Làng bánh chưng Tranh Khúc (cũng gọi là Thanh Khúc) thuộc địa phận xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì nổi tiếng bao đời gói bánh chưng. Thương hiệu bánh Tranh Khúc còn lan ra cả các tỉnh lân cận, theo bước chân người xa xứ đi dọc miền trong nước và quốc tế.
|
Anh Nguyễn Thắng, 47 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Trang Thắng, một trong những nhà làm bánh chưng lớn nhất ở làng, tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu, thân tình. Anh chân thành chia sẻ: “Chẳng biết tự bao giờ, nhưng khi còn bé đã thấy cụ, thấy bà, rồi mẹ làm bánh chưng…, cứ thế, cha truyền con nối, bây giờ mình cũng làm, cốt giữ lấy cái nghề của ông cha và cũng là kế mưu sinh…”.
Không chỉ có gia đình anh Thắng, hơn 200 hộ ở Tranh Khúc thì có đến 70% người dân sống bằng nghề làm bánh chưng. Ngày thường, nhà ít thì làm vài chục chiếc, nhiều thì đến trăm chiếc, còn những dịp lễ, Tết hay ngày mùng một, ngày rằm,… những người thợ bánh Tranh Khúc dường như không hề có lấy một phút ngơi tay. Số lượng bánh làm ra những ngày này gấp chục lần ngày thường: “Bận rộn nhất là đợt cuối năm, nhất là từ 20 tháng Chạp trở đi, hơn 1.000 chiếc bánh một ngày mà vẫn không đủ để giao hàng” – anh Thắng chia sẻ.
Vào sân bất cứ một nhà nào ở Tranh Khúc cũng thấy lớp lớp tầng tầng những lá dong chất đầy. Lá dong ở đây được đưa về từ khắp các vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai…, miễn sao lá phải đẹp, phải xanh, rồi đủ lá quanh năm cho làng nghề gói bánh. Có những mùa khan hiếm lá, bánh nhỏ phải gói bằng lá chuối, nhưng ấy là “bần cùng”, bởi theo những nghệ nhân làm bánh ở đây, thứ lá chuối mỏng mềm, dễ rách không thể khiến chiếc bánh được đẹp, nhất là không lột tả được hương vị của bánh chưng truyền thống bao đời.
Khi được chúng tôi hỏi về bí quyết của nghề làm bánh chưng, những người thợ ở đây cười hiền từ cho biết: Thật ra chẳng có bí quyết gì ghê gớm, vẫn là gạo nếp, là đậu xanh, là thịt lợn và gia vị muối, hạt tiêu thông thường. Chỉ có điều, những nghệ nhân lão luyện ở Tranh Khúc, với nghề làm bánh cha truyền con nối biết cách chọn gạo ngon, đậu sạch, biết cách làm sao cho tinh, cho khéo để chiếc bánh được thơm ngon, đậm đà hơn.
Gạo nếp được chọn để làm bánh chưng Tranh Khúc là gạo nếp cái hoa vàng nức tiếng của đất Hải Hậu – Nam Định. Đậu xanh cũng lấy ở những vùng trồng đậu nổi tiếng đất Bắc, rồi thịt lợn được đưa về từ khắp các chợ đầu mối đã qua kiểm dịch. Đậu xanh, gạo nếp được ngâm, vo kỹ cho đến khi nước trong, để ráo nước rồi mới đem ra gói, có như vậy bánh mới không bị chua và cho màu đẹp mắt. Dường như không cần nhìn vào chậu gạo trước mặt, người nghệ nhân bánh Tranh Khúc vẫn có thể nêm muối sao cho bánh vừa miệng. Thịt làm nhân bánh có thể là thịt vai, thịt mông nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ được xắt thành những miếng vuông đều đặn, ướp hạt tiêu xay rang thơm lừng. Cắn miếng nhân bánh thấy đủ vị béo ngậy, thơm bùi, mới biết yêu thêm những món ăn mang hồn dân tộc.
