Lá mùng 5 là lá gì? Chúng có tác dụng gì mà người người, nhà nhà đua nhau săn lùng dịp Tết Đoan Ngọ?
Thứ sáu, 07/06/2024 11:26

Theo dân gian, bất cứ loại lá nào hái đúng vào giờ Ngọ ngày 5/5 âm lịch đều được xem là lá thuốc.

Lá mùng 5 gồm những gì?

Theo dân gian, bất cứ loại lá nào hái đúng vào giờ Ngọ ngày 5/5 âm lịch đều được xem là lá thuốc. Nhưng trên thực tế, người ta chỉ quen hái một số lá nhất định ở các vùng rừng núi hoặc trồng tại nhà, đó bao gồm các loại lá như tía tô, bầu đường, rẻ quạt, ngải cứu, mã đề, đinh lăng, hóc hương, đại tướng quân, ngũ gia bì, dủ dẻ, dây chiều, lá bướm, sim, lá mơ, lá bạc thau, lá ổi, lá lốt, lá bạc hà…

Mỗi loại lá có công dụng khác nhau hoặc có thể kết hợp dùng như một bài thuốc nam, là tổng hợp các loại thảo dược đặc hữu có mùi thơm ngát, tác dụng thanh nhiệt, mát gan, bổ huyết, an thần, lợi tiểu, ăn ngon ngủ ngon...

Nhìn chung, lá mùng 5 là tổng hợp những loại lá đặc trưng phát triển mạnh vào thời điểm này và theo quan niệm dân gian chỉ có lá bán vào dịp Tết Đoan Ngọ là có khả năng như một loại thuốc hữu hiệu nhất.

la-mung-5-1-ngoisaovn-w640-h441 2

Vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch), người dân xứ Quảng lại hồ hởi cùng nhau vào rừng
hái lá uống. Đối với người dân nơi đây, mùng 5 chỉ trọn vẹn khi được tự tay hái lá uống
và được thưởng thức những ngụm nước thơm mát này

Gọi là lá mùng 5 vì chính vào dịp này, từ chợ cho đến khắp các ngả đường, dễ dàng thấy những bó lá mọi hương vị được bày bán. Nước lá mùng 5 khi đó sẽ là tổng hợp hương hoa, mùi cây lá thuốc nam, bao gồm cả vị đắng, chát, mùi thơm hòa quyện vào nhau.

Theo khảo sát của Phòng Kinh tế TP.Hội An, bộ thực vật được sử dụng làm lá mùng 5 có ít nhất 87 loài. Trong đó đã giám định được 83 loài, 4 loài chưa giám định có tên địa phương là Chè núi, Dây lăng, Dây pháo và Đột nốt.

Nhìn chung, phải là người am hiểu các loại lá cây, bài thuốc nam mới có thể đi hái, phân biệt vị, mùi thuốc chứ tay ngang không biết gì rất khó đi hái, có khi lại hái trúng lá độc.

Cách sử dụng lá mùng 5

Hái lá uống mùng 5/5 âm lịch là một nét văn hóa, truyền thống lâu đời của người dân xứ Quảng và cho đến nay, cứ đến dịp này có người trồng ở nhà rồi đem bán, nhưng nhiều nhất vẫn là hái trong tự nhiên.

Họ quan niệm rằng lá uống mùng 5 phải được tự tay đi hái vào giờ Ngọ thì mới linh nghiệm và có nhiều vị thuốc. Lá được hái, phơi vào ngày này sẽ rất thơm và mới có tác dụng chữa bệnh, nếu không cũng chỉ là một loại nước uống thông thường.

Tuy nhiên, hiện nay vì mục đích kinh doanh nên người ta không còn hái đúng ngày nữa, từ trước đó mấy ngày, vào cuối tháng 4 âm lịch, hoặc nửa tháng 4, người ta đã lên các vùng rừng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, có khi ra tận đèo Hải Vân để hái cho bằng được các loại thuốc quý này để mang đi chợ bán phục vụ nhu cầu đông đảo của người dân.

