Trước đề xuất đổi tên đại học Quốc gia thành Viện đại học, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Đại học Quốc gia có lịch sử và thương hiệu từ lâu, không được đổi tên".
|
Chiều 22/3, thảo luận về dự Luật Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị đổi tên các ĐH, ĐH Quốc gia thành Viện đại học và không nên phân biệt như hiện nay để phù hợp với quy định Luật Giáo dục sửa đổi.
Tuy nhiên, theo ông Thi, các ĐH Quốc gia có vị thế đặc biệt và chức năng nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời giữ vai trò là đầu tàu phát triển của cả hệ thống giáo dục. Các ĐH khác là các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của từng vùng miền. Do đó, cần phân biệt các ĐH và ĐH Quốc gia để có chính sách đầu tư, cơ chế quản lý phù hợp.
Nêu ý kiến đề nghị đổi tên ĐH Quốc gia song ông Đào Trọng Thi cũng khẳng định đây là một thương hiệu lớn
Song, để tránh nhầm lẫn Ủy ban này đề nghị đổi tên ĐH, ĐH Quốc gia thành Viện đại học và Viện đại học quốc gia, đồng thời bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức mô hình này trong luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, ĐH Quốc gia đã là một thương hiệu lớn. "Xây dựng được một thương hiệu là vô cùng khó khăn. Những đại học danh tiếng của Mỹ như Havard cũng phải mất cả trăm năm xây dựng. Theo tôi, nên giữ, không cần thiết thay đổi", ông Dũng nói.
Thậm chí, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: "ĐH Quốc gia có lịch sử và thương hiệu từ lâu, không được đổi tên. Nhân đang bàn về Luật Giáo dục đại học, nên đưa vào luật để khẳng định vai trò, vị trí của các đại học này".
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "ĐH Quốc gia có lịch sử và thương hiệu từ lâu, không được đổi tên"
Nhiều ý kiến phát biểu của các Ủy ban cũng tán thành các quan điểm giữ nguyên tên ĐH Quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai còn đề nghị tăng quyền tự chủ hơn nữa cho ĐH Quốc gia để xứng đáng với vai trò đầu tàu của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Cũng trong phiên thảo luận, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề khác. Đối với việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, các Ủy viên Thường vụ đều cho rằng, đây là xu thế chung của thế giới. Phân tầng tạo ra bảng xếp hạng, là mục tiêu để các trường đại học phấn đấu.
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là xu hướng tất yếu mà thế giới đã làm. Việc này cần được thể hiện rõ trong luật nhằm quy hoạch phát triển các ĐH hàng đầu, làm trụ cột cho giáo dục đại học.
Liên quan đến quyền tự chủ của các nhà trường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chất lượng đào tạo của các nhà trường chưa đồng đều, nhiều trường chưa đạt chuẩn về đào tạo. Do đó, không thể giao ngay quyền tự chủ cho tất cả các nhà trường mà cần có lộ trình cụ thể.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?