Trong thể thao không phải VĐV nào cũng có thể giành được vinh quang, nhiều người trong suốt cuộc đời thi đấu của mình cũng không thể tạo nên sự khác biệt.
VĐV Ambomo (bên phải) một trong số những VĐV bị cho là bỏ làng thể thao Olympic |
Tên tuổi không nổi nên hy vọng làm giàu từ thể thao có lẽ là điều không tưởng, thế nên nếu có cơ hội được đi thi đấu tại nước ngoài thì những VĐV này sẽ tìm cách kiếm sống bằng một công việc khác ...
Bỏ trốn mong đổi đời
Sẽ là một kỳ Olympic thành công với đoàn thể thao Cameroon nếu như thời gian gần đây họ không phát hiện ra 5 võ sĩ, một cầu thủ bóng đá nữ và một VĐV bơi đã "biến mất" trong thời gian diễn ra Olympic tại London. Ông David Ojong, trưởng đoàn Olympic Cameroon, cho biết nhóm nghi phạm biến mất từ cuối tuần trước.
Hiện chưa rõ lý do của cuộc đào thoát, nhưng có tin cho biết các VĐV này muốn ở lại xứ sở Sương mù để kiếm tiền. Visa của họ sẽ hết hạn vào tháng 11, nếu tới thời điểm đó họ không được gia hạn thì các VĐV sẽ phải đối mặt với một cuộc sống chui lủi. "Nghi ngờ ban đầu cuối cùng đã trở thành sự thật", ông Ojong cho biết trong một bức điện gửi tới Bộ trưởng Thể thao Cameroon ngày 7-8-2012 với nội dung: "7 VĐV tham dự Olympic London đã trốn khỏi làng Olympic".
Theo đó, thủ môn dự bị của đội tuyển bóng đá nữ Cameroon, Drusille Ngako, là người bỏ trốn đầu tiên. Ngako "biến mất" trong khi các đồng đội tới Coventry chuẩn bị cho trận gặp New Zealand ở vòng bảng. Theo sau thủ môn đội tuyển bóng đá nữ là VĐV bơi Paul Ekane Edingue.
Người này thậm chí bỏ trốn với toàn bộ đồ đạc cá nhân. 5 võ sĩ bị loại sớm khỏi các cuộc tranh tài ở London, bao gồm Thomas Essomba, Christian Donfack Adjoufack, Abdon Mewoli, Blaise Yepmou Mendouo và Serge Ambomo, cũng đã trốn khỏi làng Olympic. Theo hãng tin AP, có khả năng 7 VĐV trên sẽ xin tị nạn tại Liên hiệp Anh giống trường hợp của những VĐV Sudan hồi tháng trước.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, Bộ Thể thao Cameroon đã tiến hành họp khẩn cấp liên quan tới vụ việc bỏ trốn tập thể của các VĐV khi được cử đi tham dự Olympic. Trong lịch sử thể thao của quốc gia châu Phi này cũng từng có khá nhiều vụ việc VĐV bỏ trốn khi ra nước ngoài thi đấu, nhưng rõ ràng một cuộc bổ trốn tập thể như vậy là điều chưa từng xảy ra từ trước đến nay.
Trong cuộc họp sơ bộ giữa Ủy ban Olympic Cameroon và Bộ Thể thao nước này có rất nhiều nguyên nhân và lý do được đưa ra để lý giải cho sự việc khá bất ngờ nhưng không bất thường vừa qua. Bản thân ông Ojong cũng cho biết: "Trưởng đoàn tham dự Olympic phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý các đội tuyển cũng như VĐV của mình. Theo đánh giá của tôi, việc quản lý tại nước ngoài cũng rất chặt chẽ, nhưng khi các VĐV đã cố tình bỏ trốn thì đúng là chẳng ai trở tay kịp, sự việc này hoàn toàn là điều không mong muốn, hình ảnh thể thao Cameroon đã bị hoen ố rất nhiều do sự kiện trên...".
Như để lý giải thêm cho sự việc này ông Ojong nói thêm: "Đa phần các VĐV của chúng ta có trình độ văn hóa thấp. Họ không ý thức được việc mình làm nên mới xảy ra sai lầm như vậy. Trước khi lên đường sang London chúng tôi đã rất lưu tâm tới việc này, bởi nhiều VĐV mới chỉ là lần đầu tham gia một giải đấu lớn tại một đất nước phát triển, sự choáng ngợp sẽ là điều khó tránh khỏi, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng nhưng rõ ràng điều này vẫn là chưa đủ...".