Đối với những ai làm nghề trồng lá mùng 5 tại nhà lại thường bắt đầu vào vụ gieo trồng từ đầu tháng giêng, sau đó họ chăm sóc, đến tháng 4 thu hoạch. Nguồn giống các loại cây mùng 5 này được dân làng trồng và giữ lại bao đời nay. Nghề trồng lá mùng Năm vất vả không kém trồng lúa, từ khâu trồng, làm cỏ, chăm sóc, tưới nước.

Vào ngày mồng 5/5 âm lịch, sau khi cúng xong, nhằm lúc chính Ngọ (12 giờ trưa), trộn các loại lá lại với nhau lá tỏa ra mùi thơm rất dễ chịu, vừa trộn vừa hít hà mùi thơm của lá sẽ sảng khoái vô cùng.

Tất cả loại lá được hái trong dịp này được phơi khô, bảo quản kỹ để sử dụng hằng ngày thay chè hoặc trà. Hằng ngày, nồi nước nấu từ lá mùng 5 tổng hợp hương hoa, mùi cây lá thuốc nam, bao gồm cả vị đắng, chát, ngọt hòa quyện vào nhau thơm nồng.

la-mung-5-2-ngoisaovn-w640-h430 1

Lá mùng 5 sau khi được hái về, sẽ được đem phơi khô, cho vào nhiều bao, để dành uống
đến giáp năm

Tác dụng lá mùng 5

Làm nước uống giải nhiệt

Nhờ vị trí địa lý giáp với các bìa rừng, người dân xứ Quảng dễ dàng tìm kiếm và hái được các loại cây mang vị thuốc, mang về cắt nhỏ, phơi khô, cất dùng cả năm thay các loại trà, chè. Cứ mỗi năm đến dịp Tết Đoan ngọ, họ rất chuộng dùng nước lá mùng 5.

Người dân thường sử dụng làm nước uống hằng ngày, công dụng đầu tiên là giải nhiệt, tiêu thực. Lá mùng 5 có thể để tươi nấu nước uống, nhưng ngon hơn vẫn là phơi khô, cắt nhỏ, nấu nước uống như trà.

Chữa bệnh

Lá mùng 5 là nguồn dược liệu cung cấp cho các cơ sở Đông y. Lá sau khi phơi khô, ngâm với nước chừng 3-4 phút sau đó rửa 2-3 nước nấu uống cả ngày như nước chè.

Theo dân gian, nếu phơi lá đúng vào trưa nắng của dịp Tết Đoan Ngọ thì lá sẽ có mùi thơm và phát huy công dụng chữa bệnh nhất.

Theo nghiên cứu từ Đông y, lá mùng 5 là tổng hợp từ các loại cây dân dã có tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe như:

Ngũ gia bì chữa chứng nhức mỏi, đau khớp, đau lưng,...

Lá tía tô giải cảm.

Lá ngũ gia bì chữa đau khớp, đau lưng.

Lá từ bi chữa đau lưng, phù thận, khớp.

Lá bạc thau chữa sản hậu, phụ nữ sinh con uống tốt, ăn ngủ được.

Hà thủ ô trị rụng tóc, bạc tóc...

la-mung-5-3-ngoisaovn-w640-h412 0

Nước lá mùng 5 thơm lừng mùi thuốc nam với vị ngọt, đắng, chát hòa quyện

Làm nước tắm cho trẻ

Những loại lá mùng 5 vừa mát vừa có khả năng trị ngứa cho da trẻ nhỏ, đó là lý do người ta không chỉ dùng để nấu nước uống hoặc tắm cho trẻ nhỏ, vì trong số các loại lá đó có nhiều loại lá có công dụng trị ghẻ ngứa rất hay.

Người lớn cũng có thể tắm những loại lá này giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua mầm bệnh.

Theo Thương Hiệu và Pháp Luật

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Lá mùng 5 , tác dụng của lá mùng 5 , lá mùng 5 là lá gì