Thị trường sau tết - Vẫn cảnh níu giá
Thứ ba, 31/01/2012 13:59

Trái với nỗ lực bình ổn giá của các siêu thị, chợ đầu mối, sau tết các chợ lẻ, nhà hàng quán ăn vẫn cố tình “níu” giá tết gây áp lực không nhỏ đến người dân.

Chợ sỉ giảm, chợ lẻ tăng...

Ngày 30-1 (tức mùng 8 Tết), lượng hàng về 3 chợ đầu mối lớn của TPHCM là Bình Điền, Hóc Môn, Tam Bình đều tăng mạnh trở lại như trước tết.

Tại chợ Tam Bình, theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý chợ, lượng hàng về rạng sáng cùng ngày đạt 2.700 tấn, tăng 100 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng đều đã trở lại mức giá bình thường bằng với trước tết nửa tháng. Thậm chí, do lượng hàng về nhiều, giá một số mặt hàng rau xanh giảm mạnh. Các loại rau củ quả phổ biến đều xuống dưới mức 10.000 đồng/kg, dưa leo chỉ còn có 8.000 đồng/kg, bí đao 7.000 đồng/kg.

Cùng với các chợ đầu mối trong những ngày đầu năm hàng loạt siêu thị lớn như Big C, CoopMart, Vinatex, Maximark để giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới, hầu hết đều tung ra các chương trình khuyến mãi lớn với mức giảm giá từ 30% đến 50%.

Mặc dù tết đã qua nhưng tại nhiều chợ giá cả vẫn chưa trở lại mặt bằng thường ngày.

Mặc dù vậy nhưng sáng cùng ngày, tại nhiều chợ lẻ ở khu vực trung tâm thành phố như quận 1, 3 và 5, giá nhiều mặt hàng vẫn còn cao. Nhiều tiểu thương vẫn còn cố tình “neo” giá. Tình trạng “thách” giá vẫn tiếp tục tái diễn.

Tại chợ Phùng Hưng (quận 5), giá đậu ve bị tiểu thương thét đến 35.000 đồng/kg nhưng khi khách hàng từ chối không mua và đưa ra lý do là giá quá cao thì người bán hàng đã nhanh chóng hạ giá mặt hàng này xuống còn 25.000 đồng/kg, giảm ngay 10.000 đồng/kg. Cũng tại đây, giá các loại thịt heo cũng còn cao hơn giá các cửa hàng Vissan, siêu thị CoopMart và các chợ khác từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg.

Đơn cử như thịt ba rọi giá lên đến 120.000 đồng/kg, thịt đùi có da và sườn cốt lết 100.000 đồng/kg.Trong khi đó, cũng những mặt hàng này nhưng tại hệ thống siêu thị CoopMart hầu hết đều không vượt quá 90.000 đồng/kg.

Giá dịch vụ tiếp tục “nhảy múa”

Không chỉ có giá hàng hóa chưa chịu “rời” hương vị ngày tết mà dịch vụ ăn uống cũng còn “níu” tết. Theo đó, tại nhà hàng, quán ăn nhiều món ăn và thức uống vẫn còn cao hơn bình thường từ 5.000 đồng – 10.000 đồng, thậm chí có nơi còn tăng giá 30%.

Theo phản ánh của một bạn đọc thì tại một quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, trước đây món cơm chiên đùi gà và bún xào giá chỉ dao động từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng, nhưng hiện nay vẫn còn vượt mức 50.000 đồng/món. Đa số các quán cơm, phở, bún và dịch vụ ăn uống đều đã tăng giá 4.000 đồng – 10.000 đồng so với thời điểm trước tết.

Nắm bắt tâm lý người dân, sau khi đã ngán “mâm cao cỗ đầy” thường thèm những món ăn thanh đạm, ít béo, nhiều quán vỉa hè đã bắt đầu nở rộ trở lại. Những món ăn được bán nhiều nhất là phở, bún bò, bún riêu, hủ tiếu, bánh cuốn... với giá gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường nhưng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm.

Các quán nhậu, đặc biệt là các quán ốc ven đường cũng không “bình dân” chút nào khi tiếp tục duy trì mức giá tết từ 60-80.000 đồng/đĩa cho các loại ốc phổ biến, giảm định lượng món ăn và không công bố giá một số loại đắt tiền hơn mà chỉ đề “theo thời giá”. Do vậy, việc khách hàng đi khoảng ba người nhưng phải thanh toán số tiền trên 500.000 đồng cho từ 4-5 món là chuyện bình thường.

Không chỉ hàng ăn uống, giải khát, giá các dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô... cũng tăng cao ngất ngưởng. Riêng giá trông giữ xe trước cổng đền chùa thường tăng gấp đôi, từ 5.000-10.000 đồng/xe do lượng khách gửi xe tăng đột biến, khuôn viên đền chùa không đủ chỗ chứa, dẫn đến các bãi giữ xe ăn theo nở rộ hàng loạt.

Ngoài những lý do khan hiếm hàng hóa, dịch vụ thì sự vắng bóng của cơ quan kiểm tra và tâm lý ngày tết “giá nào cũng mua” của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho người kinh doanh thỏa sức chặt chém…

 

Sài Gòn giải phóng
Tag: Thị trường tiêu dùng , Bình ổn giá , Giá cả sau tết , Giá dịch vụ sau tết