Siết kinh doanh vàng miếng, người sở hữu vàng “phi SJC” thiệt thòi
Thứ bảy, 07/04/2012 08:54

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được ban hành, việc kinh doanh vàng miếng sẽ bị siết lại. Nghị định này quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/5 nhưng hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa đề cập đến việc chuyển đổi các thương hiệu vàng khác thành vàng miếng SJC khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, người đang sở hữu các loại vàng “phi SJC” gặp nhiều thiệt thòi trong giao dịch.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lo lắng khi giao dịch các loại vàng “phi SJC”.

Vàng “phi SJC” bị ép giá

Ghi nhận tại khu vực chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) và chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp) ngày 6/4, nhiều tiệm vàng đã ép giá mua vào các thương hiệu vàng miếng “phi SJC”. Thậm chí, cửa hàng vàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh chỉ mua vàng miếng “phi SJC” với giá bằng giá vàng 18K. Theo chủ cửa hàng này, sắp tới vàng “phi SJC” sẽ không còn tính thanh khoản trên thị trường, nên họ chỉ mua những sản phẩm này để nấu lại làm vàng nữ trang. Ngoài ra, các cửa hàng bán vàng cũng đã lách việc mua bán vàng bằng cách tung ra các sản phẩm vàng nhẫn loại bốn số 9 có trọng lượng từ 0,5 đến 5 chỉ. Đặc biệt, cửa hàng Mi Hồng của Công ty TNHH TM-DV Mi Hồng (quận Bình Thạnh) còn có luôn sản phẩm vàng nhẫn loại bốn số 9 với trọng lượng lên đến 10 chỉ, nhưng có giá mua vào và bán ra thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại của SJC khoảng 200.000 đồng/chỉ.

Trong khi đó, ghi nhận tại các cửa hàng của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ) và hệ thống của Ngân hàng Sacombank cùng ngày, các cửa hàng này vẫn thu mua vàng miếng thương hiệu bằng với giá vàng SJC. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty PNJ cho biết, từ nay đến khi Nghị định 24 có hiệu lực, Công ty PNJ vẫn thu vàng miếng PNJ-DAB vào đúng với giá niêm yết, đồng thời sẽ hoán đổi sang vàng miếng SJC cho khách hàng nếu họ có nhu cầu. Liên quan đến việc siết kinh doanh vàng, bà Dung cho rằng sẽ tạo được nhiều tích cực cho nền kinh tế, chống lại hiện tượng “vàng hóa”, xóa bỏ được việc đầu cơ vàng và theo đó dòng vốn từ tích trữ vàng sẽ được chuyển vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên theo bà Dung, với quy định tại nghị định mới e rằng giá vàng miếng trong nước sẽ tiếp tục lên xuống chậm hơn so với diễn biến của giá vàng thế giới.

Giao dịch vàng miếng tại Công ty SJC.

Nhóm 5+1 được mua bán vàng miếng?

Điểm đáng lưu ý của nghị định mới là hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn việc thực hiện, nhưng sau khi ban hành nghị định trên, ngày 3/4/2012, NHNN đã yêu cầu 5 NHTM: Á Châu (ACB), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đông Á (DongA Bank), Kỹ thương (Techcombank) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) báo cáo nhanh tình hình mạng lưới mua - bán vàng miếng hiện nay để chuẩn bị cho kế hoạch mới.

Theo NHNN, yêu cầu trên là để khẩn trương triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu nhóm trên phải báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống, trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng… để báo cáo cho NHNN trước ngày 9/4/2012.

Và như vậy, có thể 5 NHTM trên và Công ty SJC được mua bán vàng miếng theo Nghị định 24. Giám đốc một đơn vị kinh doanh vàng cho rằng, rõ ràng không phải không có lý do mà dư luận đặt vấn đề về lợi ích nhóm sau khi nghị định siết kinh doanh vàng miếng ra đời. “Hiện có rất nhiều tổ chức kinh doanh vàng, nhưng tại sao NHNN chỉ yêu cầu nhóm 5 + 1 báo cáo tình trạng hoạt động kinh doanh vàng?” - vị này băn khoăn.

Hiện NHNN đang lấy ý kiến cá nhân, tổ chức về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP trên trang web của NHNN. Theo dự thảo này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục kinh doanh mua, bán vàng miếng và phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với NHNN. Việc gia hạn thời hạn chuyển tiếp do Thống đốc NHNN quyết định.

Nói về lộ trình chuyển đổi của Công ty PNJ, bà Dung cho rằng mặc dù trong năm 2011, cũng như các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng khác, PNJ đã hưởng lợi rất nhiều từ biến động giá vàng, nhưng PNJ đã nhận ra đây không phải là sự sống còn của doanh nghiệp. Chính vì thế, từ năm 1992, Công ty PNJ đã đầu tư mạnh vào sản xuất nữ trang và hiện đang trong tốp 16 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về lãnh vực này. Công ty PNJ sẽ tiếp tục đi theo hướng kinh doanh vàng nữ trang. Giám đốc một công ty vàng cho biết, NHNN không chỉ cần sớm công bố lộ trình chuyển đổi các thương hiệu vàng “phi SJC” sang vàng SJC, mà phải có những giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất vàng trong nước trong thời gian chờ chuyển đổi.

SGGP
Tag: Kinh doanh vàng miếng , Vàng , Giá vàng , Doanh nghiệp vàng , Vàng SJC , Thị trường vàng