Mất nửa triệu đồng để mua một bình gas (loại 12kg), giá gas tăng sốc khiến người tiêu dùng chới với. Các chuyên gia trong ngành gas cho biết giữa thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này rất cần sự điều phối của Nhà nước.
|
Nhiều bà nội trợ đau đầu khi giá gas tăng bất thường - Ảnh: M.Đức
Tăng “dựng đứng”
Một lần nữa người tiêu dùng choáng váng khi một loạt công ty gas công bố giá gas bán lẻ trong tháng 3 tăng 52.000 đồng/ bình 12kg. Theo các công ty này, nguyên nhân giá gas tăng do giá nhập khẩu bất ngờ tăng vọt, thêm 180 USD/tấn so với tháng trước (ở mức 1.205 USD/tấn).
Đại diện các công ty gas cho biết bản thân họ cũng bất ngờ với mức tăng này. “Từ đầu năm đến giữa tháng 2, giá gas thế giới thậm chí có xu hướng giảm (30-40 USD/tấn), một số doanh nghiệp (DN) gas đã chủ động điều chỉnh giảm giá khoảng 10.000 đồng/bình cho người tiêu dùng. Nhưng với giá gas thế giới tăng chóng mặt như hiện nay, DN buộc phải tăng theo dù nguy cơ không bán được hàng là khó tránh khỏi” - đại diện Công ty gas Saigon Petro cho hay.
Trao đổi với PV, đại diện một số công ty từng áp dụng giảm giá bán lẻ trong tháng 2 ở mức 10.000-12.000 đồng/bình như Petrolimex gas, Saigon Petro, PV gas... cho biết đã ngưng áp dụng chính sách này. Theo đó, mức tăng giá gas bán lẻ thực chất trong tháng 3 lên đến 62.000 đồng/bình.
Đến thời điểm này, để mua một bình gas 12kg, người tiêu dùng phải bỏ ra nửa triệu đồng! Giá bán lẻ phổ biến của các hãng gas Saigon Petro, Gia Đình gas, Vinagas... ở mức 477.000-480.000 đồng/bình. Giá Shell gas lên mức 516.000 đồng/bình 12kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas tăng đồng loạt bốn lần với tổng mức tăng “dựng đứng” 126.000 đồng/ bình.
Diễn biến giá gas từ đầu năm 2012 đến nay - Ảnh: Châu Anh - Đồ họa: Như Khanh
Đau đầu đối phó
Chị Nhung, quản lý nhà hàng Sân Ga (Q.3, TP.HCM), sửng sốt khi buổi sáng 1-3 cửa hàng nhập gas về sử dụng thì giá đã tăng thêm hơn 50.000 đồng/bình. Chị Nhung bức xúc cho biết kinh doanh từ đầu năm đến giờ rất kém, giá gas lại tăng như vậy thì không thể có lợi nhuận được. Theo chị Nhung, mỗi tháng nhà hàng của chị tiêu thụ bình quân 7-8 bình gas loại 45kg, nay giá gas tiếp tục tăng chóng mặt như vậy buộc nhà hàng phải có phương án chuyển sang sử dụng bếp than tổ ong. “Bếp than tổ ong rẻ hơn nhiều nhưng không thể làm đồ ăn nhanh được. Vì vậy chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có phương án để giá gas ổn định” - chị Nhung nói.
Tương tự, Công ty may KH (Q.5) thường xuyên phải sử dụng bình gas để nấu ăn trong bếp ăn tập thể cho hàng ngàn công nhân mỗi ngày. Chị T., quản lý bếp ăn công ty này, cho biết: “Từ đầu năm giá gas liên tục tăng, trong khi điều kiện tại bếp ăn công nhân chi tiêu hết sức eo hẹp đã gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi. Nay nghe tin giá gas tăng nữa thì không biết sẽ phải tính toán ra sao!”.
Theo khảo sát của chúng tôi, không riêng tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng... mà hiện nay rất nhiều quán ăn bình dân, quán cơm gia đình bắt đầu rục rịch chuyển sang sử dụng các loại bếp điện, bếp từ, bếp than tổ ong để nấu đồ ăn. Bà Kiều, chủ tiệm cơm Hương Quê (Q.12), than thở: “Nếu xài bếp gas để nấu ăn thì không biết kiếm đâu ra lời nên giờ chúng tôi đều xài bếp than tổ ong để nấu, chỉ khi nào thật sự cần mới xài tới bếp gas”.
