Anh Thắng kiên quyết: “Nếu em còn yêu anh, anh nhất định sẽ nhảy sông tự tử”. Chị Dung rầu rĩ nói: “Vậy thì chúng ta cùng chết”.
|
Dòng sông khổ
Chiếc thuyền máy nổ phành phạch lướt đi giữa sông Hồng sóng nước mênh mông. Lần nào đi qua cầu Chương Dương và Long Biên, tôi cũng nhìn sông Hồng từ trên xuống, thế nhưng, đây là lần đầu tiên được nhìn từ dưới sông lên, cảm giác dòng sông càng rộng, càng dài, và mới thấy được những thân phận thuyền chài kiếm sống trên sông mong manh, nhỏ bé biết chừng nào.
Chiếc thuyền táp vào bãi giữa, đoạn sông chảy qua xã Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngay bên bờ có con thuyền nhỏ, trước mui thuyền quần áo bay phấp phới. Trong khoang thuyền rộng độ 3 mét vuông có 6 người đang quây quần ăn trưa.
Anh Thắng và chị Dung trên con thuyền nát ở sông Hồng.
Anh Thắng huơ huơ cánh tay lần ra mui thuyền, chống chiếc liếp nứa lên để đón khách. Khuôn mặt anh rạng rỡ vui tươi, chỉ duy có đôi mắt là trắng dã, đờ đẫn.
“Kể chuyện đời mình ư? Khổ lắm, buồn lắm! Đời mình là một dòng sông buồn” – Anh Thắng cứ ngượng ngùng nói vậy. Còn chị Dung, vợ anh Thắng thì cứ bẽn lẽn như con gái mới lớn: “Chuyện tình yêu á! Ngượng lắm! Kể ra người ta cười chết!”.
Hai cậu con trai đã lớn biết bố mẹ xấu hổ khi kể chuyện cuộc tình của mình nên vác lưới dong thuyền đi kéo cá. Cường đòi đi theo hai anh không được, liền nhảy tõm xuống sông lặn ngụp. Cô út Hồng Nhung rúc vào lòng mẹ. Đôi mắt thơ ngây, đen láy mở thao láo nhìn bố. Anh Thắng quờ tay nắm lấy bàn tay lái chèo chai sạn của chị.
Anh Thắng sinh năm 1958, trong một gia đình mà tổ tông mấy đời gắn với sông nước. Thân phận dân chài nổi nênh theo từng con nước, cuộc sống lênh đênh nay đây mai đó, miếng cơm manh áo kéo ghì họ sát xuống mặt sông, bao đời nay cũng chẳng khấm khá lên được.
Bố mẹ anh Thắng sinh được 3 người con. Muốn đời con cháu bớt đen bạc, ông bà gắng gượng tìm cách lên bờ.
Ông bà lo cho người con cả đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô cũ. Nhưng anh này đi thì mất tích luôn. Đã hơn ba chục năm trời chẳng thấy tăm hơi đâu. Anh hai thì hy sinh ở chiến trường Campuchia, chẳng hy vọng tìm thấy hài cốt.
Đến tuổi trưởng thành, bố xin cho Thắng làm công nhân xây dựng của một công ty Nhà nước. Bố mẹ chỉ còn biết trông chờ vào cậu con út.
Làng chài trên sông Hồng.
Ngày đó, ở công ty, ai cũng yêu quý chàng công nhân tên Thắng hiền lành, chịu khó lại đẹp trai. Thế nhưng, rủi thay, trong lúc lao động, một viên đá to tướng từ tầng trên rơi thẳng vào đầu.
Thắng nằm viện 3 năm liền. Đôi mắt bị múc mất. Bố mẹ Thắng đau buồn suy sụp. Ông bà đã bán cả căn nhà mong ước bao đời, bán nốt con thuyền ọp ẹp, sứt mẻ để cứu con. Nhưng căn nhà nát bên sông và con thuyền sứt mẻ có được đáng bao nhiêu đâu.
Người mẹ đau buồn lâm bệnh rồi mất. Cha anh cùng quẫn nhảy sông, bỏ mặc anh cho bệnh viện. Ngư dân làng chài vớt xác ông vùi tạm dưới đụn cát.
Lấy người yêu của em làm chồng
Ngày đó, Thắng cũng có một mối tình đẹp. Người yêu Thắng cũng xuất thân từ làng chài, nhưng bố mẹ đã lo cho cô lên bờ làm công nhân. Đã bao đêm, dưới ánh trăng vằng vặc, bốn bề sóng nước mênh mông, hai người thề non hẹn biển cùng sống, cùng chết.
Một ngày, người yêu Thắng đến bên giường bệnh, khóc hết nước mắt, rồi nói lời giã biệt. Anh chấp nhận sự chia lìa trong cay đắng. Thế là anh chẳng còn hy vọng gì để sống nữa.
Hôm sau, vừa lúc mọi người đi ngủ, anh lổm ngổm mò dậy, dùng manh áo quấn vào cổ rồi xiết. Một cô gái chạy đến gỡ ra. Cô gái đó là Dung, chị gái của người yêu Thắng.
