Kinh nghiệm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở thị xã Phú Thọ
Thứ sáu, 24/02/2012 14:07

Trong khi nhiều địa phương trong tỉnh đang loay hoay với bài toán làm sao để cập đích phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012, thì thị xã Phú Thọ đã hoàn thành công tác này vào cuối năm 2011.

Điều này khẳng định sự  dám nghĩ, dám làm và quyết tâm cùng vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và người dân địa phương.

Một buổi dự giờ tại lớp mầm non 5 tuổi A Trường mầm non Phong Châu của giáo viên nhằm học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng dạy học.

Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 do Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2015 cả nước phải hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Theo quy định, tiêu chuẩn phổ cập đối với xã, phường, thị trấn: Đảm bảo các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị, đồ chơi trong các trường, lớp MN 5 tuổi; huy động 95% trở lên số trẻ em 5 tuổi ra lớp, trong đó có ít nhất 85% số trẻ trong độ tuổi được học 2 buổi/ ngày trong một năm học (9 tháng) theo chương trình GDMN mới do Bộ GD&ĐT ban hành; tỷ lệ chuyên cần của trẻ đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 10%. Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bảo đảm 90% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Thực hiện đề án, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, tháng 3-2011 Thị ủy-UBND thị xã đã xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành chương trình này vào cuối năm 2011 với các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; thực hiện chuyển đổi loại hình trường MN theo quy định của Luật giáo dục và Điều lệ trường MN hiện hành; đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, tăng cường huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên MN đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ tâm huyết với nghề nghiệp; phát triển mạng lưới, xây dựng trường, lớp MN đủ diều kiện đón nhận trẻ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; đầu tư nguồn lực để thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Sau gần 1 năm nỗ lực phấn đấu, thị xã đã có 9/10 xã, phường đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT. Các lớp mẫu giáo 5 tuổi đã được ưu tiên thiết bị dạy học, có 30/34 lớp có đủ bộ thiết bị tối thiểu  theo Thông tư 02 của Bộ GD&ĐT, đạt 88%. Có 11/11 Trường MN đã hoàn thành 8 danh mục thiết bị do giáo viên tự làm; phụ huynh mua sắm, hỗ trợ đủ 16 danh mục thiết bị  tối thiểu. UBND thị xã và các xã, phường đã mua sắm 59 danh mục thiết bị đồ dùng đồ chơi cho các lớp 5 tuổi theo quy định của Sở GD&ĐT. Các trường MN đã nối mạng Internet và sử dụng bước đầu có hiệu quả. Số lớp 5 tuổi đã bố trí đủ 2 giáo viên dạy/ lớp, trong đó có 43/68 giáo viên dạy lớp 5 tuổi trong biên chế Nhà nước. 100% GV dạy lớp 5 tuổi đã đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn chiếm 58,8%. Số trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trẻ được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Trong nhiều năm trở lại đây, các trường trên địa bàn thị xã đã thực hiện chương trình GDMN mới. Số trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non mới đạt 100%. Các trường MN có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đạt dưới 10%. 100% trẻ 5 tuổi được hưởng chế độ hỗ trợ ăn bán trú và học phí. Đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được miễn giảm học phí.

