Mỗi khi đêm về, ánh mắt và giọng nói của người điên ấy cứ lặp đi lặp lại trong nỗi nhớ của người phụ nữ chưa một lần được yêu thương. Từ đấy, chị bắt đầu suy nghĩ về người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc và để rồi không lâu sau đó, họ đã nên duyên.
|
Đó là câu chuyện tình của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng và anh Nguyễn Đức Đăng ở thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
“Mày lấy nó, khổ kệ mày. Đừng nhìn mặt tao!”
Về thôn Văn Hội, hầu như chẳng ai là không biết đến “cái nhà lão Đăng điên” bởi “ngày nào lão ấy chẳng đi lang thang khắp làng, vừa đi vừa lẩm bẩm” – người phụ nữ trung tuổi quét rác cửa đình hồ hởi chỉ đường cho chúng tôi đến nhà anh Đăng – chị Hằng.
Vừa bước đến cổng nhà, một người phụ nữ tóc tai bờm xờm vồn vã chạy ra đón chúng tôi và không giấu nổi ngạc nhiên trước sự xuất hiện của hai người lạ mặt. Chị chính là Nguyễn Thị Hằng, người mà dân làng vẫn gọi là Hằng “hâm”.
Luống cuống thu dọn đống bát đũa, chăn chiếu, áo quần bừa bãi trong căn nhà mái ngói hai gian lụp xụp, chị Hằng ái ngại nói với chúng tôi: “Các cô thông cảm, nhà có mỗi một mình tôi làm hết việc này việc nọ, chẳng thể nào lo hết được”.
Trên manh chiếu nhàu nát vẫn còn vương vãi những sợi bún thừa từ bữa ăn trưa, câu chuyện tình của một người “hâm” đi lấy một người điên dần dần được hé mở…
Chị Hằng sinh năm 1967, vốn là người xã Văn Giáp (Thường Tín). Nhà nghèo, có ba anh em, mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai, chị phải sống trong sự ghẻ lạnh của người mẹ kế đành hanh. Không được học hành, cũng không biết chữ, hàng ngày chị phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề, nào là mò cua bắt tép, cày thuê, cuốc mướn, bốc gạch, nhặt rác…
Quay đi ngoảnh lại, hơn 30 tuổi đầu, chị vẫn chưa một mối tình vắt vai.
Năm 2000, trong một lần đi cắt lúa thuê cho nhà bà Nuôi ở xã bên, mọi người có ý làm mối cho chị với anh Đăng (41 tuổi) – người con bị điên của bà. Ban đầu, chị chối ngoay ngoảy bởi tuy người ta có gọi chị là gái ế thật nhưng chị nghĩ “ế cũng có giá của ế”, chị đâu đến nỗi không ra gì mà phải lấy người điên.
Nhưng một lần tình cờ nhìn thấy anh Đăng ngồi suy tư trong căn nhà gỗ của mình, điều gì đó ẩn trong đôi mắt ấy khiến chị bị ám ảnh ghê gớm. Hỏi về anh, chị được biết, anh bị như vậy là do hậu quả từ năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Vài lần thử mon men đến gần hỏi chuyện anh, chị thấy anh vẫn trả lời những câu hỏi của mình một cách rất tỉnh táo. Mỗi khi đêm về, ánh mắt và giọng nói của người điên ấy cứ lặp đi lặp lại trong nỗi nhớ của người phụ nữ chưa một lần được yêu thương. Từ đấy, chị bắt đầu suy nghĩ về cái người đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc kia và để rồi không lâu sau đó, hai người đã nên duyên vợ chồng.
Ngày chị Hằng quyết định đồng ý lấy anh Đăng, người mẹ kế vui mừng vì tống được đứa con chồng ra khỏi nhà, còn bố và anh trai của chị thì hết sức khuyên ngăn nhưng chị không nghe. Chị còn nhớ, hôm ấy, anh trai chị có nói: “Mày lấy nó, khổ kệ mày. Và đừng có nhìn mặt tao nữa”. Chị khóc dữ lắm nhưng chị chấp nhận.
Chị muốn chăm lo, săn sóc cho anh. Chị biết, sướng khổ gì thì cũng sẽ chỉ có một mình chị chịu đựng mà thôi. Chị cũng biết, lấy anh – một người không bình thường, nhiều người dèm pha, nhiều người cấm cản, nhưng chị hiểu, chỉ có anh mới có thể khiến chị thao thức nhiều đến thế.
Điên nhưng… không bao giờ đánh vợ
Ngày đám cưới của anh chị được tổ chức, người đời đứng ngoài gièm pha: “Con Hằng này thế nào thì mới đi lấy một thằng chồng điên chứ người bình thường ai dại gì” nhưng chị mặc kệ, chị bỏ hết ngoài tai.