Bà Trần Thị Thịnh, mẹ vợ anh Thắng năm nay đã 74 tuổi, vừa thoăn thoắt khéo léo nhồi những miếng thịt ba chỉ tươi rói vào những quả nhân đỗ tròn đã được nặn sẵn, vừa vui vẻ giảng giải với chúng tôi về cách thức làm bánh. Nhân bánh có thơm, có ngon thì mới lột tả hết hương vị đặc trưng của chiếc bánh. Cứ 120 gam thịt cùng với 130 gam đậu, chiếc nhân bánh của người thợ Tranh Khúc đều chằn chặn như nhau, bánh vì thế mà có gói đến trăm hay nghìn chiếc thì vẫn cứ đều, cứ đẹp. Ở Tranh Khúc không như một số nơi hay gói bánh chưng bằng thứ đậu xanh sống, khi ăn còn nguyên mùi ngai ngái của đậu. Nhân đậu xanh để làm bánh chưng của làng nghề này thường được đồ giã nhuyễn rồi mới đem gói, bởi thế mà bánh khi chín càng thơm và đậm đà hơn.
Tận mắt nhìn những nghệ nhân làm bánh chưng Tranh Khúc làm nhân, xắt thịt, rồi gói, buộc lạt, mới thấm thía hơn câu nói của cha ông bao đời: “Trăm hay không bằng tay quen”. Chị Nguyễn Thị Mai, một thợ làm bánh chưng Tranh Khúc có thể gói tới 115 chiếc bánh trong vòng 1 giờ đồng hồ, với những chồng lá đã được cắt, rửa sạch và đặt sẵn thành tầng trước mặt. Cứ mỗi chồng lá như thế gói khoảng 20 chiếc bánh một lần. Người Tranh Khúc không gói bánh chưng bằng khuôn, bởi như thế bánh sẽ nhão và không chặt.
Rửa lá, làm nhân bánh, gói bánh rồi buộc bánh, nhưng luộc bánh chưng cũng là khâu quan trọng không kém quyết định chiếc bánh ngon. Cũng như cha ông bao đời, người làng Tranh Khúc luộc bánh từ 8 – 10 tiếng để những chiếc bánh chưng được kỹ, được rền. Anh Nguyễn Thắng còn tự hào giới thiệu với chúng tôi về hệ thống nồi hơi dùng riêng để luộc bánh chưng. Hệ thống nồi hơi của gia đình anh gồm 3 chiếc nồi lớn, mỗi nồi có thể chứa tới 300 chiếc bánh, có như thế mới phục vụ kịp khách mua vào những đợt cao điểm. Anh cho biết hệ thống này được đặt thiết kế riêng ở Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Toàn bộ chi phí thiết kế, lắp đặt hệ thống lên tới 200 triệu đồng.
Sống với nghề và sẵn sàng đầu tư cho nghề như thế, người làng Tranh Khúc đang quyết giữ lấy cái quý báu hơn cả bạc vàng mà cha ông truyền lại. Anh Thắng nói với chúng tôi: “Làng tuy không có ông tổ làng nghề nhưng chúng tôi tự bảo nhau giữ lấy cái vốn sống và truyền lại cho con cháu đời sau”. Khi được hỏi về việc có những nơi luộc bánh chưng, người ta đem cho chì vào nồi để bánh mau chín, các nghệ nhân Tranh Khúc tỏ ra bức xúc: “Con mình cũng ăn bánh này, cháu mình cũng ăn, làm như vậy khác nào làm việc thất đức. Và lại, chúng tôi ở đây coi việc luộc bánh, trông bánh là một nếp sống của làng, 8 tiếng, 10 tiếng tuy có mệt mỏi, nhưng chúng tôi đã quen như thế. Ngày nào không làm có khi lại thấy buồn chân buồn tay…”.
