. Nếu điều tra viên đánh thức được chỗ sâu thẳm ấy thì đối tượng phạm tội sẽ khai ra thôi. Sao phải bức cung, dùng nhục hình?” - ông Quế đặt vấn đề.

Thu thập chứng cứ để buộc tội nhóm phản động “Hội đồng Công luật công án Bia Sơn” tại Phú Yên. (Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp)

Phá án nhờ bữa ăn sáng

Một trong những chỗ còn đọng lại tính lương tri của hầu hết các tội phạm chính là gia đình. Hai vụ án ở tỉnh Tiền Giang là minh chứng.

Ngày 22/9, một phụ nữ tên N. bị giết chết, giấu xác trong bao tải, vứt bên đường. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang xác định thủ phạm là Cao Văn Chính (SN 1955). Rạng sáng 24/9, công an mời ông Chính đến trụ sở làm việc và ông liên tục kêu oan. Một trinh sát đã đốt thuốc mời ông hút, gọi thêm 1 ly cà phê và nói nhỏ: “Nếu ông thấy mình bị oan thì cứ tự nhiên ra về vì công an chỉ mời làm việc chứ không bắt. Nhưng nếu ông còn nghĩ đến 3 đứa con, đến ngày được trở về với gia đình thì hãy thành thật khai báo, sẽ được giảm nhẹ tội”. Nghe nhắc đến con, ông Chính bần thần một lát rồi lí nhí “cán bộ cho tui tự khai” và thừa nhận hành vi giết bà N.

Cũng với “chiêu” này, các điều tra viên của Công an TP Mỹ Tho đã thuyết phục được các bị can tham gia cướp giật, gây ra cái chết của nữ sinh Hồ Thị Bích Trâm vào năm 2012. Nguyễn Hữu Nhân (SN 1996), một trong những đối tượng tham gia vụ cướp, liên tục kêu oan. Một buổi sáng, Thượng tá Đoàn Văn Thanh, Trưởng Công an TP Mỹ Tho, vào nhà tạm giữ, bảo cán bộ mua cho Nhân bộ quần áo mới và 1 tô hủ tiếu. Đợi Nhân ăn xong, ông Thanh hỏi: “Em của Nhân học lớp mấy rồi? Mình làm anh có lo gì được cho em không hay bỏ mặc mẹ mình? Có lỗi thì nhận để còn cơ hội quay về phụ giúp mẹ…”. Sau một hồi được thăm hỏi ân cần, Nhân đã xin khai nhận mọi tội lỗi.

Tăng cường giám sát hỏi cung

Để hạn chế, loại bỏ việc bức cung, dùng nhục hình, nhiều luật sư cho rằng cần tăng cường công tác giám sát quá trình hỏi cung, để luật sư tham gia quá trình lấy lời khai bị can ngay từ đầu. Theo luật sư Võ An Đôn (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên), luật sư không chỉ khó tham gia ngay từ đầu mà còn không thể bao quát hết các vụ án. Thực tế, hiện chưa đến 1/3 vụ án đưa ra xét xử có sự tham gia của luật sư. “Để giám sát quá trình hỏi cung thì nên đặt camera tại các phòng hỏi cung, phòng tạm giam. Những băng ghi hình sẽ là chứng cứ tại tòa. Có như thế mới hạn chế được tình trạng bức cung, dùng nhục hình” - luật sư Đôn nêu ý kiến.

Đồng ý với luật sư Đôn về tính hiệu quả của việc lắp camera trong phòng hỏi cung nhưng Đại tá Quế cho rằng vướng mắc lớn nhất là kinh phí. “Hỏi cung một đối tượng đến nửa tháng thì liệu luật sư có thể theo nổi không, có đủ sức và lòng kiên trì ngồi với anh em điều tra nổi không, rồi ai trả những khoản ấy cho luật sư?” - ông Quế lo ngại.

Nên tăng hình phạt tội dùng nhục hình

Theo luật sư Võ An Đôn, cần nghiên cứu sửa đổi Bộ Luật Hình sự vì hiện nay, hình phạt cho tội dùng nhục hình là quá nhẹ. “Tội dùng nhục hình áp dụng ở khoản 3, tức phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Lẽ ra mức cao nhất phải là chung thân, ngang với hình phạt cao nhất về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì mới làm cho những người muốn dùng nhục hình, bức cung chùn tay” - luật sư Đôn nói.

 

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Nhục hình , Ép cung , Án oan , Oan sai , Công an , Tội phạm , Minh oan