Những câu chuyện cảm động về nghệ sĩ hài Văn Hiệp
Thứ tư, 10/04/2013 09:15

"Bác Hiệp có một người vợ đang sống ở Đức và bác vẫn chắt chiu những khoản thù lao nhỏ để gửi sang cho bà, phụ giúp việc nhà…”- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhớ lại.

Người nghệ sỹ ấy luôn giữ tinh thần lạc quan với tràn ngập tình yêu thương, dù cuộc sống nhiều khổ đau, vất vả.

Người nghệ sỹ ấy luôn giữ tinh thần lạc quan với tràn ngập tình yêu thương, dù cuộc sống nhiều khổ đau, vất vả.

Từ chương trình Gặp nhau cuối tuần, “ông trưởng thôn” Văn Hiệp đã dung dị bước ra từ màn ảnh. Cùng với những diễn viên Quang Tèo, Giang “còi”, “trưởng thôn” Văn Hiệp với lối diễn xuất tự nhiên và xây dựng một hình ảnh nông thôn thu nhỏ đầy hài hước, dí dỏm ở Gặp nhau cuối tuần.

Đạo diễn -  NSƯT Đỗ Thanh Hải đã gắn bó với Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm từ những ngày đầu tiên, và anh chia sẻ “Nhờ có Gặp nhau cuối tuần (GNCT), chúng tôi đã có cơ hội được làm việc với bác Văn Hiệp, một nghệ sỹ mà ai đã từng gặp và làm việc cùng đều muốn gọi bác một cách thân thương như vậy”. 

 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có quãng thời gian dài làm việc và gắn bó với nghệ sỹ Văn Hiệp kể từ khi chương trình Gặp nhau cuối tuần ra mắt.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhớ lại: “Cũng giống như nhiều nghệ sỹ lớn tuổi, bác Văn Hiệp làm việc với cái tâm của một người muốn "cho đi"​ ​chứ không phải làm để nhận về cái gì cho mình. Mỗi vai diễn, dù lớn, nhỏ đều là trách nhiệm, tâm huyết, sự suy nghĩ và trao đổi nhiệt tình để như lời bác nói: Khán giả xem không thấy phí thời gian. Bác làm việc đến khi nào không thể tốt hơn, kể cả quá giờ nghỉ chỉ mong muốn không để nuối tiếc cho mỗi cảnh quay của mình. Ngoài công việc thì sự giản dị, sự chân tình và gần gũi rất " gia đình " là điều mà bác luôn để lại cho tất cả chúng tôi.

Bây giờ, nhớ đến bác, khán giả nhớ đến hình ảnh ông trưởng thôn, đến một ông già gầy gò nhưng luôn nhiệt huyết...và hàng ngàn vai diễn lớn nhỏ khác, còn chúng tôi nhớ đến bác, nhớ đến hình ảnh người nghệ sỹ với nụ cười hiền hậu, giản dị ngồi uống chén trà nóng và hút điếu thuốc lào ở tất cả những nơi bác đến, bác làm việc. Tôi may mắn có khoảng thời gian dài làm việc với bác và nhiều nghệ sỹ hài khác ở chương trình GNCT, GNCN ( táo quân )... và chúng tôi vẫn gọi bác là Bố Hiệp. Ngay thứ 7 vừa rồi, chúng tôi có rủ nhau đến nhà thăm bác và bác vẫn nhận ra mọi người, còn đùa với Vân Dung là sẽ phải đóng vai gì đó để xử lý lại cô gái đanh đá này..​”.

Trong ký ức của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “bác Hiệp” có nhiều điều đáng để kính trọng và nhớ lắm, nhớ về con người, về tính cách, về giọng nói và nhớ cả về cuộc đời bác - người nghệ sỹ đầy lạc quan và yêu thương gia đình.

“Năm 2005, chúng tôi có cùng nhau sang CHLB Đức, bác vui vẻ nhận lời đi diễn để phục vụ cộng đồng dù phải bay cả một chặng đường rất dài và di chuyển liên tục giữa tiết trời đông giá lạnh. Chuyến đi ấy, tôi mới biết bác vẫn có một người vợ đang sống ở đấy và bác vẫn chắt chiu những khoản thù lao nhỏ để mang gửi sang cho bà, phụ giúp việc nhà.

