Kỷ niệm ngày thầy thuốc việt nam 27/2: Lương y như từ mẫu
Thứ tư, 27/02/2013 08:37

Đánh giá lại một năm công tác, ngành y tế TP. HCM đã đạt được nhiều mặt nhưng cũng không ít tồn tại, hạn chế.

Phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Tg.Lâm

Phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính nhau tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Tg.Lâm

Tuy vậy, nhìn lại một năm công tác 2012, với tinh thần trách nhiệm “đau cùng nỗi đau người bệnh”, ngành y tế TP đã nỗ lực chăm lo sức khỏe nhân dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cơ cấu bệnh tật nhiều thay đổi, áp lực quá tải bệnh nhân tăng cao…

Từ y thuật

Dư luận y bác sĩ chưa hết bồi hồi khi nhắc lại ca phẫu thuật tách rời 2 bé sơ sinh dính liền nhau thành công ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM hồi tháng 12/2012 vừa qua. Còn đối với gia đình của 2 bé, quả là họ đang sống trong giấc mơ mà tưởng chừng như đã lụi tắt. Đó là cặp song sinh hai bé gái dính nhau phần bụng và ngực, là con của chị N.T.L., 23 tuổi (ngụ Hương Khê, Hà Tĩnh). Sau gần 9 giờ khẩn trương phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thêm một lần nữa ghi danh vào những kỳ tích nhi khoa.

Trong thư gửi khen tập thể y bác sĩ nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương sâu sắc và mong muốn phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục lập nhiều thành tích cao hơn trong công tác, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ tịch nước khẳng định thành công của Bệnh viện Nhi đồng 2 là kết quả của sự nỗ lực nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, hết lòng vì người bệnh của ê kíp bác sĩ, kỹ thuật viên. Kết quả này đã khẳng định thêm thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của hệ thống điều trị y tế Việt Nam…

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân đột quỵ tưởng chừng như nguy cơ tử vong cao, di chứng liệt toàn thân đã hồi phục trong niềm hân hoan nhờ kỹ thuật Penumbra (hút máu đông) rất hoàn hảo mà Bệnh viện Nhân dân 115 đã ứng dụng. Đây là kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới mà ngay nhiều nước trong khu vực chưa triển khai được…

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong việc triển khai và ứng dụng kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả điều trị thiết thực cho hàng trăm ngàn bệnh nhân như ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học; ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết kết hợp lấy cục huyết khối bằng dụng cụ cơ học trong điều trị đột quỵ, can thiệp mạch máu não… Nhiều kỹ thuật ngoại khoa khác như ghép tạng, ngoại thần kinh, phẫu trị ung thư cũng đã có nhiều bước tiến vượt bậc.

Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thực hiện nhiệm vụ xây dựng ngành y tế TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước, ngành đã không ngừng ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe người dân. Đó là những kỹ thuật cao trong các lĩnh vực lâm sàng, cận lâm sàng được đưa vào điều trị như: phẫu thuật tim hở phức tạp, phẫu thật tim hở cho trẻ dưới 3,5kg, ghép tạng, tái thông động mạch não bằng Actilyse đường tĩnh mạch và đường động mạch, vi phẫu u tuyến yên, nội soi cột sống trong điều trị thoát vị đĩa đệm…

Với 31 bệnh viện (10 bệnh viện đa khoa, 21 bệnh viện chuyên khoa) trực thuộc Sở Y tế, 23 bệnh viện quận-huyện và hàng chục bệnh viện, phòng khám tư nhân… TPHCM đang gánh một lượng bệnh nhân thành phố lẫn ngoại tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành ủy - HĐND và UBND TPHCM trong việc giảm tải bệnh viện, Sở Y tế đã xây dựng đề án giảm tải, chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố cử bác sĩ biệt phái hỗ trợ chuyên môn, thời gian công tác từ 1 năm trở lên tại các bệnh viện tuyến quận huyện. Thành lập phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh nhằm nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến quận huyện. Do đó, những bệnh viện vùng xa như huyện Cần Giờ nay đã làm được các kỹ thuật chuyên sâu như mổ bắt con, mổ viêm ruột thừa cấp… Nhờ đó, số bệnh nhân đến khám, điều trị ở các bệnh viện quận huyện đã tăng từ 5% năm 2011 lên 15% năm 2012.

