Ajax khủng hoảng: Thành & bại đều tại Thánh Johan
Thứ năm, 16/02/2012 14:27

Cuộc “nội chiến” dai dẳng và khốc liệt do Johan khởi xướng đang biến Ajax thành đống hoang tàn bởi sự xâu xé của những sứ quân từng một thời dốc lòng tận hiến vì niềm tự hào Ajax.

Nói đến bóng đá Hà Lan thì phải nói đến CLB Ajax Amsterdam; nhắc tới Ajax đương nhiên phải nhớ ngay đến Johan Cruyff, người đã được phong “Thánh” khi vẫn còn tung hoành trên sân cỏ. “Thánh” Johan là người đã khuếch trương tên tuổi, sự hùng mạnh của Ajax và thứ bóng đá tổng lực Hà Lan khắp hành tinh. Thế nhưng, cuộc “nội chiến” dai dẳng và khốc liệt do Johan khởi xướng đang biến Ajax thành đống hoang tàn bởi sự xâu xé của những sứ quân từng một thời dốc lòng tận hiến vì niềm tự hào Ajax.

Cruyff đang là không còn phù hợp Ajax. Ảnh Internet

Triết lý kiến tạo trường đại học Ajax

Một thời, người ta coi Ajax là cả một trường đại học bóng đá. Nơi ấy chứa đựng cả một triết lý xuyên suốt qua bao thế hệ, về bóng đá nói riêng cũng như cách nghĩ, cách làm, cách sống nói chung. Đã là người của Ajax thì dù là chị lao công hay GĐKT đều có suy nghĩ như nhau về bóng đá đẹp. Bây giờ, “đại học Ajax” đã tan nát. Nhân vật trung tâm của cơn giông bão đang xé nát huyền thoại Ajax hóa ra lại chính là huyền thoại Johan Cruyff.

Trong 15 HLV gần đây nhất của Ajax Amsterdam thì chỉ có duy nhất Morten Olsen (Đan Mạch) là HLV người nước ngoài. Hồi còn thi đấu, Olsen chưa bao giờ khoác áo Ajax, nhưng có thể nói, Olsen mới là HLV có đặc điểm Ajax sâu đậm nhất. Dấu ấn chuyên môn của Olsen thế nào, tùy ý kiến riêng của người hâm mộ. Nhưng rõ ràng, rào cản khó khăn nhất mà Olsen phải vượt qua để trở thành HLV trưởng Ajax hồi năm 1997 là một cuộc “thi vấn đáp” để bảo đảm Olsen hiểu rõ triết lý bóng đá của Ajax.

Trái ngược hoàn toàn với Olsen, Marco van Basten là nhân vật nổi tiếng nhất trong số những HLV trưởng gần đây của Ajax. Sự nghiệp cầu thủ sáng chói đã đành, Van Basten còn thành công trong nghề huấn luyện, khi ông dẫn dắt đội tuyển Hà Lan tham dự cả World Cup 2006 và EURO 2008. Van Basten xuất thân từ Ajax. Một nhân vật như thế thì việc kiểm tra về “triết lý Ajax” trước khi giao ghế HLV trưởng là quá lố bịch. Muốn ký hợp đồng với Van Basten vào năm 2008, Ajax phải chấp nhận mọi yêu cầu mà Van Basten đưa ra, chứ làm gì có quyền kiểm tra!

Mầm loạn từ đối đầu cũ mới

Yêu cầu của Van Basten không chỉ là lương bổng. Ông phải toàn quyền quyết định mọi chuyện. “Đại học Ajax” xưa nay chỉ công nhận mỗi sơ đồ 4-3-3, vì đấy là sơ đồ duy nhất thể hiện được sự phóng khoáng trong lối chơi, tận dụng triệt để toàn bộ mặt sân, và nguyên lý bóng đá tổng lực được vận dụng hoàn hảo.

Van Basten gạt bỏ. Tại sao Ajax không thể chơi theo sơ đồ 4-2-3-1, khi đấy là sơ đồ đang thịnh hành nhất châu  u, là sơ đồ giúp đội Hà Lan của ông trở thành “ứng viên vô địch số 1” tại EURO 2008? Thế là “đại học Ajax” bắt đầu rung chuyển khi đội bóng ngả mình trước Van Basten. Khi ấy, “thầy cũ” của Van Basten là Johan Cruyff cũng được mời đến Ajax giữ một vai trò cố vấn. Cruyff không đồng tình với quan điểm mới mẻ của Van Basten. Thế thì mời đi chỗ khác. Ai là HLV trưởng? Vả lại, Van Basten đâu có xin dẫn dắt Ajax!

Ngày xưa, bóng đá nơi nào cũng rất thuần khiết. Người ta chỉ biết Ajax có một đội bóng và BHL, gồm HLV trưởng và một hoặc vài HLV phó. Thuở ấy, các thành viên Ajax không tranh cãi về bóng đá đẹp, mà chỉ cùng nhau thực hiện thứ bóng đá của họ. Bọn trẻ được dạy chơi bóng giống như cách đá của đội lớn. Cách nghĩ, cách sống cũng phải tương đồng giữa nhiều thế hệ.

Bây giờ, bóng đá hiện đại đẻ ra cơ man các loại chức danh. Thế là từ Cruyff đến Louis van Gaal, từ Van Basten đến Danny Blind, từ Frank de Boer đến Edgar Davids, mỗi người có mỗi cách hiểu khác nhau về bóng đá đẹp, và ai cũng chỉ công nhận suy nghĩ của chính mình. Đấy là chỉ mới nói về quan điểm bóng đá. Cách làm của mỗi người cũng rất khác nhau. Người ta tranh cãi triền miên về chiến lược xây dựng lực lượng, về chỉ tiêu của đội lớn. Người ta quay sang đấu đá, thanh trừng nhau.

Ai cũng mượn oai “triết lý Ajax” khi chê bai đối thủ. Nhưng có lẽ, phải xem Cruyff là thủ phạm số 1, bởi ông luôn muốn mọi chuyện diễn ra theo ý của mình, dù ông chưa bao giờ chịu ngồi vào một chiếc ghế cụ thể, như HLV trưởng hoặc giám đốc kỹ thuật.

Trong vai trò cố vấn, Cruyff không chịu trách nhiệm, nhưng lại muốn có toàn quyền. Cruyff luôn cố bám víu vào những giá trị cũ kỹ của “đại học Ajax”, như sơ đồ 4-3-3, huấn luyện bọn trẻ theo cách chơi của chính ông ngày trước. Ông không bao giờ công nhận bóng đá hiện đại, mà chỉ cho rằng thời buổi hiện đại đang làm hỏng bóng đá. Và ông phát biểu về các quan chức khác trên tờ World Soccer: “Họ điên cả rồi”!

BongdaPlus
Tag: Johan Cruyff , Ajax , Champions League , Bóng đá