Chiều 23-2, Bộ GD-ĐT đã họp phiên cuối cùng để quyết định chính thức một số điểm đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Theo đó, có nhiều điều chỉnh so với dự kiến ban đầu.
|
Học sinh tiếp tục đón nhận thông tin khác với thông tin đã được công bố. Trong ảnh: học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 tại Cần Thơ - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Ngay trong tối 23-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
- Bộ GD-ĐT đã có quyết định cuối cùng về những điểm đổi mới tuyển sinh dựa trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các trường và cho thí sinh. Những quy định được áp dụng trong kỳ thi năm nay phải phù hợp với lộ trình đổi mới tuyển sinh được đặt ra, không gây xáo trộn lớn đối với thí sinh và công tác tuyển sinh của các trường.
Không được thay khối A bằng A1
* Sau hội nghị hiệu trưởng, có thông tin Bộ GD-ĐT cân nhắc giữa nhiều phương án tổ chức thi khối A1. Xin ông cho biết đến nay Bộ GD-ĐT quyết định lựa chọn phương án nào?
- Việc tuyển sinh thêm khối A1 được sự đồng tình cao của các trường tại hội nghị hiệu trưởng vừa rồi nên sẽ được áp dụng ngay trong mùa thi năm 2012. Thí sinh dự thi khối A1 sẽ thi ba môn: toán, vật lý, tiếng Anh và thi cùng đợt với khối A. Môn toán, vật lý thi chung đề với khối A, môn tiếng Anh có đề thi riêng, thi cùng ngày với môn hóa học của khối A. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường có các ngành tuyển khối A những năm trước sẽ tuyển bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết. Không được thay thế hoàn toàn khối A bằng khối A1.
* Phương án tổ hợp môn thi toán, vật lý (khối A) và tiếng Anh (khối D) để tuyển sinh khối A1 được đánh giá là phương án hay nhưng tại sao Bộ GD-ĐT không lựa chọn phương án này?
- Đó đúng là phương án hay nhưng theo lộ trình của bộ, sau năm 2015 trở đi việc tuyển sinh mới áp dụng phương thức tổ hợp môn thi. Để thực hiện phương thức này, cần phải báo trước cho thí sinh ít nhất ba năm để học sinh bắt đầu học THPT có thể định hướng việc học tập. Hơn nữa, nếu thực hiện sẽ phải áp dụng với tất cả các môn thi chứ không chỉ tổ hợp ba môn toán, vật lý, tiếng Anh từ các môn thi sẵn có của khối A, D. Vì làm vậy sẽ thiếu công bằng đối với những thí sinh dự thi khối thi khác.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn cho học sinh Tiền Giang trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Minh Đức
Hai bản gốc phiếu báo điểm
* Việc không khống chế các đợt xét tuyển đã được Bộ GD-ĐT quyết định chính thức chưa và Bộ GD-ĐT quy định việc xét tuyển thế nào?
- Bộ GD-ĐT đã quyết định chính thức việc không khống chế các đợt xét tuyển. Thí sinh không trúng tuyển vào trường đã dự thi (nguyện vọng 1) nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng, khu vực, không có môn thi nào bị điểm 0 sẽ được trường tổ chức thi cấp hai bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi (có đóng dấu đỏ của trường). Hai bản gốc này có giá trị như nhau, không ghi nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 như những năm trước.
* Như vậy, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển nhiều lần phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ hay giấy chứng nhận được photocopy? Nếu là nộp bản sao có yêu cầu công chứng không?
- Việc nhận bản gốc hay bản sao giấy chứng nhận kết quả thi khi xét tuyển là do hội đồng tuyển sinh của từng trường cân nhắc, quyết định và thông báo công khai, rộng rãi cho thí sinh. Bộ GD-ĐT không quy định cứng việc này.
Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có thể lựa chọn được vào ngành, trường phù hợp với sở thích và năng lực. Vì vậy không thể ngại xử lý những vấn đề tác nghiệp mà hạn chế quyền lợi chính đáng của thí sinh. Tuy nhiên, với chủ trương của bộ là giao chủ động cho các trường, những trường sau khi tuyển nguyện vọng 1 còn ít chỉ tiêu cho đợt tuyển sau có thể quy định “nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi” để giảm “ảo”, nhanh chóng kết thúc tuyển sinh. Những trường còn nhiều chỉ tiêu, khó khăn về nguồn tuyển có thể quy định “nộp bản sao” để tăng cơ hội cho thí sinh và cho trường.