Để đến bây giờ, sau gần 12 năm chung sống vợ chồng, anh chị đã có với nhau hai bé gái, đứa lớn Hiểu Ly đã 13 tuổi và đứa nhỏ tên Ngọc Anh mới hơn 1 tuổi.
Từ ngày có chị về chăm sóc, anh Đăng bớt bỏ nhà đi lung tung hơn. Ngày trước, anh có thể đi thơ tha thơ thẩn đến tận Hà Nam, Thanh Hóa… thì mấy năm nay, anh chỉ đi lang thang quanh làng rồi đến tối lại trở về nhà ngủ, dễ bảo và cũng nghe lời hơn. Cũng từ đó, người ta gọi chị là Hằng “hâm” vì lấy “thằng Đăng điên”.
Tuy một mình phải gánh vác hết thảy các công việc để nuôi hai đứa con nhỏ và một người chồng suốt ngày chỉ biết ăn rồi đi lang thang, chửi bới nhưng chị bảo chị chưa bao giờ cảm thấy hối hận về lựa chọn của mình, chưa bao giờ nghĩ đến chữ “nếu”…
Trong ngôi nhà mái ngói lụp xụp của anh chị, những thứ đáng giá nhất là chiếc ti vi 21inch được một doanh nghiệp hảo tâm tặng dịp Tết năm trước, chiếc tủ gỗ ọp ẹp mà hàng xóm không dùng đến mang sang cho, chiếc xe đạp cọc cạch chính quyền xã tặng cho hộ nghèo, vài ba cái phích nước…
Tất cả toàn là đồ xóm làng người ta không dùng mang sang cho hoặc được các doanh nghiệp, đoàn xã đem đến tặng nhân dịp nào đó.
Hàng ngày, ngoài hơn 1 sào ruộng cấy hái mỗi năm, cộng với số tiền 350.000 đồng hỗ trợ hộ nghèo mà gia đình được hưởng mỗi tháng thì chị Hằng còn phải kiếm thêm từng đồng nhờ việc nhận đổ rác cho cả xóm, nhận dọn cầu tiêu cho những gia đình nào cần…
Bây giờ, chị không đi cấy, gặt lúa thuê được nữa vì nếu chị đi thì đến bữa lấy ai lo cơm nước cho anh và các con. Họ chỉ trông chờ tất cả vào chị. Anh thì như vậy, hai đứa con, đứa bé còn nhỏ đã đành, đứa lớn trí tuệ cũng không được bình thường, chỉ biết đi chơi, chẳng biết giúp đỡ việc gì, 13 tuổi mà vẫn cứ mãi không qua nổi lớp 4.
Khi được hỏi: “Có bao giờ trong bữa ăn, trong sinh hoạt hàng ngày, anh gắp thức ăn cho chị hay thể hiện tình cảm với chị bằng hành động nào đó không?” thì chị khẽ lắc đầu.
Ngẫm ngợi một lúc, chị mới giãi bày: “Ông ấy chẳng bao giờ chăm sóc vợ, nói những lời lẽ tình cảm hay thể hiện cử chỉ yêu thương nào cả. Chỉ có một điều là ông ấy điên nhưng không bao giờ đánh vợ, điên nhưng không bao giờ đi xin ăn”.
Một điều nữa đó là, anh Đăng có thể đi lang thang suốt ngày ngoài đường, chẳng quan tâm gì đến nhà cửa, ruộng đồng nhưng nếu hễ biết vợ con đang bị ai đó đe nạt thì anh sẽ có mặt ngay để bảo vệ.
Cách anh bảo vệ vợ con mình tất nhiên cũng không bình thường. Những người đàn ông khác có thể dùng mồm miệng, tay chân để đối phó lại với những người “động” đến gia đình họ, còn anh, anh chỉ cần xuất hiện với tấm thân còm, lụ khụ lỡ mang tiếng “điên dại” của mình. Vậy là chẳng ai dám động đến vợ con anh nữa.
Thêm vào đó, tuy bình thường, anh chẳng khi nào giúp đỡ vợ làm bất kì công việc gì nhưng hễ có người lạ đến nhà chơi là anh lại tự động vào dọn dẹp nhà cửa, nhặt những vụn giấy, túi bóng… vương vãi khắp nhà để vào một góc, bật ti vi lên cho khách xem rồi lại đi biến đâu… mất hút.
Nhìn gia đình anh Đăng, chị Hằng, chúng tôi không khỏi cảm thương cho gia cảnh, số phận của họ. Nhưng trên hết, đó là sự ngưỡng mộ về tình yêu mà họ dành cho nhau, dù tình yêu đó không phải là những cử chỉ thân mật, lời nói yêu thương mà chỉ là những hành động nhỏ để thể hiện sự chăm lo, để bảo vệ cho mái ấm gia đình của mình.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%