Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nghị định cũng nghiêm cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán.
|
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, sau nhiều lần dự thảo. Theo đó, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Điểm thu hút sự chú ý dư luận thời gian qua cũng như ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng là các quy định về vàng miếng. Nghị định trên chính thức quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Do đó, một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng kể đến là “sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán”.
Cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Muốn kinh doanh vàng miếng phải hội tụ đủ 5 điều kiện
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Còn tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Với doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có trách nhiệm thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.
Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ cung - cầu để xuất nhập vàng nguyên liệu
Nghị định cũng nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng theo quy định.
Cũng theo quy định tại nghị định này, Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối nhà nước. Cơ quan này thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng qua các hạn mức phù hợp từng thời kỳ; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012.
- Virus HMPV là gì? Virus đang lây lan bệnh hô hấp tại Trung Quốc có nguy hiểm như Covid-19?
- Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh rất mạnh, Hà Nội lạnh nhất 10 độ
- Đi xe máy qua vạch sơn, đèn chuyển vàng và đỏ có bị cảnh sát xử phạt không?
- Lừa đảo cận Tết ngày càng tinh vi, chủ tài khoản ngân hàng cần làm ngay việc này để tránh bị 'bay' sạch tiền
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu từ ngày nào?
- Khu đô thị nào có giá cao nhất Hà Nội, lên tới 113 triệu đồng/m2?
- Từ nay ai dùng căn cước công dân theo cách này có thể bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng
- Cầu thủ Nguyễn Xuân Son là ai? Cơ duyên nào đưa Nguyễn Xuân Son đến với đội tuyển Việt Nam?
- Năm 2025: Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết?
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này