Dòng tiền vẫn tự tin chảy mạnh vào TTCK trong suốt tuần qua. Tuy nhiên, phần lớn những người thuộc trường phái hoài nghi vẫn chưa bị thuyết phục để tham gia vào thị trường.
|
Chỉ số VN - Index tuần từ 20 - 24.2. Nguồn: VNDIRECT
Một chuyên viên môi giới lâu năm của một CTCK lớn tại Hà Nội hồ hởi cho biết, đến nay có khoảng 1/3 khách hàng của anh đã giải ngân. Con số này là rất khích lệ so với thời kỳ một tháng trước, khi mà hầu như không ai nộp tiền vào tài khoản và thậm chí là rút tiền ra.
Anh cũng cho biết, hầu hết trong số 1/3 các khách hàng quyết định giải ngân đó là các khách hàng VIP của Cty. Mỗi ngày lại có các khách VIP nộp 5-10 tỉ đồng vào tài khoản. “Mặc dù chưa có ai nộp vào hàng trăm tỉ đồng như thời điểm thị trường nóng trước đây, nhưng cũng đã xuất hiện một vài khách VIP nộp vài chục tỉ” - anh chia sẻ.
“Khá nhiều người là lãnh đạo của các DN tư nhân, một vài quỹ đầu tư nhỏ, phần lớn đều có thâm niên vài năm thâm nhập thị trường. Những người này một khi đã quyết định giải ngân họ sẽ rất tin tưởng vào quyết định của mình” - môi giới này nói.
Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý quyết đoán của những NĐT VIP, các NĐT nhỏ lẻ trong khi đó dường như đã mang tâm lý “chim sợ cành cong” sau quá nhiều biến động của thị trường diễn ra trong năm ngoái.
Bảng giá trị giao dịch sàn HoSE và HNX 2 tuần từ 13 - 24.2 (đơn vị: Nghìn đồng).
Cùng chung nhận định với chuyên viên môi giới CTCK nói trên, Trưởng phòng môi giới của CTCK K cho biết, phần nhiều các khách hàng tham gia thị trường hiện nay là những người vẫn theo sát thị trường thời gian qua nhưng chưa quyết định giải ngân, nay thấy cơ hội lập tức đổ tiền vào. Trong khi đó, những người mới và những người có tài khoản chỉ một vài trăm triệu đồng tham gia thị trường số lượng chưa đáng kể.
“Có rất nhiều người (NĐT nhỏ) chấp nhận bỏ qua sóng tăng hiện nay của thị trường. Họ đã trở nên hoài nghi hơn nhiều sau quá nhiều “binh biến” của năm 2011” - vị trưởng phòng môi giới cho biết.
Trong khi đó, thanh khoản hai sàn vẫn “leo thang” không ngừng trong những ngày gần đây. Từ mốc chỉ 200-300 tỉ đồng của tháng trước, tổng giá trị khớp lệnh của hai sàn đã tăng dần lên 600-700 tỉ đồng từ đầu tháng Hai và lên đến sát mức 1.000 tỉ đồng trong các tuần sau đó. Bất chấp chỉ thị của NHNN “không khuyến khích” tín dụng đối với lĩnh vực CK, giá trị khớp lệnh vẫn tăng liên tục và đã lên đến mốc 1.000-1.400 tỉ đồng trong các phiên cuối tuần qua.
Lý giải cho tâm lý tích cực này, những người trong ngành cho rằng yếu tố lớn nhất khuấy động thị trường hiện nay chính là hàng loạt các thông tin chính thức lẫn các tin đồn về mua bán sáp nhập, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. Nhưng trước những thông tin khá “hỗn loạn” như vậy, ngay cả các NĐT kỳ cựu làm trong ngành tài chính cũng rất nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi và e dè trong việc tham gia vào thị trường.
Theo một số chuyên viên môi giới, các khách hàng của họ hiện có xu hướng ưa chuộng CP của các Cty kỳ vọng có sự đột biến về bộ máy quản trị, bên cạnh các CP có “truyền thống” nhạy cảm với lãi suất.
Thực tế trong tuần qua, CP ngân hàng liên tục “khuấy động” thị trường trong những phiên gần đây. Đơn cử CP Habubank (HBB) đã có giá trị giao dịch “khủng” trên thị trường trong 5 phiên gần đây, trong đó chỉ có 1 phiên giá trị khớp lệnh ở mức 8 triệu CP, 4 phiên còn lại giá trị này đều đạt 12-14 triệu CP, vượt xa các CP top thanh khoản khác chỉ ở mức 5-6 triệu CP/phiên.
Ảnh: GIANG HUY
Trước đó, Eximbank (EIB) và Sacombank (STB) cũng đã từng liên tục có thanh khoản vượt xa các CP khác trước khi cuộc thâu tóm giữa hai ngân hàng này lộ diện.
Tuy nhiên, bất chấp sự sôi sục của một bộ phận các NĐT cá nhân, các chuyên gia trong ngành cho biết khối các NĐT tổ chức lại vẫn chưa tham gia vào thị trường. Ông Phạm Ngọc Bích - Giám đốc khối phát triển khách hàng tổ chức của CTCK SSI cho biết, hiện nay chỉ có một số nhỏ các NĐT tổ chức nước ngoài đã giải ngân và những NĐT này cũng vẫn đang giải ngân thời gian qua với mục tiêu đầu tư dài hạn. Còn lại phần lớn vẫn đang đợi những tín hiệu cải thiện vĩ mô rõ ràng hơn.
“Đặc biệt đối với khổi NĐT tổ chức trong nước lượng tiền đổ vào cổ phiếu lại càng ít, các ngân hàng và Cty bảo hiểm trong nước chủ yếu vẫn đang đổ tiền vào trái phiếu thay vì mua CP” - ông Bích nói.
Ông Bích chia sẻ, các vấn đề hiện tại như lạm phát vẫn đang cao, các bất ổn trong hệ thống ngân hàng, quản trị DN yếu và đầu tư công hiệu quả thấp vẫn khiến các NĐT tổ chức lo ngại. Bên cạnh đó, những NĐT này cũng đã bị thất vọng vì lãi suất trong 1-2 tháng qua đã không giảm được như dự kiến.
Hơn nữa, ông Bích lưu ý rằng thanh khoản hiện nay dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp đối với các NĐT tổ chức. Với mức thanh khoản của sàn HSX hiện chủ yếu ở mức 800-900 tỉ đồng/phiên và một vài phiên đột biến lên trên 1.000 tỉ đồng – vẫn kém xa mức vài nghìn tỉ trong thời kỳ sôi động của năm 2010 và đầu 2011. NĐT tổ chức vẫn gặp phải rủi ro không thể bán ra để chốt lời khi thị trường điều chỉnh.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?