Có thể nói từ hàng chục năm qua, câu chuyện VĐV "tận dụng" những chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài để rồi ở lại "định cư" đã không còn lạ tại quốc gia châu Phi này. Dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, thể thao Cameroon vẫn tự hào về thành tích thăng tiến trên đấu trường quốc tế với nhiều bộ môn cần sức khỏe dẻo dai như điền kinh, bóng đá, boxing... vậy mà các VĐV của quốc gia này vẫn sai lầm tiếp nối sai lầm.
Một VĐV giấu tên từng là triển vọng vàng cho bộ môn boxing của Cameroon đã quyết định bỏ đội tuyển để định cư tại châu Âu sau khi được cử đi tham gia thi đấu tâm sự rằng: "VĐV bỏ trốn ở lại nước ngoài có người đã trở về, có người vẫn định cư bên đó.
Mỗi người một nghề, không theo nghiệp VĐV nữa thì phải tìm cách mưu sinh thôi. Họ vẫn trở về Cameroon nhưng hầu như cắt đứt mọi mối liên hệ với thể thao nước nhà". "Dẫu có lý giải thế nào thì sự việc cũng đã xảy ra, vậy nên việc trước mắt hiện nay là tìm cho ra những VĐV bỏ trốn", ông Ojong chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Thể thao có thể sẽ nhờ đến Đại sứ quán Anh tại Cameroon, cảnh sát Anh để truy tìm tung tích những người đào tẩu. Ông Ojong cho biết: "Ngay sau khi phát hiện sự việc các VĐV bỏ đi ban đêm (có VĐV hành lý, hộ chiếu, visa đều do Ban huấn luyện giữ), chúng tôi đã báo cáo ngay lên Bộ Hợp tác quốc tế, Bộ Thể thao và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại Anh Quốc trong việc tìm kiếm những VĐV này.
Vì đâu nên nỗi
Song song với công tác "tìm kiếm" VĐV là việc lý giải nguyên nhân tại sao xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy. Vào những năm đầu thế kỷ 21 cũng có nhiều vụ VĐV bỏ trốn xảy ra tương tự tại Cameroon khi được cử đi thi đấu hoặc tập huấn tại nước ngoài, phần nhiều những quốc gia dễ thu hút VĐV Cameroon là những quốc gia phát triển ở châu Âu, thông thường những VĐV viên này thường ở lại đây làm ăn, định cư. Có khá nhiều VĐV thành công với quyết định "táo bạo" của mình, nhưng cũng có không ít người không may mắn đã bị cảnh sát nước sở tại trục xuất về nước vì không có giấy tờ tùy thân.
Đã có một cuộc điều tra sơ bộ về cuộc sống của những VĐV Cameroon từng bỏ trốn thì được biết việc đổi đời không hề dễ dàng như những VĐV này vẫn nghĩ. Cuộc sống của những người từng khoác áo đội tuyển quốc gia Cameroon sau khi "đào ngũ" đa phần đều long đong, lận đận.
Người ở lại được cũng phải bươn chải, làm lụng quần quật và chặng đường để có thể trở về quê hương với họ giờ đây thực sự quá xa xôi. Ảo tưởng và giấc mộng làm giàu nơi đất khách quê người với những VĐV giờ đây là "ác mộng" nhiều hơn là một thiên đường mà họ tưởng tượng ra.
Những người bị trục xuất về nước thì phải chịu cảnh thất nghiệp, không những thế họ còn bị coi là những kẻ phản bội Tổ quốc và bị lên án rất dữ dội. Thực tế là như vậy nhưng không phải VĐV nào cũng ý thức được những việc mình sẽ làm. Căn nguyên của vấn đề chính là câu chuyện về ràng buộc VĐV. Bởi đa số VĐV đều trưởng thành từ phong trào, mỗi khi có giải hoặc có đợt tập huấn, họ mới được gọi tập trung.
Đời sống của các VĐV đa phần đều rất khó khăn, trong khi chế độ và lương bổng của họ chẳng đáng là bao, có nhiều VĐV khi thi đấu trong nước còn phải kiếm việc làm thêm như chăm sóc trang trại, buôn bán đồ gia dụng, nhận vận chuyển hàng hóa... Nhìn nhận sâu xa việc bỏ trốn của hàng loạt VĐV tại Cameroon, theo các chuyên gia nước này cho biết: Chỉ có thể khẳng định một điều rằng đời sống của VĐV đỉnh cao vẫn còn quá khó khăn, mức lương thấp.
Đây là vấn đề cần được những nhà lãnh đạo thể thao quan tâm nếu muốn giải quyết tình trạng các VĐV bỏ trốn, ở lại nước ngoài. Nền thể thao Cameroon nếu muốn phát triển hơn nữa thì cần có sự quan tâm đồng bộ tới đời sống VĐV cũng như phương cách giáo dục nhận thức cho những người được đại diện hình ảnh của quốc gia khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao trên trường quốc tế...
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%