Đến y đạo

Bên cạnh kỹ thuật, y thuật, đạo đức của người thầy thuốc cũng là vấn đề mà ngành y tế thành phố quan tâm trong nhiều năm qua. Nâng cao y thuật nhưng đồng thời cũng trui rèn y đạo là phương châm được các đơn vị y tế của thành phố hướng tới. Tại buổi giao lưu “Ngày thầy thuốc Việt Nam” do Công đoàn ngành y tế TP tổ chức mới đây, không ít bác sĩ đã bày tỏ nỗi lòng của mình.

Được hỏi có thường xuyên nhận phong bì, bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, không khỏi lúng túng nhưng khẳng khái rằng lương tâm người thầy thuốc không cho phép, nhưng đôi khi vẫn nhận những món quà nho nhỏ tỏ lòng biết ơn từ phía người bệnh dành cho ngày thầy thuốc Việt Nam. Những món quà ấy không phải tính giá trị bằng tiền, mà đó là sự cảm kích, là tấm lòng. Với cả ngàn bệnh nhi khám, điều trị mỗi ngày, BS Thủy thừa nhận áp lực rất nặng nhưng nếu không đau với nỗi đau người bệnh, không hóa thân như người mẹ hiền thì khó mà vượt qua được…

Nỗi lòng của bác sĩ Thủy cũng là nỗi lòng chung của không ít thầy thuốc khác. Họ chọn nghề nhưng nghề cũng chọn họ. Áp lực công việc, áp lực chuyên môn, áp lực quá tải và cả áp lực cuộc sống luôn vây bủa họ. Thậm chí, không ít thầy thuốc làm việc trong môi trường nguy hại, phơi nhiễm bệnh có lúc cũng nản lòng. Nhưng cảm thông với người bệnh, tình yêu nghề nghiệp đã níu kéo họ. Hộ lý Diệp Thị Lệ Thu (Khoa Nhiễm E Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - TPHCM) là một ví dụ khi 20 năm qua chị gắn bó với việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Những khi giúp bệnh nhân uống thuốc, lau rửa những vết lở loét của người bệnh, chị càng hiểu rằng, hơn bao giờ hết, họ rất cần tình yêu thương, cần sự chia sẻ. Và không thể nào khác hơn, chỉ có sự quan tâm mới giúp họ nguôi ngoai cơn đau bệnh tật lẫn tâm hồn.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM, đã thực sự cảm phục trước những chia sẻ của các thầy thuốc. Bởi họ đã chối bỏ mọi sự tính toán riêng tư, dấn thân vào phục vụ người bệnh sẽ được bệnh nhân và xã hội tôn vinh, yêu quý. Dù rằng, ở trong những hoàn cảnh nào đó, ở đâu đó, vẫn còn có những phàn nàn với người thầy thuốc. Nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ làm “rầu nồi canh”. Bởi hơn lúc nào hết, người thầy thuốc luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “… Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…”.

- Hiện bình quân ngành y tế TPHCM khám chữa bệnh cho khoảng 30 triệu lượt bệnh nhân/năm, trong đó điều trị nội trú cho hơn 1,3 triệu lượt và ngoại trú cho 3,8 triệu lượt. Năm 2012, có 4,8 triệu người có thẻ BHYT được chăm sóc sức khỏe, chiếm 60% dân số thành phố.

- Tình hình ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm. Tổng số vụ ngộ độc năm 2012 là 5 vụ (giảm 28,6% so với năm 2011) với 582 người mắc (giảm 29,4% so với năm 2011).

- Năm 2012 đã đánh dấu một bước khởi động cơ bản của khối y tế cơ sở. Các bệnh viện quận huyện được đầu tư tốt hơn, được các bệnh viện tuyến trên hướng dẫn về chuyên môn đang triển khai nhiều kỹ thuật chuyên môn, được người dân ngày càng tin tưởng như Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện quận 2, Bệnh viện huyện Cần Giờ… Nhằm tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng từng bước mạng lưới y tế cơ sở theo chuẩn quốc gia, đặc biệt quan tâm các huyện ngoại thành, Sở Y tế đang có kế hoạch tăng cường đầu tư cho các trạm y tế, bệnh viện quận huyện trong năm 2013.

SGGP

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Kỷ niệm ngày thầy thuốc , Đột quỵ , Thầy thuốc , Song sinh , Y tế , Bệnh viện Nhi đồng 2 , TP. HCM