Mọi người cứ nghĩ việc gửi tiền phải từ nước ngoài đưa về nước, nhưng đằng này người trong nước lại gửi tiền cho người ở nước ngoài, lại từ một ông nghệ sỹ lớn tuổi. Vậy nhưng bác vẫn cười hiền lành, nhắc về gia đình với sự yêu thương trìu mến và ước mơ giản dị là chắc chắn sẽ có ngày gia đình được vui vầy bên nhau”.

Người nghệ sỹ già vẫn cặm cụi chắt chiu từng đồng thù lao nhỏ gửi cho vợ sống bên Đức, và ông vẫn luôn mong mỏi sẽ có ngày gia đình đoàn tụ.

Thế hệ nghệ sỹ sau này như Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long, Vân Dung... tuy có thu nhập ổn định hơn nhưng ​ai cũng kính trọng và xem “bố Hiệp” như người thân trong gia đình, mỗi dịp gặp nhau là lại xúm quanh ông già ấy để hỏi han, kể chuyện. “Tôi tin là lúc này các anh chị ấy đều rất nhớ thương bố Hiệp, nuối tiếc những ngày tháng được làm việc, diễn xuất chung với Bố trên sân khấu, trên phim trường.” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định. ​

Một kỷ niệm đáng nhớ khác được đạo diễn Đỗ Thanh Hải kể lại: “Năm ngoái, khi bác Hiệp bị ngã xe phải vào viện, chúng tôi vào thăm bác.

Tuy thương tật vẫn đầy mình, nằm một chỗ, bác vẫn lạc quan cười nói, tự hào vì nghệ sỹ già như mình, lâu rồi không xuất hiện trên truyền hình mà vào đây từ bác sỹ, y tá đến bệnh nhân đều ân cần chăm sóc, hỏi han. Bác bảo có khi phải nằm thêm một thời gian nữa để tìm hiểu thêm nhiều hoàn cảnh, nhiều thân phận trong này để sau đó viết kịch bản.

Rồi quả nhiên, một tháng sau, bác mang đến chỗ tôi một kịch bản có ý tưởng về một người bình thường do bị tại nạn mà thay đổi suy nghĩ, có khả năng đặc biệt đến mức được Ngọc Hoàng mời lên​ ​Thiên Đình trong buổi chầu cuối năm. Tại đấy, ​ông đã thẳng thắn chỉ ra những điều còn hạn chế dưới trần gian và mong muốn Ngọc Hoàng dành thời gian vi hành... Kể câu chuyện này để thấy, bác Hiệp luôn muốn gửi gắm nhiều sự trăn trở về cuộc sống qua lăng kính người nghệ sỹ, như một niềm vui giản dị, nhẹ nhàng như cách sống hàng ngày của mình đến với khán giả, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đấy cũng là điều bác đã làm trong suốt cuộc đời mình, không phải vì cái danh Nghệ sỹ, không phải vì hào quang vật chất, đơn giản là niềm vui, là sự lao động nghiêm túc như một "công dân đặc biệt " với cuộc đời”.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải tin rằng, bất cứ ai đã từng được gặp Văn Hiệp, đã từng làm việc với bác, đều sẽ nhận ra và quý trọng một nghệ sỹ già nhiệt huyết, chân tình, luôn mong mỏi đem niềm vui đến cho người khác.

“Có thể nói rằng, ​tôi kính trọng và biết ơn những nghệ sỹ lớn tuổi như bác Hiệp, họ giúp chúng tôi trưởng thành hơn, làm việc nghiêm túc hơn và biết trân trọng tình cảm khán giả dành cho mình nhiều hơn” -  Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.

DT

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Văn Hiệp , Văn Hiệp 2013 , Văn Hiệp qua đời , Trưởng thôn Văn Hiệp , Nghệ sĩ Văn Hiệp