Hôm theo em gái đến bệnh viện thăm Thắng, Dung lặng lẽ đứng ngoài cửa quan sát, không nói gì. Em gái mình ruồng rẫy người yêu, Dung cũng không trách được. Em gái Dung xinh đẹp, tương lai còn sáng lạn trước mắt.
Tổ ấm của gia đình anh Thắng.
Nhưng ngay lúc đó, một cảm xúc lạ dâng trào, nó giống tình thương hơn là tình yêu. Dung tự thấy mình cần che chở cho Thắng, như người chị che chở cho người em. Dung hơn Thắng 3 tuổi.
Cứ sau giờ làm, cô công nhân Nguyễn Thị Dung lại tìm đến bệnh viện chăm sóc Thắng, mang cơm cho Thắng. Cuộc tình của Dung và chàng trai mù cứ thế nảy nở như chuyện cổ tích. Rồi cũng đến ngày Thắng ra viện.
Vậy là lại trở về với dòng sông Hồng, nơi mà cha mẹ, tổ tiên của Thắng đã gắn bó từ nhiều đời nay. Ra đi từ sông nước để rồi lại trở về với sông nước, cái định mệnh đó dường như không thể dứt ra được đối với những người sống dưới thuyền làm nghề chài lưới.
Ông trời cướp đi của Thắng đôi mắt nhưng bù lại Thắng thấy đôi tay mình mỗi ngày thêm nhạy cảm. Vậy nên, lần mò vài hôm là Thắng đã thả được lưới, kéo được cá lên khoang thuyền.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân ngoài bãi giữa, ven sông Hồng đều thấy một cậu thanh niên chèo thuyền chầm chậm, lần mò dọc ven sông thả lưới. Bạn chài đều ái ngại cho Thắng, họ ghé thuyền vào sát thuyền Thắng rồi lặng lẽ thả con cá to nhất tóm được vào khoang thuyền của anh.
Một lần, vào mùa lũ, thuyền của Thắng bị dòng xoáy đẩy ra giữa sông. Không nhìn thấy gì, Thắng cứ chèo cuống cuồng. Dòng xoáy đã ném thuyền của anh vào chiếc tàu chở cát rồi lật úp. Cũng may mà người ta kịp vớt được anh.
Sau vụ ấy, Dung bắt Thắng phải bỏ nghề chài lưới, nhưng Thắng không nghe, bỏ nghề thì lấy gì nuôi miệng, nuôi mẹ già. Thế là Dung bỏ nhà máy quay về với cuộc đời sông nước để hàng ngày được ở bên người mình yêu.
Một buổi chiều mùa thu năm 1980, Dung chèo thuyền đưa Thắng về ra mắt gia đình. Hôm đó, bố mẹ Dung cứ khấp khởi mong đợi. Con gái dân chài ở cái tuổi 25 mà chưa lấy chồng thì coi như đã ế.
Thế nhưng, khi thấy cậu con rể tương lai cứ huơ huơ đôi tay mãi mà không trèo sang thuyền được, bố Dung nổi khùng nhè vào con gái mà rủa: “Mày điên hay sao mà dẫn thằng đui, thằng mù về đây, tao thì cấm tiệt”.
Thắng nghe tiếng đay nghiến thì hoảng quá liền nhảy ùm xuống sông, bám vào thành thuyền, đu lên rồi cuống cuồng chèo càng xa càng tốt. Dung lao theo, nhưng bố và anh trai đã lấy sợi thừng buộc quặt hai tay ra sau rồi cột chặt vào mái chèo, mặc cho cô quỳ lạy, van xin, khóc lóc.
Người mẹ thương con, nửa đêm tháo dây trói. Dung nhẹ nhàng tụt ra khỏi thuyền, lõm bõm bơi về phía bãi giữa. Vừa nghe thấy tiếng chân đi và tiếng gọi của Dung, Thắng nhổm dậy chạy như điên về phía bờ sông.
Dung ráng hết sức bình sinh để đuổi theo người mình yêu. Giữa đêm trăng muộn sáng vằng vặc, người dân làng chài ngoài bãi giữa thấy hai cái bóng đuổi nhau. Thắng thì cứ ngã dúi dụi, vục cả mặt xuống bãi cát.
Anh chạy đến khi đôi bàn chân tứa máu, mệt không chạy nổi nữa thì lăn ra bờ cát. Dung nhào đến ghì chặt Thắng trong vòng tay như thể vừa suýt mất tất cả cuộc đời. Thắng kiên quyết: “Nếu em còn yêu anh, anh nhất định sẽ nhảy sông tự tử”. Dung cũng rầu rĩ nói: “Vậy thì chúng ta cùng chết”.
Chị Dung bảo rằng, cuộc đời hai người như định mệnh sắp sẵn, cái tình là duyên số, đời này kiếp này không thể rời xa nhau được, dù có phải làm trâu, làm ngựa cũng phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Rồi hai người tổ chức đám cưới ở bãi giữa. Tiệc cưới chỉ có chai rượu, vài con cá nước cùng bạn bè thuyền chài.
Còn tiếp…
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%