* Năm nay bộ không khống chế thời hạn xét tuyển của từng đợt, các trường có thể sẽ áp dụng hình thức ưu tiên tuyển những thí sinh nộp hồ sơ sớm và thí sinh chậm chân sẽ mất cơ hội?
- Năm nay, mỗi trường sẽ có quy định riêng về thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển, điểm nhận hồ sơ xét tuyển, quy định điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Vì thế nếu thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường nào phải nắm quy định của các trường đó. Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ nếu các em muốn thay đổi nguyện vọng. Đối với những thí sinh rút hồ sơ, hiệu trưởng của các trường có quyền quy định việc trả lại lệ phí xét tuyển hoặc không trả lại. Ngoài ra, năm nay các trường vẫn phải công bố công khai và cập nhật hằng ngày số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường để thí sinh theo dõi và điều chỉnh nguyện vọng.
* Quyết định cuối cùng của bộ về việc tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia như thế nào?
- Thí sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng theo đúng ngành, nhóm ngành trùng với môn đoạt giải hoặc ngành lân cận. Thí sinh đoạt giải khuyến khích sẽ được tuyển thẳng vào trường cao đẳng. Nếu không sử dụng quyền tuyển thẳng, những học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tham dự kỳ thi tuyển sinh đạt điểm bằng hoặc trên điểm sàn, không có môn thi nào bị điểm 0 sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường, ngành học khác.
* “Ngành lân cận” được xét tuyển thẳng là những ngành nào? Thí sinh có thể tra cứu những ngành này ở đâu?
- Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh sách các ngành lân cận có thể xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia trong ít ngày tới. Đó là những ngành đòi hỏi kiến thức gần với kiến thức của môn thí sinh đoạt giải. Ví dụ thí sinh đoạt giải môn toán có thể được tuyển thẳng vào ngành sư phạm toán, cử nhân toán, toán tin, ngành xác suất thống kê. Ngoài quy định tuyển thẳng vào các ngành trùng hoặc có liên quan với môn thi đoạt giải, Bộ GD-ĐT sẽ quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia vào những ngành đào tạo đang cần nhân lực chất lượng cao, những ngành mà Nhà nước cần nhưng khó thu hút người tài. Ví dụ như các ngành năng lượng hạt nhân, trắc địa, viễn thám, khí tượng thủy văn...
Giữ nguyên lịch thi
* Về dự kiến điều chỉnh lịch thi năm nay để tổ chức thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, quyết định chính thức là thế nào?
- Bộ dự kiến như vậy để giảm tải cho các thành phố lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh và phụ huynh. Nhưng như vậy, thời gian giữa hai đợt thi liên tiếp sẽ kéo dài thêm hai ngày mỗi đợt dẫn đến tổng thời gian 3 đợt thi cũng kéo dài theo. Điều này gây khó khăn cho thí sinh từ các tỉnh xa khi đến các thành phố dự thi nhiều đợt khác nhau bị phát sinh chi phí cho việc ăn, ở để chờ ngày thi. Mặt khác, năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cụm thi tại Hải Phòng, dự kiến có 50.000-60.000 thí sinh dự thi. Ngoài ra, cụm thi Vinh sẽ tiếp nhận thí sinh dự thi vào các trường ở TP.HCM nên số lượng thí sinh đến Hà Nội và TP.HCM sẽ giảm. Từ những lý do trên, bộ cân nhắc lại và quyết định giữ ổn định lịch thi như năm trước. Cụ thể đợt 1 sẽ thi vào ngày 4 và 5-7, đợt 2 vào ngày 9 và 10-7 và đợt 3 vào ngày 15 và 16-7.
* Có nhiều ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời hạn kết thúc xét tuyển so với dự kiến. Việc này đã được bộ quyết định thế nào?
- Ngày 30-11, các trường sẽ kết thúc việc xét tuyển. Như vậy thời hạn xét tuyển được rút ngắn một tháng so với dự kiến. Ngày 31-12, các trường phải báo cáo việc tuyển sinh về Bộ GD-ĐT.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?