41 vụ giết người liên quan đến tín dụng đen
Thứ sáu, 31/07/2015 15:41

Những tên giang hồ sẵn sàng truy sát con nợ giữa nơi đông người hoặc ngay tại nhà dẫn đến án mạng - Tổng cục Cảnh sát cảnh báo hệ lụy của tín dụng đen.

Cảnh báo trên được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đưa ra tại hội thảo chuyên đề "Thực trạng tình hình và giải pháp phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen", tổ chức ngày 30/7.

Theo thống kê chưa đầy đủ của đơn vị, từ năm 2010-2014, cả nước xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen diễn ra ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn.

Nổi lên trong đó là hình thức người dân góp tiền chơi “hụi” (vay của người này rồi cho người khác vay lại để hưởng lãi suất chênh lệnh). Riêng năm 2014, toàn quốc xảy ra 31 vụ vỡ hụi, gây thiệt hại gần 400 tỷ đồng. Theo Tổng cục Cảnh sát, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ vỡ nợ dây chuyền thời gian qua, là do các chủ nợ đầu tư nhiều vào thị trường bất động sản, vàng, ngoại hối. Khi thị trường bất động sản đóng băng, giá vàng, đôla diễn biến bất thường, ngân hàng siết vốn… khiến giá nhà đất hạ thấp, các dự án chậm triển khai nên vỡ nợ.

Do áp lực trả nợ, nhiều người phải huy động tiền từ tín dụng đen vòng quanh. Hệ lụy từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, như việc xuất hiện nhiều băng nhóm xã hội đen được thuê bắt giữ người trái pháp luật nhằm xiết nợ, đòi nợ thuê. 

Tổng cục Cảnh sát cho biết, một số vụ, chúng sử dũng vũ khí đe dọa, đánh đập, khủng bố tinh thần bằng cách ném chất bẩn, đặt vòng hoa trước nhà con nợ, gây sức ép khi đòi nợ. Có người còn thuê giang hồ truy sát con nợ ngang nhiên giữa nơi đông người hoặc ngay tại nhà dẫn đến chết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân.

Bị cáo Huyền Như trước vành móng ngựa.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng, liên
quan đến tín dụng đen. Ảnh: Khắc Thành.

Theo thống kê từ năm 2010-2014, toàn quốc xảy ra 41 vụ giết người, trên 300 vụ cố ý gây thương tích, trên 1.500 vụ cướp - cưỡng đoạt tài sản, trên 4.000 vụ lừa đảo - lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… liên quan đến tín dụng đen, với trên 10.000 bị can.

Điển hình là vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, gây thiệt hại 4.600 tỷ đồng; vợ chồng Tô Bích Liên và Nguyễn Văn Trung (ở Lạng Sơn), lừa đảo hơn 600 tỷ đồng bằng thủ đoạn huy động vốn với lãi suất cao.

Theo Tổng cục Cảnh sát, số liệu trên chưa tính các vụ bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác…

Để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Tổng cục Cảnh sát kiến nghị Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn một số điều của Bộ luật hình sự. Từ đó, công an có căn cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, xử lý nghiêm hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen.

Tổng cục Cảnh sát đề nghị các bộ ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát. Tăng cường cảnh báo người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm hoạt động tín dụng đen.

Zing.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Giết người , vụ án giết người , giết người liên quan đến tín dụng