Tình hình biển đông: 'Cảnh giác với âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò của TQ'
Thứ hai, 19/05/2014 09:59

Trước sự kiện TQ đưa giàn khoan HD981 vào hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã có cuộc trao đổi với PV.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam

Ông nhận định gì về hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc?

- Căn cứ vào vị trí hoạt động của giàn khoan HD 981 của Trung Quốc từ ngày 2/5 đến nay, cho thấy giàn khoan này đã nằm hoàn toàn trong vùng biển Hoàng Sa, thuộc phạm vi quản lý của chính quyền UBND huyện Hoàng Sa của Đà Nẵng.

Những ngày qua, chúng ra thấy rõ, Trung Quốc đã tự làm mất uy tín với cộng đồng quốc tế, không còn uy tín đối với nhân dân Việt Nam vì những hành động lật lọng. Đã thế, Trung Quốc lại luôn rêu rao điều ngược lại. Chính vì vậy, chúng ta cần có biện pháp đấu tranh phù hợp, không cho Trung Quốc tiếp tục đặt giàn khoan xuống vùng biển chủ quyền nước ta. Nếu họ đặt được giàn khoan xuống vị trí đó, có nghĩa, họ thực hiện được mục tiêu bành trướng, độc chiếm Biển Đông.

Điều này rất nguy hiểm đối với lãnh hải Việt Nam và là nấc thang đầu tiên trong việc hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc âm mưu thực hiện trong thời gian qua.

Hành vi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm luật pháp ra sao, thưa ông?

- Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Hoạt động phi pháp của giàn khoan HD981; hành vi manh động của các tàu Trung Quốc trong những ngày qua đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Với tư cách là Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông có ý kiến gì?

- UBND huyện đảo Hoàng Sa là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, chúng tôi cực lực phản đối phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm các nguyên tắc và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển; làm xấu đi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các địa phương của hai bên. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, vô điều kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC), các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; rút ngay giàn khoan HD981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.

duong-luoi-bo-191

Theo ông, chúng ta nên thực hiện những biên pháp gì để bảo vệ chủ quyền?

- Giải pháp hiện thời là kết hợp các biện pháp ngoại giao cao nhất có thể để nhân dân cả nước hiểu, đồng lòng. Trong khi tiềm lực kinh tế của chúng ta chưa đủ mạnh thì chúng ta cần tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các công ước quốc tế, dựa vào pháp luật quốc tế về biển.

Một bài học mà chúng ta phải nhớ là sau nhiều sự kiện, khi họ chiếm được đảo thì giữ chặt và lấy đó làm bàn đạp để thực hiện các âm mưu xâm chiếm tiếp theo. Cho nên chúng ta không thể để mất thêm bất cứ một tấc đất nào của Tổ quốc.

Ngư dân bị ảnh hưởng thế nào sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam?

- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan này vào vùng biển Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng rất lớn đến tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Việt Nam. Đặc biệt, họ dùng số lượng nhiều tàu tông vào tàu Việt Nam hiện đã gây thiệt hại nặng nề, tàu thuyền hư hỏng, nhiều kiểm ngư bị thương.

Bên cạnh đó, ngư trường của ngư dân cũng đã và đang bị ảnh hưởng. Muốn đánh bắt tại ngư trường truyền thống của mình, ngư dân phải đi vòng, phải tránh cái giàn khoan đó nếu như không muốn xảy ra va chạm. Hơn thế nữa, họ đặt giàn khoan tại đây sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nước trên thế giới chứ không phải chỉ Việt Nam vì đây là con đường giao thương trên biển của các nước trong khu vực.

Trung Quốc tiếp tục hung hăng thì Trung Quốc sẽ thiệt hại cả về uy tín và tiềm lực. Nếu biện pháp ngoại giao không đi đến kết quả thì Việt Nam phải dùng biện pháp tự vệ chủ quyền chính đáng.

Xin cảm ơn ông!

Lúc 16h30 ngày 16/5, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Trong ngày 16/5, số tàu của Trung Quốc đã tăng thêm gần 30 chiếc so với ngày hôm trước, lên đến 126 chiếc.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trung, phía Trung Quốc vẫn duy trì tàu quân sự và số lần máy bay tuần thám (2 lần máy bay tuần thám) tại khu vực giàn khoan và quanh khu vực tàu của Việt Nam.

Theo báo cáo tình hình diễn biến tại hiện trường thực địa của Cục Kiểm ngư, khi các tàu Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 7 hải lý liền bị khoảng 13 tàu của phía Trung Quốc vây quanh. Ghi nhận cụ thể của lực lượng kiểm ngư, các tàu hải cảnh của Trung Quốc số 2401, 2350, 37102, 21102, 2337, 33102, 2112, 33006 và hai tàu kéo, ba tàu không số đã tiến vào áp sát, cản trở, chủ động đâm va, phun nước làm một tàu của lực lượng Kiểm ngư hỏng máy lái và hư hỏng hệ thống ăng-ten thông tin.

Đặc biệt, trong ngày 16/5, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc cũng đã chủ động áp sát và đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cụ thể:

- Lúc 13h58’, các tàu cá khi đang khai thác trên khu vực cách giàn khoan HD 981 khoảng 10 hải lý thì bị tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc có số hiệu 71075 đâm vào phía sau lái làm một tàu cá ngư dân bị hư hỏng, làm sập mái che sau ca-bin và nứt boong sau.

- Lúc 14h15’, thêm một tàu cá của Việt Nam bị tàu cá vỏ sắt Trung Quốc có số hiệu 71075 đâm sập cầu thang, nứt ca-bin, hỏng giàn đèn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của ngư dân.

Trước tình hình này, phía Việt Nam vẫn duy trì lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và tàu công vụ khác tham gia bảo vệ chủ quyền, ngoài ra còn có thêm khoảng 30 - 40 tàu cá của ngư dân sản xuất tại khu vực. Các tàu chấp pháp của chúng ta thường xuyên bám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Mặc dù, hành động hung hãn, ngang ngược của phía Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí gia tăng va chạm với tàu đánh cá của ngư dân, song với tinh thần quyết tâm và lòng yêu nước, gắn bó với vùng biển chủ quyền, bà con càng gắn bó khăng khít hơn để bám biển vươn khơi, vừa sản xuất, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước. Theo đó, lực lượng kiểm ngư cũng khuyến khích bà con ngư dân liên kết sản xuất theo hình thức tổ đội để thuận tiện trong việc hợp tác sản xuất và hỗ trợ khi xảy ra các sự cố.

Vân Anh (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: tinh hinh bien dong , gian khoan dh 981 , trung quoc gay han , canh sat bien viet nam , tranh chap tren bien , trung quoc tang tau ra gian khoan , tin , bao