Ghi nhận tại các trung tâm điện máy thời gian gần đây, các loại bếp ăn gia dụng bắt đầu được người tiêu dùng quan tâm. Theo nhân viên một cửa hàng điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), trên thị trường hiện nay phổ biến vẫn là các loại bếp từ thông thường có giá 500.000-2.000.000 đồng/chiếc, được nhiều người dân chọn mua. Cô Lê Phương Liên (Q.Bình Tân), mua sắm tại siêu thị Nguyễn Kim lựa chọn chiếc bếp điện gia dụng có giá hơn 2 triệu đồng, chia sẻ: “Giá gas tăng dữ quá, gia đình tôi chuyển sang xài bếp điện cho tiện, khá vệ sinh lại tiết kiệm hơn”.
Bà Nguyễn Thị Thụy, phụ trách marketing hệ thống điện máy Phan Khang, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, người dân có xu hướng sử dụng các loại bếp từ, bếp điện thay cho bếp gas, Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá gas liên tục tăng, đồng thời các loại bếp gia dụng tiện lợi, vệ sinh lại rất an toàn nên được người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn”.
Cần bàn tay điều phối của Nhà nước
Bà Lê Thị Anh Mẫn, phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, cho biết để “hạ nhiệt” giá gas trong giai đoạn hiện nay chỉ có thể trông cậy vào sự điều phối của Nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng xem xét việc giảm thuế nhập khẩu cho DN gas xuống mức 2% như cũ. Nếu được áp dụng mức thuế này, giá gas có thể giảm ngay 10.000-12.000 đồng/bình. Bên cạnh đó, hiệp hội đã có trao đổi với Tổng công ty Khí VN (PV gas) xem xét giảm giá bán buôn trong nước so với giá gas thế giới như từng áp dụng đầu năm 2011. Khi đơn vị này đồng ý giảm giá bán buôn, các DN gas cũng cam kết giảm tương ứng cho người tiêu dùng.
Chiều 1-3, đại diện PV gas cho biết trước tình hình giá gas tăng mạnh, lãnh đạo công ty đang thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan đến nguồn cung, hỗ trợ bình ổn giá gas và sẽ có phương án trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Giang - tổng giám đốc Công ty lọc dầu Bình Sơn, đơn vị điều hành quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết thời điểm này nhà máy vẫn hoạt động ổn định với công suất cao nhất (đạt mức 350.000-400.000 tấn gas/năm).
“Hiện giá gas trong nước được áp theo giá gas nhập khẩu. Việc này đảm bảo sự minh bạch của DN nhà nước và sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Việc có thể giảm giá gas trong nước hay không, giảm bao nhiêu và trong thời gian bao lâu phải do sự quyết định từ sự điều phối cao nhất. Nghĩa là Nhà nước chấp nhận bù lỗ để bình ổn giá” - ông Giang nói.
Một chuyên gia trong ngành gas nhận định với chi phí sản xuất gas trong nước có tăng nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của thế giới, DN sản xuất gas trong nước đã có lợi nhuận từ sự chênh lệch này. Điều quan trọng là Nhà nước điều phối mức lợi nhuận từ sự chênh lệch này như thế nào để cân đối lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Trong thời điểm một loạt mặt hàng thiết yếu đã tăng và rục rịch tăng, việc hỗ trợ người tiêu dùng nên được ưu tiên hơn cả.
- Dọn nhà cuối năm, muốn tránh bị mất tài lộc và giữ trọn may mắn thì không nên bỏ 5 món đồ này dù cũ đến đâu
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- 7 điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
- Ai là người có lương hưu cao nhất Việt Nam? Con số 'khủng' đến mức nào mà khiến nhiều người giật mình
- Ăn lẩu vào mùa đông cực ngon, nhưng ăn sai cách thì 'độc khủng khiếp', chẳng khác nào tự rước ung thư vào người
- Từ 15/1/2025: Đi xe máy mới mua chưa có đăng ký xe và chưa có biển số sẽ bị CSGT tịch thu, đúng không?
- 230 triệu năm trước, có một trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm, đưa loài khủng long lên vị trí thống trị
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước