8 giờ ngày 25-2, thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương
Thứ năm, 23/02/2012 15:34

Đó là khẳng định của ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long trong cuộc họp báo sáng 23-2.

Công ty TNHH Một thành viên Quản lí và Sửa chữa Cầu đường 175 (đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long) sẽ đảm nhiệm việc thu phí.

Trên tuyến cao tốc có 4 trạm thu phí, gồm hai trạm chính Chợ Đệm (đầu tuyến) và Thân Cửu Nghĩa (cuối tuyến), hai trạm phụ Bến Lức và Tân An. Tổng cộng có 17 cửa ra và 13 cửa vào.

Quy trình thu phí như sau: Lái xe sẽ dừng tại máy phát thẻ ở làn vào và bấm máy lấy thẻ (trường hợp máy phát thẻ bị trục trặc thì nhân viên ngồi tại đây mới trực tiếp phát thẻ cho tài xế).

Trên thẻ lưu 3 thông tin, gồm biển số xe, địa điểm làn vào đường cao tốc và thời gian nhận thẻ.

Sau khi tài xế lấy thẻ xong, hệ thống sẽ tự động nâng barie lên cho xe chạy qua. Đến cửa ra, lái xe đưa thẻ cho nhân viên ngồi tại ca bin. Nhân viên này sẽ cho đọc thẻ và in vé, trong vé có ghi giá tiền và lộ trình đã đi của phương tiện.

Dự tính, tổng thời gian lấy thẻ mất từ 3 – 5 giây. Thời gian trả thẻ và nhận vé mất 10  giây – 15 giây, tùy thuộc vào việc trả thẻ và đưa nhận tiền giữa tài xế và nhân viên nhanh hay chậm.

Theo nhận định của ông Minh, nguy cơ ùn tắc giao thông tại cửa ra cao hơn gấp nhiều lần ở cửa vào. Vì vậy, sẽ tăng cường nhân viên ở cửa ra và kết hợp với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương để giải quyết ùn tắc khi cần thiết.

Từ ngày 25-2, các loại xe đi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ phải nộp phí

Trước khả năng tài xế xe tải nặng sẽ đi vào Quốc lộ 1A để “né” phí đường cao tốc, ông Minh cho biết sắp tới sẽ lắp đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1A (tại vị trí km 1953 + 200) để thu tiền phí những xe này.

Hiện nay Bộ GTVT đang thẩm định thiết kế dự án trạm thu phí và tỉnh Long An cũng bắt đầu giải phóng mặt bằng để chuẩn bị xây trạm.

“Nếu đi theo Quốc lộ 1A, tài xế phải mất khoảng 60 phút để đi hết quãng đường dài 51 km mới đến Trung Lương (tỉnh Tiền Giang). Trong khi đó, họ chỉ mất 30 phút và quãng đường 40 km nếu đi bằng đường cao tốc. Theo tính toán của chúng tôi, chỉ riêng tiền chênh lệch nhiên liệu cho 11 km đã “ngốn” hết từ 27.000 đồng – 30.000 đồng. Tài xế sẽ có sự so sánh và chọn lựa lộ trình phù hợp với họ thôi”, ông Minh nói.

Theo kế hoạch, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long sẽ thu 300 tỉ đồng tiền phí trong 10 tháng còn lại của năm 2012.

Hiện nay, lưu lượng xe trên đường cao tốc đạt khoảng 32.000 – 35.000 xe/ngày đêm.

Ông Minh cũng khẳng định việc thu phí đường cao tốc TPHCM – Lương là thu tiền cho ngân sách nên mức phí sẽ không đổi. Mức phí này sẽ được xem xét lại và phụ thuộc vào bài toán kinh tế của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền thu phí sau này.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long chuẩn bị đưa ra đấu thầu rộng rãi trong và ngoài nước về việc chuyển nhượng quyền thu phí trên đường cao tốc TPHMC – Trung Lương.

Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương có tổng mức đầu tư 9.800 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ ngày 3-2-2010. Chỉ hơn 2 năm, tuyến đường này nhiều lần bị hư hỏng và xuống cấp khiến dư luận bức xúc.

Hiện nay, nhà thầu đã sửa chữa được 70% hư hỏng trên tuyến. Đầu tháng 4-2012 việc sửa chữa sẽ hoàn thành.

Báo Người lao động
Tag: Thành phố Hồ Chí Minh , Giao thông , Trạm thu phí , Đường cao tốc TPHCM-Trung Lương