Một thực tế đã diễn ra từ lâu là các BV bằng cách này hay cách khác đua nhau "xé rào" tăng viện phí. Lần này, nếu dự thảo điều chỉnh 400 dịch vụ y tế được Chính phủ thông qua, rất có thể sau khi áp mức giá trần mới.
|
Dịch vụ tại BV – Trăm hoa đua nở
Lý do để đồng loạt các BV công lập đòi tăng viện phí là do thu không đủ chi, khung giá ban hành từ năm 1995 đến nay không còn phù hợp và cần được điều chỉnh. Nhưng có thật là các BV chỉ thu bằng mức giá quy định của Bộ Y tế hay thực tế đã tự ý “xé rào” từ lâu, tận thu của người bệnh bằng nhan nhản các dịch vụ?
Bác Nguyễn Ngọc Quỳnh (55 tuổi, tại Vĩnh Phúc) mắc bệnh u trực tràng đã lâu và phải tái khám nhiều lần tại BV Bạch Mai (Hà Nội). Khi được hỏi BV có còn thu phí khám bệnh với giá 2.000-3.000 đồng nữa không, bác Quỳnh tròn mắt ngạc nhiên: "Làm gì còn giá đó nữa. Nhân viên BV vừa chỉ cho tôi ra mua phiếu khám bệnh tại bàn ngay ngoài cửa ra vào với giá 30.000 đồng đây". Cũng tại BV này, khám dịch vụ theo yêu cầu, chỉ định bác sĩ khám thì chi phí khám ban đầu đã là 120.000-150.000 đồng.
Sắp tới, 400 dịch vụ y tế có thể tăng giá.
Theo quy định của Bộ Y tế, chi phí một lần chạy thận nhân tạo là 150.000-300.000 đồng/lần nhưng nhiều BV đã tự ý nâng giá lên 400.000 đồng/lần, bằng với mức tăng tối đa mà Bộ Y tế đề xuất. Thậm chí, nếu chạy thận dịch vụ có thể lên đến 800.000 đồng/lần. Một ca đẻ thường theo quy định có giá từ 50.000-150.000 đồng/ca; ca đẻ khó là 70.000-180.000 đồng/ca nhưng khi được hỏi, hầu hết bệnh nhân tại BV Phụ sản T.Ư đều lắc đầu nguầy nguậy: Chi phí tất tần tật một ca đẻ cũng tốn kém đến vài triệu đồng chứ không tính tiền trăm nữa.
Tận dụng cơ sở vật chất công, tại hầu hết các BV, nhất là BV quá tải trầm trọng như BV K, BV Phụ sản, BV Việt Đức, BV Bạch Mai… đều nở rộ các dịch vụ cho thuê giường chiếu, chăn màn, dịch vụ vệ sinh, tắm nóng lạnh; bán nước nóng, chè cháo… Thậm chí tại một số BV như BV Bạch Mai, BV Phụ sản T.Ư còn mở rộng cả căng tin, quầy bar, siêu thị, khu dịch vụ ăn uống…. với giá chênh lệch hơn so với thị trường.
Đó còn chưa kể đến nguồn thu lớn từ các nhà thuốc; bãi trông xe mỗi ngày trông giữ hàng nghìn lượt xe giá cao; tình trạng lạm dụng các kỹ thuật hiện đại, chỉ định xét nghiệm hàng loạt xảy ra tại nhiều BV, người bệnh không hề biết… Vậy mà BV nào cũng kêu lỗ nặng và quyết đòi bằng được phải tăng viện phí.
Vừa cầm ca cháo trên tay, chị Nguyễn Thị Thanh, chăm chồng tại BV Bạch Mai vừa than thở: “20.000 đồng chỉ mua được hơn muôi cháo lõng bõng toàn nước là nước. Còn nếu muốn dùng nước nóng phải đặt cược mấy chục nghìn tiền phích, mỗi lần đổi nước cũng phải 5.000-10.000 đồng. Mua đồ ở BV thứ gì cũng đắt, chỉ khổ dân nghèo thôi”.
BV sẽ tiếp tục “vượt trần”?
Với cách tăng phí các dịch vụ vô tội vạ mà không hề bị kiểm soát như thời gian vừa qua, điều gì có thể khẳng định sau khi tăng viện phí xong, các BV sẽ “ngoan ngoãn” hài lòng với khung giá mới? Và liệu với mức giá mới, người bệnh có thể an tâm với chất lượng điều trị, không phải chịu cảnh quá tải và xếp hàng dài chờ khám?
Bệnh nhân nghèo và chưa có thẻ BHYT vẫn ngay ngáy nỗi lo viện phí.
Từ khi Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là hình thức hợp lý hóa các khoản thu mà các BV đã “xé rào” từ lâu. Đến giờ phút này, tăng viện phí chỉ còn là việc sớm hay muộn nhưng điều mà người dân băn khoăn hơn cả là sự minh bạch trong viện phí. Tăng viện phí phải nâng cao được công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và cần phải có sự tách bạch công – tư rõ ràng. Nếu đã nằm trong hệ thống y tế công lập, mọi thứ được Nhà nước đầu tư từ A-Z thì BV tuyệt đối không được “móc túi” người bệnh bằng cách dịch vụ với chi phí “cắt cổ”.
Về vấn đề này, đại diện Bảo hiểm xã hội VN cho rằng, khung giá viện phí được điều chỉnh lần này dựa trên cơ sở thực tiễn của y tế tuyến xã, huyện, tỉnh chứ không dựa vào đề xuất giá của các BV đa khoa đầu ngành T.Ư như trước đây. Vì vậy coi như đã đảm bảo tính đúng, tính đủ giá các dịch vụ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh không phải bỏ thêm tiền túi ra để chi trả, BV cũng không được thu thêm bất cứ một khoản tiền nào của người bệnh dưới bất kỳ một hình thức nào.
Quy định đề ra là như vậy song nếu sau khi tăng viện phí, Bộ Y tế không có các biện pháp giám sát kịp thời, sát sao quá trình áp dụng khung giá mới thì BV vẫn có thể lách luật để “vượt trần”. Cuối cùng, người dân nhất là những người nghèo và người chưa có thẻ BHYT vẫn phải oằn vai gánh đủ các loại chi phí mà không biết kêu ai.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?