Sau hơn 1 tuần giảm liên tiếp và có lúc về sát mốc 42 triệu đồng, giá vàng trong nước sáng nay đột ngột tăng trở lại, song vẫn chưa "chinh phục" được mốc 43 triệu đồng.
|
Giá vàng miếng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP. HCM lúc 9h17 hôm nay được niêm yết ở mức 42,72 – 42,92 triệu đồng/lượng. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC mua vào ngang với TP. HCM, bán ra cao hơn 20.000 đồng mỗi lượng, ở mức 42,94 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC hôm qua tại TP. HCM được giao dịch ở mức 42,59 – 42,79 triệu đồng/lượng (mua – bán), còn tại Hà Nội giá mua – bán tương ứng 42,59 – 42,81 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Thần Tài SBJ của Sacombank sáng nay được mua – bán tương ứng ở mức 42,81 – 42,86 triệu đồng/lượng. Trong khi giá SBJ hôm qua ở mức 42,68 – 42,78 triệu đồng.
Như vậy, giá vàng trong nước sáng nay đã đột ngột tăng trở lại tới 120.000 – 140.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Đây là phiên tăng đầu tiên sau 7 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Vàng sắp quay trở lại mốc 43 triệu đồng, song giao dịch vẫn trầm lắng.
Giá vàng trong nước tăng là do đà tăng bất ngờ của vàng thế giới, theo xu hướng của thị trường chứng khoán quốc tế và các kim loại công nghiệp. Đóng cửa phiên 24/4, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.642 USD/ounce, giá vàng giao tháng 6 tăng 11,2 USD lên 1.643,8 USD/ounce.
Theo dữ liệu của Reuters, tuy giá vàng tăng nhưng khối lượng giao dịch phiên hôm qua chỉ bằng 60% bình quân 30 ngày, cũng là phiên thấp thứ 3 liên tiếp. Thứ sáu tuần trước, khối lượng giao dịch của vàng thế giới ở mức thấp nhất trong năm.
Các chuyên gia nhận định, đáng lẽ giá vàng thế giới có thể tăng mạnh hơn, tuy nhiên sức ép bán ra trước thềm phiên đáo hạn quyền chọn tháng 5 (vào 25/4) cộng với sự chưa chắc chắn về cuộc họp của Ủy ban thị trường mở của Fed (FOMC) đã kìm hãm đà tăng của giá.
Thị trường chứng khoán tốt hơn nhờ triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Mỹ và những rủi ro về khủng hoảng nợ châu Âu giảm sút đã làm giảm niềm đam mê của người có tiền tại nhiều nước đối với vàng. Điều này cũng tương tự tình hình các kênh đầu tư ở Việt Nam, kể từ sau khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành, theo đó cũng hạn chế các hoạt động đầu cơ đối với vàng, khiến dòng tiền từ thị trường này chảy sang các kênh “nóng” khác như chứng khoán và sắp tới có thể là bất động sản.
Trái ngược với đà tăng của giá vàng, giá xăng và dầu diesel bán lẻ tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Philippines... đang có chiều hướng giảm do giá dầu thế giới duy trì ở mức ổn định.
Trong vòng một tháng qua, giá dầu đã giảm đáng kể. Theo Hãng Barclays Capital, nguyên nhân là do giới đầu tư quốc tế lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia ngốn nhiều dầu nhất thế giới, tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến và tình hình nợ công Tây Ban Nha xấu đi.
Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch 24/4, giá dầu Brent tại thị trường London giảm 55 cent xuống 118,16 USD/thùng, sau khi dao động trong vùng giá 117,85-118,94 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 44 cent lên 103,55 USD/thùng, sau khi lên tới 104,1 USD/thùng. Trong khi đó, giá xăng tại thị trường Mỹ lại giảm gần 1%, trở thành mặt hàng giảm mạnh nhất trong rổ các hàng hóa năng lượng.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?