Phòng bệnh cận thị ở trẻ nhỏ
Thứ sáu, 16/03/2012 16:39

Ngày càng có nhiều học sinh (HS) tiểu học đeo kính cận, liệu có thể phòng được bệnh cận thị ở lứa tuổi này?

Nguyên nhân gây bệnh cận thị có nhiều, có thể là bệnh bẩm sinh do yếu tố di truyền: Bố mẹ bị cận thị rất dễ di truyền sang con cái. Loại này có đặc điểm là độ cận cao, có thể trên 20 độ, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành, có nhiều biến chứng như: Thoái hóa hắc võng mạc, xuất huyết hoàng điểm, bong hoặc xuất huyết thể pha lê, rách hay bong võng mạc..., khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém dù được điều trị.

Ảnh minh họa

Bệnh cận thị thường gặp ở lứa tuổi HS, đặc điểm là mức độ cận nhẹ hay trung bình dưới 6 độ, bệnh tiến triển chậm, ít tăng độ, độ cận thường ổn định đến tuổi trưởng thành, ít bị biến chứng. Nguyên nhân có thể do việc học tập quá căng thẳng, HS phải học ở trường, học tăng tiết, học thêm..., việc tập trung nhìn trong thời gian dài sẽ dẫn đến cận thị, nhất là ở HS tiểu học. Mặt khác, ở các thành phố, tầm nhìn không được mở rộng, thường trong vòng 5m, thiếu môi trường để giúp trẻ tập luyện cơ mắt nhìn xa, vì thế khả năng nhìn xa của trẻ ngày càng yếu đi. Trẻ xem tivi quá gần: nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi nhiều hơn hai giờ đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm. Trẻ sử dụng vi tính, chơi trò chơi điện tử đòi hỏi sự tập trung cao độ làm cho mắt phải điều tiết quá nhiều. Chơi nhiều giờ liền có thể dẫn đến mỏi mắt, cận thị. Trẻ đọc truyện tranh, sách báo chữ in quá nhỏ, in mờ, trẻ cúi gằm hoặc đưa sách quá gần mắt cũng làm mắt tăng sự điều tiết. Bàn ghế không thích hợp với lứa tuổi, tư thế ngồi không đúng hoặc khi mệt mỏi, trẻ thường nằm rạp xuống bàn làm bài, ánh sáng trong lớp học không đủ là các yếu tố gây hại mắt. Nhiều phòng học không được bố trí đúng hướng, cửa sổ, cửa đi không đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên phải học tập trong môi trường ánh sáng không đảm bảo làm cho HS phải liên tục điều tiết thị giác dẫn tới việc căng, mỏi mắt, lâu dần thành cận thị.

Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa HS, gia đình và nhà trường. Một số biện pháp cần được tuân thủ trong sinh hoạt và học tập:

- Giữ đúng tư thế ngồi khi học: Ngồi thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10-150, khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25cm đối với HS tiểu học, 30cm với HS THCS, 35cm với HS THPT và người lớn. Thầy cô giáo và cha mẹ HS phải thường xuyên nhắc nhở, không để các em cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết.

- Lớp học, góc học tập phải đủ những điều kiện cần thiết: Kích thước phòng học, cách sắp xếp bàn ghế, bảng viết phải phù hợp với lứa tuổi để HS có thể ngồi đúng tư thế và giữ đúng khoảng cách từ mắt đến sách vở; đảm bảo đủ ánh sáng. Chữ viết trên bảng và trong sách vở phải rõ nét. Khi đọc sách buổi tối, cần đèn đủ sáng và có chụp phản chiếu. Không dùng đèn ống neon, nên dùng bóng điện dây tóc. Không viết mực đỏ, mực xanh lá cây. Không đọc sách có chữ quá nhỏ in trên giấy vàng hoặc giấy đen, vì tỷ lệ tương phản giữa chữ và nền quá nhỏ khiến mắt bị mệt. Duy trì mỗi tiết học 45 phút, sau đó nghỉ giải lao, đưa mắt nhìn xa, giúp cơ mắt thư giãn. Cho trẻ chơi các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá... sau những giờ học căng thẳng để giảm bớt sự mệt mỏi của mắt.

- Bỏ những thói quen có hại cho mắt như: Không nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài. Không đọc sách báo, tài liệu khi đang đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay. Khi xem tivi phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m, thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 45-60 phút mỗi lần xem.

Phunuonline
Tag: Bệnh cận thị ở trẻ nhỏ , Bệnh cận thị , Cách phòng bệnh cận thị , Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ , Sức khỏe