Tội phạm và cảnh báo (P1): 18 năm “làm vợ” xứ người
Thứ năm, 20/09/2012 09:13

Một lần nhẹ dạ tin lời kẻ xấu, chị Nguyễn Thị Lợi (SN 1977, trú xã Quỳnh Dị, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đánh đổi lấy 18 năm đắng cay, tủi nhục nơi xứ người.

Chị Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những tháng ngày cùng cực xứ người

Chị Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những tháng ngày cùng cực xứ người

Phút nhẹ lòng của cô thôn nữ

Chỉ học hết lớp 1, Lợi có tuổi thơ nhọc nhằn hơn những đứa trẻ khác ở nơi vùng quê nghèo quanh năm “chân lấm tay bùn”. Là chị cả trong gia đình, Lợi sớm phải gánh vác những công việc nặng của một trụ cột gia đình. Bố bị mù bẩm sinh cùng 3 đứa em nheo nhóc, ngày ngày Lợi vừa phải đi mò ngao vừa phải trông các em.

Lớn lên, Chị chỉ biết buôn bán nhỏ lẻ ở chợ. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu. Đang trong lúc nghèo đói thì có người đàn bà chừng 40 tuổi, tên là Hồng, người cùng quê, rủ đi làm ăn: "Em đi theo chị, chịu khó sang Trung Quốc làm thuê một năm kiếm tiền về lấy vốn buôn bán, nuôi bố mẹ, kiếm tiền bên đó dễ lắm”. Thấy chị ta kể công việc bên đó nhàn hạ lại kiếm được nhiều tiền, Lợi liền nghĩ đi một thời gian để kiếm tiền phụ giúp gia đình và kiếm vốn làm ăn sau này. Nghĩ vậy, Lợi liền nhận lời theo người phụ nữ kia.

Hành trang của Lợi chẳng có vật gì có giá trị. Bỏ mấy bộ quần áo trong túi xách nhỏ, chị không từ biệt bố mẹ mà hăm hở lên đường, chị cũng không hề biết những chông gai đang đợi phía bên kia biên giới...

Trái đắng đầu đời

Theo chân người phụ nữ nọ, Lợi lên ô tô. Một chuyến đi thật dài. Cô lờ mờ cảm thấy mình đến một nơi xa lắm, nhưng tự an ủi rằng qua biên giới để buôn bán, mua hàng. Ngồi trên xe mãi chẳng thấy phải mua hàng gì, Lợi hỏi thì người phụ nữ ậm ừ cho qua chuyện.

Đêm đến, Lợi bị người phụ nữ kia khóa trái cửa, rồi xuất hiện nhiều tên “đầu gấu” canh gác, trong phòng còn nhiều người phụ nữ khác chịu cảnh giống Lợi. Lúc này cô mới lờ mờ nhận ra rằng mình bị bán sang Trung Quốc. Đêm đến, một đám côn đồ dẫn đoàn người qua một khu rừng rồi sang tay cho một phụ nữ khác. Tại đây, Lợi mới biết rằng mình bị bán sang Trung Quốc để “làm vợ”.

Lợi được đưa đến huyện Câu Châu, tỉnh Quảng Đông, (Trung Quốc) để làm vợ cho một người đàn ông 40 tuổi, đã có một đời vợ và một đứa con trai 1 tuổi. Chồng của Lợi mang một căn bệnh lạ từ lâu. Trước đó, người này đã có vợ, sau khi sinh con được một tháng, thấy đứa con trai cũng mang bệnh lạ, người đàn bà này liền bỏ chồng con đi biệt tích, giờ đây Lợi bị bán vào thế chỗ làm vợ, làm ô sin cho gia đình họ, chịu đầy tủi cực.

Suốt thời gian làm vợ cùng ông chồng bị bệnh nan y, Lợi phải làm việc quần quật suốt ngày vì không hiểu tiếng bản địa nên chị sống thui thủi một mình như một người câm. Chồng chị mất vì bệnh tật sau 8 năm chung sống.

