“Trưởng thôn” Văn Hiệp: Người nghệ sĩ không danh hiệu ra đi trong xót xa
Thứ ba, 09/04/2013 13:08

5h sáng nay 9/4 nghệ sĩ hài Văn Hiệp đã qua đời, ông ra đi để lại sự bàng hoàng nỗi xót xa trong đông đảo bạn bè nghệ sĩ và người hâm mộ.

Nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi vì bệnh ung thư phổi và suy thận, thọ 71 tuổi.

Nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi vì bệnh ung thư phổi và suy thận, thọ 71 tuổi.

Nhắc tới nghệ sĩ hài Văn Hiệp, ông trưởng thôn với chiếc điếu cày trên tay cả trên phim trường trong những vai diễn và ngoài đời thường người hâm mộ không khỏi xúc động. Ông là một nghệ sĩ chân chính, người thầy của không ít lớp diễn viên kế cận.

Tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Sân khấu - Kịch nói (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh), nghệ sĩ Văn Hiệp được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Vai diễn đầu tiên ghi dấu ấn của đời diễn viên của người nghệ sĩ sinh năm 1942 có lẽ phải nhắc đến đó là vai diễn chú bé con trong phim “Vợ chồng A Phủ” mặc dù khi đó ông là một thanh niên, do vóc dáng thấp bé... Ông từng tâm sự: "Tôi không có tướng làm diễn viên bởi chẳng được điểm nào về hình thức: mắt híp, chiều cao chưa đến 1m60... may mà gỡ lại ở năng khiếu"

Sau hơn 40 năm trong nghề diễn với hơn 1000 vai diễn thuộc nhiều thể loại cả chính kịch và hài kịch. Nhắc tới Văn Hiệp phải kể đến những vai diễn trong “Người vác tù và hàng tổng”, cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến… để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng khán giả. Và đặc biệt, qua seri hài “Gặp nhau cuối tuần” của Đài truyền hình Việt Nam cái tên “Trưởng thôn Văn Hiệp” trở thành thương hiệu của một đời người nghệ sĩ. Cũng chính từ đây, hình ảnh ông “trưởng thôn” đã trở nên quá đỗi gần gũi với lớp lớp khán giả và bạn bè nghệ sĩ.

  

Hình ảnh nghệ sĩ hài Văn Hiệp giản dị khoan khoái “bắn” điếu thuốc lào trong các tác phẩm điện ảnh hay ngoài đời thường đã ghi dấu trong lòng khán giả

Người nghệ sĩ ra đi  khi ông chưa nhận được bất kỳ một danh hiệu nào. Việc xét trao danh hiệu NSƯT cho cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Văn Hiệp sau 3 lần nộp hồ sơ vẫn chưa được công nhận do thiếu Huy Chương. Hội đồng có ý kiến rằng ông diễn nghiệp dư, dù nghệ sĩ Văn Hiệp đã diễn từ năm 1954 trong vở "Lỳ và Sáo” ở Nhà hát Lớn…. Có lẽ, sẽ còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, cuộc đời nghệ sĩ chẳng danh hiệu nào cao quý hơn và đáng trân trọng hơn là sự tồn tại trong lòng công chúng. Trước tin bác “Trưởng thôn Văn Hiệp” ra đi lớp lớp thế hệ khán giả, nghệ sĩ trong nghề đều tiếc thương vô hạn. Nghệ sĩ Văn Hiệp đã làm được như thế! Và lời nguyền “Showbiz thiếu tình người của Bảo Yến” có lẽ là không linh ứng đối với trường hợp này.

FB nghệ sĩ Vượng Râu

FB nghệ sĩ Minh Vượng

FB ca sĩ Pha Lê

Ngay khi nghe tin nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi nghệ sĩ hài Vượng Râu đã thông báo trên trang cá nhân bằng những lời lẽ hết sức chân tình, nghệ sĩ Minh Vượng, ca sĩ Pha Lê cũng chia sẻ những dòng tiếc thương, người thân, những người bạn nghề, đông đảo khán giả đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc. Vĩnh biệt cây đại thụ của làng hài Việt Nam. Vĩnh biệt một người nghệ sĩ lớn ra đi khi trên tay không một tấm huy chương, không một danh hiệu nhưng ông mãi mãi là người nghệ sĩ hài danh tiếng trong lòng công chúng. Người “trưởng thôn” giản dị, hài hước trong từng vai diễn mà ông luôn tâm niệm: "Mình chỉ diễn một cách tự nhiên, diễn làm sao cho nhân vật của mình sống được trong lòng khán giả”. Nghệ sĩ hài Văn Hiệp đã làm được như thế!

Cuộc đời cô đơn suốt hơn 20 năm ròng, vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức rồi không trở về nữa nhưng ông vẫn luôn tin: "Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích". Suốt những năm tháng sống một mình, dù nhiều người mối mai nhưng Văn Hiệp vẫn "cô đơn" lấy niềm vui trong những vai diễn làm lẽ sống. Về phần con cái nghệ sĩ từng tâm sự, con trai ông "phá phách quá nên tống sang ở với mẹ", còn lại Văn Hiệp thân già sống cô đơn trong căn phòng hơn 8m2 "20 năm một mình nuôi con, kể cũng dài nhưng với tôi đó là giai đoạn đã qua rồi. Tôi không dám nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình là người cư xử đàng hoàng".

Linh cữu nghệ sĩ Văn Hiệp hiện đang ở nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Vào chiều nay, gia đình, người thân sẽ họp để bàn về giờ giấc tổ chức lễ viếng và nơi an táng ông.

Theo thông tin mới nhận được, lễ viếng và Truy điệu Nghệ sĩ Văn Hiệp được tổ chức tại: Nhà Tang Lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội).

Vào hồi 10h -> đến 11h30 ngày 11/4/2013 (PL 2557)
Lễ truy điệu cố nghệ sĩ vào lúc 12h cùng ngày.

Bài thơ cuối đời của nghệ sĩ Văn Hiệp:

Nghệ sĩ giun

Nơi nào có đất cằn
Nơi ấy có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún

Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp
Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von

Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non

Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun.

Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là: Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942. Là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu…

Từ 1963 đến 1990 công tác tại Nhà hát Kịch TW, năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin. Vừa viết kịch bản truyền thanh, kịch bản truyền hình vừa đạo diễn sân khấu, tổ chức và giảng dạy các lớp diễn viên ngắn ngày. Từ năm 2002 nghỉ hưu.

 

 

Gia Linh

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Văn Hiệp , Văn Hiệp 2013 , Văn Hiệp qua đời , Trưởng thôn Văn Hiệp , Nghệ sĩ Văn Hiệp