Đồng chí Đặng Văn Hương - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã cho biết: “Để đạt kết quả trong công tác phổ cập, Phòng GD-ĐT thị xã đã làm tốt công tác tham mưu Thị ủy-HĐND-UBND thị xã lãnh đạo chỉ đạo và quan tâm phát triển giáo dục MN. Cùng với đó UBND các xã, phường quy hoạch, bố trí nguồn đất, huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất cho các trường MN. Do vậy GDMN của thị xã đã phát triển một cách toàn diện, đồng bộ về quy mô trường, lớp và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Hiện nay đã có 8/11 trường MN đạt chuẩn quốc gia. Chúng tôi đã  quán triệt, triển khai tốt việc học tập các văn bản của Bộ GD&ĐT, tỉnh và thị xã cho trưởng, phó ban chỉ đạo các xã, phường và cán bộ quản lý giáo viên MN. Trong quá trình thực hiện phổ cập, có sự chung tay không chỉ của các cấp chính quyền mà còn của cả phụ huynh và các đơn vị, doanh nghiệp trong xây dựng cơ sở vật chất. Điển hình năm 2010, Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Đền Hùng đã ủng hộ xây 2 phòng học của Trường MN Trường Thịnh trị giá 800 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT còn tăng cường sự giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác phổ cập từ xã, phường, đặc biệt ở trường MN”. Cô giáo Viết Quỳnh Liên-Hiệu trưởng Trường MN Phong Châu chia sẻ kinh nghiệm: “Khi triển khai, chúng tôi đã được lãnh đạo thị xã, địa phương và phụ huynh học sinh quan tâm đầu tư về xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; cán bộ, GV nhà trường tiếp thu tốt những văn bản, công văn của Trung ương, tỉnh và địa phương; GV tích cực, nắm bắt khi đi điều tra độ tuổi...”. Cô giáo Nguyễn Thị Đông- Hiệu trưởng trường MN Thanh Vinh cho biết: “Để làm phổ cập, thì khâu điều tra phổ cập phải chính xác; Trường phải làm tốt việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền quan tâm về mọi mặt từ xây dựng cơ sở vật chất đến tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ. Trong quá trình làm phổ cập, trường tôi đã được xã đầu tư thêm 200 triệu đồng làm nhà vòm, bếp, sân và mua sắm trang thiết bị; mỗi phụ huynh ủng hộ 100.000 đồng để mua sắm thiết bị và đồ chơi và các phụ huynh còn ủng hộ 120 ngày công để tu sửa sân vườn...”.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm trường MN của thị xã đã có sự thay đổi rõ rệt. Đồng chí Đặng Văn Hương-Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã cho biết: “Trong mấy năm gần đây, các nguồn lực đầu tư cho GDMN thị xã với tổng trị giá là 40 tỷ đồng. Hiện nay, số phòng học kiên cố hóa trên địa bàn là 70 phòng, phòng cấp 4 chỉ còn 22 phòng. Năm 2010 thị xã đã đầu tư mua sắm trang thiết bị như máy tính, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cho các trường là trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2011 mua đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu trên 1,5 tỷ đồng và trang bị phần mềm cho 8 trường MN vừa được chuyển đổi thành trường công lập với số tiền 85 triệu đồng. Các xã, phường và phụ huynh học sinh đóng góp 310 triệu đồng đã góp phần quan trọng làm cho cơ sở vật chất các trường MN thêm khang trang, sạch đẹp”. Qua tìm hiểu chúng tôi còn biết trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, thị xã đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đảm bảo về số lượng cũng như chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ GV MN. Hiện nay, thị xã đã có đủ số lượng về đội ngũ với  173 người. Cán bộ quản lý đạt trình độ đạt chuẩn 100%, trong đó trên chuẩn chiếm 89,3%. GV đạt chuẩn 100%, trên chuẩn chiếm 60,67%, riêng GV dạy lớp 5 tuổi trên chuẩn chiếm 58,8%, trình độ tin học A đạt tỷ lệ 55,7%, trình độ tiếng Anh A chiếm 52,9%. Từ tháng 5-2011 đến nay, Phòng GD-ĐT thị xã đã cử 48 GV ở các trường MN đi học tin học, ngoại ngữ tại thành phố Việt Trì. Về chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên MN được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước được hưởng chế độ tiền lương từ ngân sách. Số GV hợp đồng theo quyết định 4438 của UBND tỉnh được hưởng lương từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và nguồn thu học phí, ngân sách thị xã. Đối với giáo viên hợp đồng ngắn hạn, thị xã đã cho cơ chế trường nào thiếu giáo viên thì địa phương đó có quyền kí hợp đồng và phải thực hiện lương bằng mức lương tối thiểu. Tuy nhiên số GV này vẫn được hưởng mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng.

Để tăng cường chất lượng cho công tác phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, năm 2012, thị xã phấn đấu 10 xã, phường đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và hoàn thành xây dựng Trường MN Hà Thạch. Trong năm nay, thị xã sẽ phấn đấu tuyển đủ số GV dạy lớp 5 tuổi vào biên chế, thực hiện đầy đủ chính sách đối với GV MN. Đưa tiêu chí phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào hệ thống tiêu chí, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Triển khai sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ MN 5 tuổi. Xây dựng hệ thống các điểm lẻ của trường MN đảm bảo đủ các điều kiện về GV, cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị đồ chơi cho các lớp MN, trong đó ưu tiên cho Trường MN Hà Thạch, Phú Hộ 2, Trường Thịnh…

Báo Phú Thọ
Tag: Phổ cập giáo dục mầm non , Thanh Ba , Phú thọ , Giáo dục