Niềm vui ngày đoàn tụ

Con đường thoát thân và ngày về đầy nước mắt

Sau khi chồng chết, Lợi vẫn bị gia đình chồng quản thúc, vì sợ chị bỏ trốn mang theo đứa cháu đích tôn và mất hết cả “vốn” khi mua về làm vợ, thời gian này chị sống như một “tù nhân”. Trong lúc đợi sang tên cho người khác, Lợi đã tìm cách bỏ trốn, sau khi trốn khỏi nơi “địa ngục trần gian” này chị đã được “toại ngoại” bên ngoài nhưng vẫn gặp nhiều chông gai bởi nơi “đất khách quê người”.

Khi trốn được ra ngoài, chị sống bằng đủ thứ nghề từ rửa bát thuê, phụ giúp quán ăn đến giặt giũ, chỉ mong sao có tiền sống qua ngày, đoạn tháng.

May mắn chị quen được những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở đây họ đã giúp đỡ chị. Nhờ chút thứ tiếng mà chị học được, chị xin vào làm công nhân trong các công ty may mặc và gốm sứ. Chị tâm sự: “Nhiều lúc cũng muốn bắt xe về Việt Nam với gia đình nhưng chị nghĩ đi biệt tăm cả chục năm trời, giờ về mà không có một đồng tiền nào cho các em và bố mẹ thấy cũng tủi nên đành thôi...”. Thế nhưng, đó cũng chỉ là suy nghĩ của chị vì việc vượt biên trở lại Việt Nam là một việc khó.

Tại đây, chị đã yêu và có con trai 4 tuổi với một người Việt.

17 tuổi bị bán sang Trung Quốc giờ đây Lợi đã 35 tuổi, 18 năm lưu lạc bặt vô âm tín, cả gia đình cứ ngỡ Lợi đã chết. Sau thời gian là mấy chục năm đó, vốn liếng của Lợi chỉ đủ để làm lộ phí và dò hỏi đường tìm về Việt Nam.

Lợi được người thân quen từ xưa giúp đỡ đã tìm được về nhà, trong ngôi nhà với gia cảnh gieo neo ấy không khác gì 18 năm trước, thấy con gái về bố Lợi khóc ngất đi. Hàng đêm nghe câu chuyện lưu lạc 18 năm xứ người, mẹ Lợi chỉ biết khóc theo con.

Hiện tại, Lợi đã xin được việc tại quê hương, chị làm phiên dịch tiếng Trung cho một công ty trên địa bàn. Đây là niềm vui lớn và có lẽ là “niềm vui đầu đời” với một cô gái ở tuổi 35.

Giờ đã có công việc và sống hạnh phúc cùng gia đình, Lợi mới thấm thía cuộc sống tủi nhục trước đó. Vì nhẹ dạ tin người xấu, nông nổi muốn kiếm được nhiều tiền mà chị đã đánh mất đi 18 năm tuổi trẻ, mất đi cơ hội được làm một người phụ nữ đúng nghĩa. Đây cũng chính là bài học đắt giá cho những ai có suy nghĩ kiếm tiền, làm giàu nhanh chóng. Cần đề phòng những kẻ lăm le rủ rê buôn bán, làm ăn bên Trung Quốc, biết đâu đó chính là những "nhánh" của đường dây buôn bán người qua biên giới.

Tội phạm và cảnh báo: Chuyên đề về những câu chuyện, vụ án do nhẹ dạ tin lời kẻ xấu và phải trả giá đắt. Là những bài học cảnh tỉnh giúp độc giả nhìn rõ bản chất mưu mô, lừa lọc của tội phạm. Đón đọc trên Xahoi.com.vn lúc 10h30 các ngày thứ 5, 7 trong tuần.

 

Mẫn Tiệp
Tag: Nạn buôn người , Bán người sang Trung Quốc , Làm dâu xứ người , Nguyễn Thị Lợi , Nghệ An , Lưu lạc