Thúng Ông Vuông
Thứ ba, 17/01/2012 14:52

Có thể nói ở bất cứ làng quê nào, hễ có tre, có mây là có người biết đan lát, vì vậy nghề đan lát trở nên phổ biến hơn ở mọi lứa tuổi. Nhiều người gắn bó với nghề như một cái “nghiệp”, cũng có những người theo nghề như một cái “thú ở đời".

Giống như ông Nguyễn Văn Vuông – vì đam mê ông đã “bén duyên” với nghề như một cái “thú”, ông đã tạo ra nhiều sản phẩm bằng tre hữu ích cho bà con nông dân, được bà con trong vùng yêu thích và đặt cho sản phẩm của ông một cái tên “độc quyền” –“ thúng ông Vuông”.

Từ đam mê

Giữa cái nắng vàng vọt của vùng núi miền Trung, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Vuông tại ngôi làng với cái tên nghe rất lạ “Làng Cáo”,  hay còn gọi là làng Ngọc Sơn (thuộc xã Hà Bình - Hà Trung - Thanh Hóa). Ngôi làng nằm giữa thung lũng của 3 trái núi, không khí trong lành và thật yên bình, người dân nơi đây quanh năm sống bằng nghề làm nông nghiệp, vì là vùng đồng “chiêm” nước “trũng” nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi tìm gặp được Ông – một cụ già đã ngoài 80 tuổi nhưng rất lanh lợi, miệng móm mém, thân hình cao gầy mái tóc pha sương, một tay cầm con dao Năm (hay còn gọi dao nhọn) tì lên một khúc tre, một tay cầm chày phang mạnh vào con dao, làm khúc tre vỡ làm đôi. Ông tiếp chúng tôi bằng một “chầu” nước chè xanh mộc mạc của vùng núi hun hút.

Ông Nguyễn Văn Vuông "bén duyên" với nghề đan lát từ ngày còn rất nhỏ (Ảnh: Song An)

Ông tâm sự, từ ngày rất nhỏ đã được gắn bó với cây tre, cây mây, ông không nhớ rõ thời gian biết đan, chỉ biết rằng khi biết cầm cái cuốc, cái cào ra ruộng là ông đã biết đan rồi. Từ đời ông của ông đã theo nghề đan lát, đời bố của ông không theo bởi nghề làm ít tiền, đến đời ông, ông vẫn theo như một nghề “tay trái”, bởi sự đam mê, yêu thích. Ông thường đan vào những lúc rỗi rãi, “cây tre, cây mây tự trồng được, không mất tiền mua nguyên liệu, nên những lúc nông nhàn tôi thường đan thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá… trước là mình dùng sau cho con cháu và bà con quanh vùng, lâu ngày bà con quen dùng nên gọi là “thúng ông Vuông”…” ông cười nói.

Sản phẩm của ông chủ yếu cung cấp cho bà con trong làng và trong xã, đựợc hỏi về thương hiệu “thúng Ông Vuông” bà con trong vùng ít ai không biết ông, bởi nhờ những sản phẩm của ông mà người lao động trong vùng luôn luôn yên tâm về chất lượng, giá cả, sẵn sàng phục vụ mùa màng.

Đan lát là nghề đòi hỏi sự tỉ mẩn: Khi đốn tre phải lựa cây thật già nếu không đan, thúng sẽ bị mối mọt hoặc mốc, không bền. Để tạo ra được sản phẩm bền, đẹp, phải đảm bảo được tiêu chuẩn trong các khâu. Thứ nhất là chọn và đốn tre sau đó pha thành nan rồi phơi thật khô, phải vót nan cho thật đều, mỏng đúng tiêu chuẩn, cuối cùng tiến hành đan. Thứ hai, khâu chặt mây sau đó lận, buộc, rồi gác lên gác bếp và cuối cùng mới đem bán.

Ông đan chủ yếu theo sự đặt hàng của bà con lao động trong vùng, ngoài thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá… ông còn quan tâm đến những sản phẩm nhỏ trong đời sống hàng ngày từ đôi đũa, cái rế, đòn gánh, giắng, (hay còn gọi là quang gánh), đến cái lồng gà, lồng chim … tất cả đều được làm từ tre.

