Sôi động các lễ hội ngày mồng 5 Tết
Thứ sáu, 27/01/2012 15:45

Nhiều lễ hội vui tươi, có ý nghĩa đang diễn ra trên khắp đất nước.

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

Sáng 27/1 (mùng 5 Tết Nhâm Thìn), tại Công viên văn hóa Đống Đa, thành phố Hà Nội và quận Đống Đa tổ chức trọng thể Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 - 2012), với sự tham dự của đông đảo nhân dân thủ đô và du khách thập phương.

Cách đây 223 năm, vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối.

Sau khi tổ chức dâng hương tế lễ, rước kiệu, múa rồng và dâng hương tại chùa Bộc, chùa Đồng Quang; đại diện lãnh đạo quận Đống Đa đã phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm và nhấn mạnh, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây 223 năm là một trong những chiến công vĩ đại và oanh liệt bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với những chiến công hiển hách, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội gò Đống Đa bắt đầu với phần nghi thức đầy bản sắc

Bà Hà Thị Lê Nhung – Phó Chủ tịch quận Đống Đa cho biết: “Để động viên, giáo dục nhân dân và thế hệ trẻ quận Đống Đa phát huy truyền thống yêu nước và anh hùng, chúng tôi đã kết hợp với đoàn nghệ thuật Quân khu 2 xây dựng một chương trình nghệ thuật tái hiện lại lịch sử hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Đồng thời có nét đổi mới để làm thế nào khích lệ nhân dân thi đua sản xuất, học tập, cán bộ công tác thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội trong năm 2012”. 

Thay vì chương trình nghệ thuật truyền thống biểu diễn bằng các trích đoạn chèo như mọi năm, chương trình nghệ thuật năm nay thực hiện bằng chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tính sử thi, với chủ đề “Âm vang bản hùng ca Đống Đa”, bao gồm các tiết mục liên khúc hát múa bài “Âm vang bản hùng ca Đống Đa”, “Hội Xuân Đống Đa”, “Huyền thoại một tình yêu”, “Bài ca chiến thắng”, “Đống Đa khúc thanh âm ngày mới” cùng với màn trống hội đặc sắc…

Phần hội được thực hiện với lễ dâng hương của các đoàn tế lễ và khách thập phương, các tiết mục biểu diễn võ thuật, tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, thi đấu cờ người, cờ tướng, các trò chơi dân gian, biểu diễn quan họ Bắc Ninh, biểu diễn thể dục thể thao…

Sôi động lễ hội Tây Sơn

Mùng 5 Tết, trên quê hương người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung ở làng Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định tiếp tục diễn ra các hoạt động văn hóa thể thao sôi nổi kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa.

Trước sân điện thờ Tây Sơn tam kiệt và tượng đài, hàng vạn người con quê hương Bình Định và du khách gần xa tiếp tục dâng hoa, dân hương tưởng nhớ công đức của anh em nhà Tây Sơn cùng các văn thần, võ tướng đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ngoài phần lễ diễn ra trang nghiêm vào chiều 26/1, ngày 27/1, Lễ hội Tây Sơn tiếp tục sôi động với các hoạt động nghệ thuật như triển lãm ảnh nghệ thuật, biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Ba Na, biểu diễn võ thuật, các hoạt động thi gói bánh ít lá gai.

Trên quê hương làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, tiếp tục diễn ra các trò chơi dân gian như đập ấm kéo co, chương trình thi đấu đối kháng võ cổ truyền liên tỉnh, chương trình nghệ thuật tuồng của nhà hát tuồng Đào Tấn. Đặc biệt võ thuật Tây Sơn đã thăng hoa nghệ thuật âm nhạc. Đó là điệu múa nhạc-trống võ tạo nên một ấn tượng hùng tráng tuyệt vời.

Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công vĩ đại và oanh liệt bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Để tưởng nhớ những người anh hùng áo vải, hàng năm tại bảo tàng Quang Trung và khắp nơi ở huyện Tây Sơn, quê hương và cũng là nơi dấy binh của ba anh em nhà Tây Sơn đều tổ chức long trọng lễ hội Tây Sơn.

Phú Yên: Lễ hội sông nước Tam Giang

Nằm trong chương trình Lễ hội sông nước Tam Giang (Sông Cầu- Phú Yên) lần thứ 8, sáng mùng 5 Tết, Ban tổ chức Lễ hội đã tổ chức du Xuân trên vịnh Xuân Đài và khai mạc Hội thi “Người đan lưới giỏi” tại Vũng Chào, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu.

Kể từ khi vịnh Xuân Đài được công nhận là danh thắng cấp quốc gia vào cuối năm 2010, lượng khách đến tham quan, thưởng ngoạn danh thắng này  ngày càng tăng, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Với ngư dân Sông Cầu, đây cũng là cách họ tham gia quảng bá về nét đẹp của quê hương mình đến với du khách gần xa.

Trong ngày mùng 5 Tết, sau khi du Xuân trên vịnh Xuân Đài, du khách đã được hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của hội thi đan lưới giỏi được tổ tại Vũng Chào, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu với sự tham gia của hơn 50 ngư dân thuộc 14 xã, phường trên địa bàn thị xã Sông Cầu. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia nhiệt tình và tạo niềm hứng khởi với ngư dân trong những ngày đầu năm mới.

Cũng trong chương trình Lễ hội sông nước Tam Giang, tối mồng 5 Tết tại sân khấu nổi trên dòng Tam Giang, ngư dân Sông Cầu sẽ tái hiện lễ hội cầu ngư dưới hình thức sân khấu hoá và biểu diễn nghệ thuật tuồng.

Sáng mùng 6 Tết sẽ diễn ra các môn thi đấu thể thao trên sông nước, đặc biệt là hội đua thuyền trên sông Tam Giang và chung kết hội thi “Duyên dáng xứ dừa”. Lễ hội sông nước Tam Giang là hoạt động truyền thống được tổ chức mỗi năm một lần vào 2 ngày mùng 5 và mùng 6 tết Âm lịch./.

Vov News
Tag: Lễ hội , Tết Nguyên đán , Hội hè