Mầm non lơ thơ, đại học mọc như nấm
Thứ sáu, 16/03/2012 08:03

"Con dân không được học mẫu giáo” là chuyện như đùa mà có thật xảy ra năm ngoái ở thị trấn Thủ Thừa, Long An. Nhiều phụ huynh có con em trong độ tuổi học lớp chồi ở đây cho biết, Trưởng phòng GD bảo do thiếu trường nên chỉ ưu tiên cho con cán bộ huyện.

Hiệu trưởng trường Mẫu giáo thị trấn Thủ Thừa lý giải: Kế hoạch tuyển sinh 2011-2012 của trường ưu tiên ba đối tượng vào lớp chồi, đã được Phòng giáo dục phê duyệt. Sở dĩ có quy định diện ưu tiên vì địa phương thiếu lớp học nên không thể đáp ứng tất cả nhu cầu. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An Huỳnh Thị Huệ sau đó đã khẳng định quy định về ba đối tượng ưu tiên vào lớp chồi như vậy là không đúng. Sở yêu cầu Phòng Giáo dục huyện bỏ quy định này để tất cả con em ở huyện đều được đi học. Nếu thiếu trường lớp, địa phương nên nhanh chóng xây dựng thêm trường lớp thay vì hạn chế đối tượng tuyển sinh.

Bình quân Hà Nội đang có 34,5 cháu/nhóm, lớp với trường công lập
Nguồn : Internet

Ở Hà Nội chưa đến nỗi phân biệt con dân con quan khi xét cho trẻ vào mẫu giáo, nhưng điệp khúc thiếu trường lớp mẫu giáo cũng đã "ca” hơi lâu. Chỉ riêng khối mầm non, nếu theo tiêu chí mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất phải có một trường công lập thì hiện tại Hà Nội có 6 phường chưa có trường. Đây là lý do khiến các trường phải tăng lớp và lớp học luôn quá tải, vượt xa quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định của Bộ, mỗi trường không quá 20 nhóm lớp và bình quân nhà trẻ chỉ được 15-25 cháu/nhóm, lớp; mẫu giáo có 25-35 cháu/nhóm lớp. Tuy nhiên, bình quân Hà Nội đang có 34,5 cháu/nhóm, lớp với trường công lập. Riêng các quận nội thành, nhiều trường vẫn trên 40 cháu/nhóm lớp. Đó là chưa kể học sinh phổ cập giáo dục tiểu học được miễn học phí, còn ở mầm non phổ cập vẫn phải đóng tiền...- một "bất công” khiến nhiều cha mẹ có con độ tuổi mẫu giáo không mặn mà cho con mình đi học!

Một thành phố biển miền Trung như Phan Thiết cũng cứ đầu năm học lại tái diễn cảnh chạy chọt, xin xỏ, xếp hàng... để cho con vào mẫu giáo công lập. Nhiều năm nay Phan Thiết không có trường mầm non, mẫu giáo nào được xây mới, trong khi trẻ đến trường vẫn tăng lên, chưa nói tới phổ cập.

Rõ ràng cơ sở vật chất cho bậc học mầm non những năm qua bị lãng quên, Nhà nước để cho dân tự lo, trong khi được đi học mẫu giáo là trẻ học được bao điều hay điều lạ. Từ các kỹ năng tự phục vụ, quy tắc lễ nghi, tham gia các hoạt động tập thể, tới khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ. Một nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ông học được ở đâu những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy, đã không ngần ngại trả lời "Nơi tôi học được nhiều nhất chính là vườn trẻ, nhà mẫu giáo. Ở đó tôi học cách biết tuân thủ các quy định, biết nói xin lỗi khi sai...”.

Ngược lại với tình trạng lơ thơ mầm non, hệ thống trường đại học ở ta sau thời gian mọc ào ào như nấm, giờ hàng loạt trường phải đóng cửa ngành là điều đã được nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo từ những cuộc đua mở trường. Từ năm 1998-2009, có 307 trường ĐH, CĐ được mở mới hoặc nâng cấp. Tính đến 2009, cả nước có 409 trường ĐH, CĐ trong đó có 76 trường ngoài công lập. Hai năm 2010-2011 có khoảng 20 trường ĐH được thành lập do nâng cấp các trường CĐ hoặc mở mới, nhiều trường ĐH đang trong quá trình xem xét cho thành lập.

Trong khi cần phải có điều tra để xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực, thì những quy định về mở trường, mở ngành hiện nay hết sức máy móc, chỉ dựa trên các thông số về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo của các trường mà không dựa vào quy hoạch, không xét đến nhu cầu sử dụng nhân lực. Điều này dẫn đến các ngành mở ra rồi tự "chết”. Hiện nay đã có quy hoạch phát triển ĐH đến năm 2020 nhưng việc xét mở trường, mở ngành lại chưa căn cứ vào bản quy hoạch này.

Quy hoạch giáo dục đào tạo theo kiểu lơ thơ mầm non ào ào đại học có quá oái ăm?

Đại Đoàn Kết
Tag: Giáo dục mầm non , Trường mầm non , Trường đại học , Thị trấn Thủ Thừa , Long An