Nỗi thất vọng của khán giả về một số chương trình TH thực tế sau nghi án dàn xếp kết quả như giọt nước tràn ly.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh: Ý thức của thí sinh trong scandal vụ clip cho là dàn xếp kết quả cũng đáng trách... Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Phóng viên chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với NS Tuấn Khanh - người từng là thành viên ban giám khảo một số game show.
* Anh có theo dõi scandal vụ lộ clip được cho là dàn xếp kết quả của chương trình The Voice - Giọng hát Việt? Là một người của công chúng và gắn bó với những chương trình truyền hình thực tế, anh có quan điểm, thái độ và tiếp nhận sự kiện đó như thế nào?
- Rất dễ dàng nhìn ra rằng các nguyên tắc cần phải giữ của một chương trình, chu đáo như sách hướng dẫn thực hiện chương trình gốc (bible) đã bị xem nhẹ. Tất cả những điều diễn ra cho thấy êkip, nhà tổ chức... đã khá vội vàng trong việc hình thành show này. Điều này không riêng chỉ ở The Voice - Giọng hát Việt, mà hầu hết các gameshow mua lại từ nước ngoài đều mắc sai lầm như vậy.
Ở Việt Nam, thói quen của đối thoại thường là nói chơi như thật, nói thật như nói chơi. Khi có chuyện thì trở thành tai họa. Tôi nghĩ Phương Uyên nói theo một cách không chính thức để tạo không khí trong cuộc đối thoại, nhưng khi đem ra trước công chúng, mọi thứ được đong đếm về danh dự, trách nhiệm... khiến chuyện trở nên rất lớn, không thể xem nhẹ được.
* Đối với các game show như The Voice, Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, Vietnam Next Top Model… nhiều khi khán giả xem đó đơn giản chỉ là một chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí, còn nhà sản xuất đòi hỏi phải mang lại lợi nhuận, có nghĩa là mang tính chất thương mại, trong khi đó nhiều người lại kỳ vọng những tài năng sẽ được phát hiện qua những chương trình đó. Theo anh, làm thế nào để cân bằng được tính giải trí, tính thương mại và sự kỳ vọng tìm kiếm tài năng trong những chương trình như vậy?
- Ở Nhật mỗi năm có cả trăm trò chơi truyền hình, cái thì vô bổ, cái thì vô duyên, cái thì cảm động... nhưng ai cũng biết đó là “trò chơi”. Kết quả chung cuộc chỉ là một event và tạo ra niềm vui thuần túy. Và từ nhiều năm nay, khi chúng ta chứng kiến The Voice hay American Idol ở Mỹ, dù gọi tên nó như thế nào, ai cũng biết đó không đơn giản là “trò chơi”. Nhân lực từ những “trò chơi” này đóng góp cho sự phát triển nền âm nhạc Mỹ không phải là ít.
Không thể phủ nhận bất kỳ sự thành công nào hiện nay mà lại thiếu giá trị của đồng tiền, nhưng để cân bằng được thì thật nhiêu khê. Toàn bộ xung quanh ta tràn ngập những cuộc vui, nhưng sau đó là trống rỗng. Một ngôi sao - tạm gọi vậy - thoát ra từ một chương trình, rồi sẽ làm gì, ra sao, về đâu trong một xã hội công nghiệp biểu diễn sơ khai này?
* Anh vừa là một nhạc sĩ, là người của công chúng, nhưng cũng là một khán giả, anh có sự chia sẻ nào với các khán giả bình thường khác khi đón nhận một chương trình truyền hình thực tế? Khán giả có nên kỳ vọng quá nhiều rồi dẫn đến thất vọng vào những chương trình này hay không?
- Không, tôi nghĩ những khán giả truyền hình đã bước qua giai đoạn kỳ vọng vào các kết quả. Khi chúng ta xài chữ kỳ vọng, tức chúng ta cũng tự huyễn hoặc mình trước thực tế của các chương trình truyền hình lâu nay. Tôi tin rằng đa số khán giả bây giờ chỉ đơn giản tìm đến các chương trình thi thố như là một cuộc vui trước giờ đi ngủ. Những phản ứng về kết quả, chuyện bê bối... mà chúng ta nhìn thấy lúc này, cũng chỉ là sự tức giận mang tính bản năng trước các sự kiện bị coi là quá đỗi xem thường con người mà thôi, chứ không phải vì họ quá yêu chương trình A hay thí sinh B nào đó.
* Chương trình truyền hình thực tế nào cũng cần có kịch bản, chiêu trò, công thức để thu hút khán giả nhưng đâu là giới hạn cần thiết cho những chiêu trò đó?
- Tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt rõ. Chiêu trò là cách mà người sử dụng nó xem người đối diện là ít thông minh hơn mình, nhằm đối phó với từng chặng đường. Khác với kịch bản là đường dẫn chính cho câu chuyện, được chủ định ngay từ đầu. Đúng là chương trình nào cũng cần có kịch bản - nhưng kịch bản hay thì ít cần đến chiêu trò.
Còn về chuyện tìm một giới hạn cho chiêu trò của truyền hình hiện nay, tôi nghĩ khó lắm. Vì như tôi đã nói, người làm gameshow bây giờ hay tự cho là mình thông minh hơn khán giả nên luôn có sản xuất chiêu trò. Tiếc là thực tế thì ngược lại, nên mọi thứ bê bối và trơ trẽn giờ đây ít có giới hạn.
* Thực tế có dấu hiệu một số chương trình tự tạo ra scandal quá đà, tìm mọi cách gây xìcăngđan để thu hút người xem, thậm chí dàn xếp kết quả, tác động và chi phối đến kết quả. Vậy trách nhiệm của giám khảo, của nhà sản xuất đối với khán giả trong những trường hợp này như thế nào?
- Tôi nhớ đến 10 năm trước, khi tôi bước vào những chương trình, ánh mắt của những người làm nhìn thẳng nhau, cứ cả quyết cho sự thật và điều đúng nhất. Giờ thì không, để tạo một rating truyền hình và lợi nhuận thì họ cứ nháy mắt với nhau không ngần ngại. Thời của nhà tài trợ gọi vào gửi cháu, con, thời của đại gia nhắn tin bảo trợ và gửi gắm em út thì khó mà đi một đường thẳng lắm. Trách nhiệm của những người sản xuất đó chính là phải có lương tâm...
* Khi làm giám khảo của một số chương trình truyền hình thực tế, anh có chịu áp lực đến từ nhà sản xuất? Nếu đứng trước tình huống quyết định của mình có thể làm cho khán giả phản ứng, hoài nghi nhưng lại phù hợp với lợi ích của nhà sản xuất thì anh lựa chọn như thế nào?
- Tôi cũng gặp những điều như vậy. Và biết mình không thể cưỡng lại đám đông, có những chương trình, người ta đề nghị ký hợp đồng đến 10 năm, tôi chỉ làm được vài tháng rồi lẳng lặng rút lui sau khi để lại thư xin nghỉ vì sức khỏe. Tôi sẵn sàng thỏa hiệp cho một trò vui, nhưng phải phục vụ cho cái đúng.
Có một lần, tôi chứng kiến một thí sinh có giọng hát rất hay, nhưng hay hát những bài hát khó nghe nên điểm số cứ chập chờn. Vì vậy, tôi chủ động tìm gặp và đề nghị em đó hát một bài khác. Ngần ngại mãi rồi em đó cũng đồng ý. Bất ngờ là điểm số của em ngay sau bài hát đó cao vụt lên. Thế nhưng sau buổi thi, huấn luyện viên của em ấy gặp tôi đã quát lên như kẻ thù. Mãi sau này, tôi mới biết rằng thí sinh đó bị buộc phải hát những bài không hợp với mình, để không cạnh tranh với “gà” chính của ban tổ chức. Chuyện đó chỉ là một trong vô vàn những thủ thuật mà tôi đã gặp. Biết mình không thể làm gì khác hơn, tôi lựa chọn cách rời khỏi những nơi chốn ấy.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ Tuấn Khanh!
- Nhan sắc được khen 'đẹp như búp bê Barbie' của Hoa hậu Thanh Thủy
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Quách Tuấn Du lên tiếng về tin đồn qua đời vì tai nạn
- Vượt Tom Cruise, chàng trai trẻ trở thành người đàn ông đẹp nhất thế giới năm 2024
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?