Xét tuyển ĐH, CĐ bổ sung: Không cho rút hồ sơ sẽ hết “loạn”?
Thứ hai, 24/08/2015 14:11

Rút kinh nghiệm từ lần “loạn” xét tuyển nguyện vọng 1, khi thí sinh và người nhà vất vả ngược xuôi để rút - nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ, tại đợt xét tuyển bổ sung tới.

Rút kinh nghiệm từ lần “loạn” xét tuyển nguyện vọng 1, khi thí sinh và người nhà vất vả ngược xuôi để rút - nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ, tại đợt xét tuyển bổ sung tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ cho phép thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường mà không được rút hồ sơ nộp sang trường khác.

Thí sinh không được rút hồ sơ

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, có gần 570.000 thí sinh xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Số lượng thí sinh phải thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong đợt 1 là gần 43.000 em, chiếm 8,1% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.

xettuyen-xahoi.com.vn-1440398902 

Thí sinh sẽ bớt vất vả hơn ở lần xét tuyển ĐH, CĐ bổ sung vì
sẽ không được rút hồ sơ?. Ảnh: Q.Anh

Trước những phản hồi của dư luận, phụ huynh và thí sinh từ cuộc đua “lên sàn” đại học trong suốt 20 ngày xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ vừa qua, khiến cho hàng chục ngàn thí sinh, người nhà lo lắng, căng thẳng, chạy đôn chạy đáo từ trường này sang trường khác để rút - nộp hồ sơ…, Bộ GD&ĐT vừa có công văn hướng dẫn thực hiện xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Theo quy định, trong đợt 2 sẽ không có việc điều chỉnh các nguyện vọng như đợt 1. Thí sinh đăng ký bằng phiếu đăng ký lấy từ trên mạng gửi về qua Sở GD&ĐT, các trường THPT - nơi thí sinh học. Bộ cũng yêu cầu các trường nhanh chóng công bố kết quả xét tuyển sinh đợt 1, đồng thời công bố chỉ tiêu còn lại mà các trường xét tuyển trong đợt 2. Trong đợt 2, các trường công bố kết quả xét tuyển khi có đủ các hồ sơ đăng ky của thí sinh.

Việc hạn chế cho thí sinh rút - nộp ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung nhằm hạn chế “loạn” xét tuyển, tuy nhiên khâu nộp hồ sơ vẫn còn gây ra tình trạng đi lại tốn kém, chờ đợi vất vả. Theo TS. Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng: “Việc thí sinh rút hồ sơ nhưng chưa được xóa dữ liệu ngay là có xảy ra, bởi độ trễ thông tin. Có những trường có hàng trăm, hàng ngàn thí sinh đến rút hồ sơ nên không đủ nhân lực xóa tên ngay trong phần mềm. Để giải quyết việc này, phần mềm tuyển sinh của Bộ GĐ&DDT cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến qua mạng để giảm bớt rắc rối và tốn kém”.

Cơ hội nào ở cuộc đua “vé vớt”?

Thời điểm này, nhiều thí sinh vui mừng trúng tuyển sau quãng thời gian 20 ngày mướt mải đi rút - nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cũng ngậm ngùi khi bị loại khỏi danh sách trúng tuyển. Cơ hội vẫn còn cho nhiều thí sinh ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp tới, tuy nhiên thí sinh chỉ có thể vào trường “top dưới” hoặc vào trường ngoài công lập, khi các trường “top trên” đã lấy hết chỉ tiêu.

Theo lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 thì cơ hội vào ĐH chưa phải là hết. Có khá nhiều trường ĐH xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thông tin liên quan đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được các trường cập nhật trên trang web của trường. Việc đăng kí xét tuyển vào nguyện vọng bổ sung các thí sinh sử dụng các giấy báo điểm còn lại. Thí sinh cần lưu ý, trong xét tuyển bổ sung không được rút hồ sơ ra.

Trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, thí sinh sẽ sử dụng một giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký tối đa 4 ngành trong một trường. Từ đợt 2, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Thí sinh có thể gửi phiếu đăng kí xét tuyển qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Ngay sau khi kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường cũng đã thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 với hàng chục ngàn chỉ tiêu, tuy nhiên đây là những trường “tốp giữa” hoặc dưới, trường ngoài công lập. Tiêu biểu như, ĐH Thăng Long tuyển 990 chỉ tiêu cho 18 ngành đào tạo, điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 đến 22 điểm. ĐH Công nghệ TP HCM xét tuyển 30 ngành bậc ĐH điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 hoặc 16 điểm. ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung khoảng 3.400 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. ĐH Kinh tế Nghệ An cũng còn xét tuyển hơn 1.000 chỉ tiêu ĐH và CĐ...

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường thực hiện xét tuyển bổ sung đợt 1: Từ ngày 25/8 đến 15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước 20/9); Xét tuyển đợt 2: Từ ngày 20/9 đến hết 5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 10/10); Xét tuyển đợt 3: Từ ngày 10/10 đến ngày 25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước 31/10); Xét tuyển đợt 4 (các trường CĐ): Từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/11).

Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Xét tuyển , xét tuyển bổ sung , xét tuyển ĐH ,