Nhiều hộ gia đình ở Tranh Khúc sống và giàu lên nhờ nghề làm bánh chưng. Như gia đình anh Thắng, trên diện tích đất lên tới 560m2, ngoài cơ sở làm bánh, anh mới xây thêm một ngôi nhà 4 tầng khang trang. Gia đình còn có xe riêng dùng để vận chuyển bánh vào thành phố và xe 9 chỗ để đi giao dịch. Bánh chưng Tranh Khúc theo người đi khắp các nhà hàng ở đất Hà Thành: Đội Cấn, Bưởi, Ngọc Hà… hay bất cứ đâu có nhu cầu. Có những người từ Huế, Sài Gòn ra cũng mua bánh chưng Tranh Khúc về làm quà biếu. Anh Thắng cho hay: “Sắp tới chúng tôi còn đón một đoàn khách du lịch từ Pháp khoảng 40 người tới thăm quan và mua bánh…”
Không phải đến tận bây giờ, bánh chưng mới trở thành thứ bánh của dịp lễ lạt hay những ngày trọng đại. Tục truyền rằng, chàng Sơn Tinh xưa nhờ có “100 ván cơm nếp, 200 nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” mà được thành thân với nàng Mị Nương xinh đẹp, con gái của Hùng Vương 18. Thế rồi, cũng chính bánh chưng, bánh tét đã theo chân những anh hùng áo vải của đội quân Tây Sơn “thần tốc” kéo quân ra đất Bắc trong Tết Mậu Thân (1789) lịch sử năm nào… Và cũng trong Tết Mậu Thân 1968, tại Sài Gòn, không ít đơn vị biệt động đã được tiếp nhận bánh chưng nhân… đạn của các má, các chị nội thành gửi tới để có thêm hỏa lực vào trận. Bánh chưng đã trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi mâm cơm dâng tổ tiên đêm 30 ấm cúng, hay thứ quà để mời, để tặng nhau mỗi dịp Tết đến xuân về.
Không đơn thuần chỉ là thứ quà bánh tầm thường, bánh chưng chở trong nó cái hồn của người Bắc Bộ hay rộng hơn là cả một dân tộc, một nét văn hóa ẩm thực tinh tế của mảnh đất bao đời. Đúng như những lời lẽ ý nghĩa của Hoàng tử Lang Liêu thuở trước khi dâng lên vua cha, bánh chưng là “ngọc thực”, là kết tinh của đất trời, là sự kết dính keo sơn từ những thứ đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người nông dân Bắc Bộ tảo tần qua hàng nghìn năm: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, thuở người Việt bắt đầu dựng nên núi sông bờ cõi cũng là lúc chiếc bánh chưng ra đời. Thế mới hay, cái ăn cũng là lịch sử, là văn hóa, là những gì lớn lao hơn cả những thói tục phàm trần. Những tưởng không liên quan tới nhau, nhưng ngẫm ra thấy những thứ được gói ghém, đùm bọc lại trong chiếc bánh chưng, phải chăng cũng là “gói” lại cả một tình thân giữa miền xuôi và miền ngược? – Nơi đồng bằng làm nên những hạt gạo trắng, hạt đậu xanh với những miền núi cao trồng những tàu lá dong xanh mướt hay những ống giang dẻo mềm…
Một nhà báo già kể lại với tôi về chuyến đi Paris thăm người bạn thân thiết. Trước khi lên đường, ông mải miết nghĩ về thứ quà mang sang đất bạn, cuối cùng, ông quyết định lên phố Hàng Bông (Hà Nội) đặt mua một cặp bánh chưng cho vào vali cùng với hành lí của mình. Không thể tả hết những cảm xúc của người bạn nhà báo già khi cầm trên tay thứ quà “rất Việt” ấy. Giữa trời Paris, ông rưng rưng nước mắt…
Khi những cánh đào đua nhau khoe sắc trên những khu vườn Nhật Tân, Quảng Bá, ở khắp những chợ hoa trong thành phố cũng là lúc người làng Tranh Khúc lại tảo tần thức khuya dậy sớm, lo sao cho mẻ bánh của mình được ngon, sao cho kịp giao hàng đúng giờ, đúng hẹn. Về Tranh Khúc hôm nay, để tìm lại một nét văn hóa của cha ông, để biết rằng ta đang níu giữ lại cho mình chút hồn dân tộc khi những dòng người vẫn hối hả ngược xuôi trong dòng chảy cuộc đời.
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?