Bố tôi mong được chết tại nhà dù nhà cũ hay mới, bởi cụ tâm niệm chết ở nhà thì còn biết đường về thăm con cháu.
Người sống trong chung cư, chết không được mai táng tại nhà (Ảnh minh họa) |
Nhưng do chung cư không cho tổ chức tang lễ, khi bố tôi mất ở nhà gia đình tôi phải gọi xe cấp cứu đưa ông vào viện Bạch Mai làm thủ tục vào nhà xác… - anh Trần Văn Thịnh khu chung cư Phùng Khoang (Thanh Xuân - Hà Nội) bày tỏ.
Không có chỗ làm đám tang
“Ép bố bán nhà lên ở chung cư với tôi là việc làm khiến tôi hối hận nhiều nhất, bởi đứa con trai bất hiếu như tôi không làm được tâm nguyện cuối cùng của bố trước khi nhắm mắt xuôi tay là được làm lễ tang ở nhà”, anh Thịnh tâm sự.
"Chúng tôi chỉ định làm lễ thắp hương cho cụ ở nhà thêm một ngày thôi rồi đưa cụ đi, nhưng không được đồng ý" - anh Trần Văn Thịnh khu chung cư Phùng Khoang (Thanh Xuân - Hà Nội)
Theo anh Thịnh, trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, vì muốn có vốn để làm ăn, lại chán cảnh chui rúc ngõ ngách bé tẹo không lọt nổi cái ô tô 4 chỗ để về nhà, anh đã tìm mọi cách thuyết phục bố bán nhà riêng đang ở và mua nhà chung cư. Bố phản đối không được, nhưng kể từ đó bố anh đổ bệnh. “Chúng tôi biết ông bệnh vì đau, vì xót khi phải xa ngôi nhà cả đời ông đã sống. Chuyển nhà lên chung cư được 5 tháng thì bệnh ông càng trở nặng, một thời gian dài nằm viện, cảm thấy tình hình mình không qua được, ông nhất quyết đòi về nhà để được chết ở nhà. Ông không muốn chết đường, chết chợ.
Ông thều thào với các con: Cả đời bố, chắt chiu chỉ mong cuối đời được chết, được làm đám ma ở nhà của mình. Nhà không cũ không còn thì cho bố về nhà mới. Chết ở nhà thì bố mới biết đường mà về nhà thăm các con chứ”, anh Thịnh cho biết.
“Về nhà được gần một tuần thì ông mất. Mong mỏi thực hiện được nguyện vọng cuối cùng của bố, tôi đánh liều xuống ngỏ ý với một anh đại diện ban quản lý chung cư xin cho tổ chức đám tang cụ ở nhà. Chúng tôi chỉ định làm lễ thắp hương cho cụ ở nhà thêm một ngày thôi rồi đưa cụ đi, nhưng không được đồng ý. Anh quản lý đề nghị gia đình tôi đưa ông ra nhà tang lễ để tổ chức cho... trang trọng hơn”, anh Thịnh cho biết thêm.
“Quản lý chung cư cũng giải thích, nhà tôi ở tầng 6 xung quanh còn nhiều hộ gia đình khác nữa, chúng tôi tổ chức đám tang lại phải hương khói, người ra vào nhiều ảnh hưởng đến các hộ xung quanh chưa nói đến an ninh của cả tòa nhà. Hơn nữa thông lệ từ xưa đến nay của chung cư đều không được tổ chức đám tang tại nhà mà đều phải ra các nhà tang lễ”.
Nằm xếp hàng ở nhà xác 5 ngày đợi tổ chức lễ tang…
Theo lời kể của anh Thịnh. Sau khi ngỏ ý không được, gia đình anh Thịnh phải gọi xe cấp cứu đưa ông vào viện Bạch Mai rồi làm thủ tục ở viện để tổ chức đám tang ở nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai dễ dàng hơn. Tuy nhiên do muốn chọn giờ tốt, do có nhiều người đang đợi tổ chức lễ tang nên bố anh phải đợi đến 5 ngày mới có ca trống vào giờ đẹp để tổ chức tang lễ.
Nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai
“Cứ ngỡ vào nhà tang lễ thì ông sớm được yên nghỉ, nhưng nào ngờ sau khi được đưa vào nhà lạnh đợi đến lượt. Vì trước ông còn hơn 10 người cũng đang phải xếp hàng đợi làm lễ. Nhà ai cũng muốn chọn ngày đẹp, giờ đẹp để người đã khuất ra đi được thanh thản nên trong 5 ngày liên tiếp sau đó nhà tang lễ đều kín lịch xếp hàng. Mãi đến ngày thứ 6 mới còn trống 1 ca để tổ chức đám tang cho bố tôi. Ông phải một mình nằm trong nhà xác lạnh lẽo 5 ngày trời, để chờ được tổ chức”, anh Thịnh cho biết.
“Bố mất đến giờ đã gần tròn năm rồi. Tôi thì vẫn canh cánh trong lòng. Nghĩa tử là nghĩa tận, chưa bao giờ tôi hối hận về quyết định bán nhà của mình đến thế. Cả đời bố chắt chiu dành dụm để mua được căn nhà thế mà chính tôi đã tước đi nhà của bố mình đẩy bố lên chung cư ở vì sở thích của tôi. Làm cho bố tôi đến lúc chết vẫn còn phải khổ”, anh Thịnh tâm sự.
Chia sẻ với chúng tôi anh Phan Văn Ngoạn - trưởng ban quản lý chung cư 17 tầng Phùng Khoang - Hà Đông- Hà Nội chia sẻ: “Theo luật xây dựng hay các quy định về quản lý chung cư thì chưa có một điều nào cấm việc tổ chức tang lễ tại nhà chung cư".
Tuy nhiên trong thực tế việc tổ chức đám tang tại các căn hộ chung cư là vô cùng khó khăn, theo tôi là không nên. Chưa nói tới các hộ dân cư sẽ phản đối, vì việc tổ chức lễ tang tại chung cư cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới đời sống của các hộ gia đình trên toà nhà.
Khu chung cư tôi đang quản lý, mặc dù có phòng sinh hoạt cộng đồng có thể phục vụ các hộ dân cư sử dụng trong những dịp giỗ, chạp, những ngày vui hay các sinh hoạt tập thể của cả tòa nhà còn để tổ chức đám tang thì không đủ điều kiện và đủ trang trọng được.
Nghĩa tử là nghĩa tận, tổ chức đám tang để tiễn biệt người đã khuất bao gồm rất nhiều thủ tục, lễ tiết từ việc tắm rửa, khâm liệm, nhập quan cho người chết đến các nghi lễ thăm viếng… cùng nhiều thủ tục khác nên để tổ chức cần đơn vị có kinh nghiệm và địa điểm đủ trang trọng, tôn nghiêm.
Theo tôi việc tổ chức đám tang tốt nhất là nên ở các nhà tang lễ, quản lý chung cư chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình có người mất trong các thủ tục cần thiết.
- 'Nhìn mặt là biết' liệu bạn có sống lâu hay không? Người sống lâu “thường có 5 đặc điểm”!
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Trong mắt đàn ông, phụ nữ không đáng để theo đuổi chẳng qua là 3 kiểu này, phụ nữ nên hiểu
- Loại gỗ quý hiếm 800 năm mới được thu hoạch, được mệnh danh ‘vàng đen’ và nằm trong Sách đỏ Việt Nam
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?