… đến thành quả

Ông đan rất nhiều nhưng phải kể đến sản phẩm “thúng” - đây là một dụng cụ chủ yếu để chứa lúa của người lao động. Thúng được đan khít các thanh nan tre với nhau. Cái khác giữa sản phẩm thúng ông Vuông và các cơ sở khác, đó chính là độ bền, thúng ông Vuông có màu vàng cộm của tre già hoặc màu nâu đen và mùi khét của “bồ hóng”, cầm vào chắc tay, nhận vào thành thúng thấy cứng thậm chí ngồi lên mà không bị ép xuống.

Sản phẩm thúng ông Vuông (Ảnh: Song An)

Được hỏi bí quyết đan thúng, ông cười “tôi chả có bí quyết chi mô, chỉ biết đan cho thật chắc tay, thật khít, chọn tre thật già và vót nan cho thật nhẵn, đan xong tôi gác lên gác bếp một vài tuần rồi mới đem bán…”

Cầm trên tay đôi thúng mà ông vừa lấy trên gác bếp xuống, bác Nguyễn Thị Nhi người trong làng nói: “mua thúng của ông dùng được bền lắm, nan đan khít, chắc chắn, cầm nặng trình trịch thế này cơ mà,… ông lại bán rẻ nữa, mua ngoài chợ đôi thúng đan lỏng lẻo lắm, giá từ 95 đến 120 nghìn/đôi, toàn tre non chỉ dùng được 1 đến 2 vụ mùa là hỏng ngay”.

Mỗi đôi thúng ông đan khoảng 4 đến 5 ngày và bán với giá 45 nghìn/đôi. Tính ra thu nhập 1 tháng chỉ có vài trăm ngàn…nhưng ông vẫn theo và đã gắn bó cả cuộc đời với nghề. Được hỏi ông có ý định truyền nghề cho lớp trẻ không, ông trầm ngâm cười buồn rồi nói “muốn lắm nhưng không đứa mô chịu theo vì nghề làm ít tiền, bây giờ con cháu đi làm hết, đứa làm công nhân, đứa làm cô giáo, đứa ở nhà thì đầu tư chăn nuôi, làm rừng, một ngày lương còn bằng mấy ngày thậm chí cả tuần mình đan nên chẳng đứa mô chịu theo cả…”. Chúng tôi cười nói giá cả giờ tăng cao sao ông không tăng giá bán, ông triết lý “kinh tế gắn liền với chính trị, giá cả đi liền với thu nhập của người dân, dân ở đây nghèo lắm với lại sản phẩm tự làm ra, mà bán toàn cho con cháu và bà con thân thích chứ ai, dân quê chúng tôi sống với nhau bằng tình nghĩa, tình làng nghĩa xóm quan trọng lắm các cháu ạ, cái tôi vui nhất là khi ra đường nhìn thấy mọi người dùng sản phẩm của mình…”.

Ông nói :“trong vùng cũng có một số cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các cháu qua đó tìm họ mà viết, họ đan một lúc nhiều sản phẩm, bằng các loại máy móc, đan theo kiểu mới hiện đại lắm, ông chỉ đan theo kiểu “công cựu” - đan theo kiểu cũ …”.

Một thực tế đáng buồn là những nghề truyền thống như nghề đan lát “thủ công cựu” đang ngày bị mai một, những làng nghề thủ công thì sử dụng nhiều loại máy công nghiệp “thủ công hóa”, thải nhiều chất độc hại ra môi trường gây ôi nhiễm môi trường tại các làng nghề - đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Mọi người chạy theo sự phát triển của đời sống xã hội mà quên đi những nét văn hóa thiêng liêng của dân tộc. Chúng ta thử hỏi, liệu một vài năm hoặc lâu hơn nữa sẽ tìm ở đâu ra những ngôi làng đan lát thủ công (bằng tay), những con người như ông Vuông và lớp trẻ sau này liệu có còn biết đến cái nghề đan lát bằng tay “thủ công cựu” này nữa hay không !

Song An
Tag: Chuyện làng quê , Làng nghề , Nghề đan lát , Sản phẩm thúng , Thúng ông Vuông , Hà Trung , Thanh Hóa