Hai chiến công của người điệp viên Xô Viết huyền thoại
Thứ ba, 17/04/2012 16:24

Tháng 10 năm 1962 mãi mãi đi vào lịch sử của nền chính trị thế giới với biến cố gây chấn động có tên gọi là “Cuộc khủng hoảng Caribbean”. Nói đến cuộc khủng hoảng này, không thể không nhắc đến điệp viên huyền thoại Aleksandr Feklisov.

Cho tới nay, mỗi khi nhắc tới Feklisov người ta vẫn coi ông là một thiên tài của tình báo Xô Viết. Trong cả cuộc đời hoạt động, ông đã nhiều lần thay tên đổi họ, nhưng 2 biệt danh nổi tiếng nhất của ông là “Kalistrat” và “Fomin”.

Bản thân Aleksandr Feklisov cũng như các nhà báo viết về ông đều nhấn mạnh đến 2 chiến dịch thành công mỹ mãn trong sự nghiệp tình báo rực rỡ và đã khiến ông đi vào lịch sử. Chiến dịch thứ nhất gắn liền với việc thu thập thông tin về bom nguyên tử và khinh khí mà Anh và Mỹ đã tích cực nghiên cứu ngay trước và sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Feklisov đến New York vào năm 1941 và hoạt động trong mạng lưới tình báo Xô Viết ở Mỹ cho đến năm 1946. Trong khoảng thời gian này, ông đã thực hiện thành công một loạt nhiệm vụ quan trọng nhằm thu thập những thông tin mật về khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực như điện tử, định vị vô tuyến, máy bay phản lực và đặc biệt là năng lượng hạt nhân.

Ông có điệp viên của mình trong ban lãnh đạo các công ty “General Electric” và “Western Electric”, thiết lập quan hệ với chuyên gia vô tuyến nổi tiếng Julius Rosenberg và được Rosenberg cung cấp bản vẽ những thiết bị hạt nhân mới nhất.

Sau khi trở về nước hơn một năm, đến năm 1947 ông được cử sang London với tư cách phó chỉ huy mạng lưới tình báo Xô Viết ở Anh. Tại London, Feklisov thiết lập được mối quan hệ với nhà vật lý lỗi lạc Klaus Fuchs vừa từ Mỹ trở về. Fuchs đã từng làm việc tại Trung tâm Hạt nhân ở Los Angeles và đồng thời là trưởng ban trong một Trung tâm tương tự ở Anh.

Fuchs thông báo cho Feklisov biết một tin cực kỳ quan trọng: các đồng nghiệp Mỹ của ông ở trường Đại học Chicago đã bắt tay vào việc chế tạo bom khinh khí, và ông cũng không quên giải thích cho Feklisov nắm được những nguyên tắc cấu tạo loại bom khủng khiếp này.

Tiếp đó, Fuchs chuyển cho Feklisov nhiều tài liệu chi tiết về đề tài hạt nhân, kể cả những tài liệu về cấu tạo bom khinh khí mà các nhà khoa học Mỹ và Anh đang khẩn trương nghiên cứu.

Theo nhận định của Viện sĩ Igor Kurchatov, “người cha” của bom nguyên tử Xô Viết, những thông tin do Feklisov thu thập được đã làm giảm đáng kể thời gian Liên Xô chế tạo được bom nguyên tử và giúp Liên Xô đi trước được Anh và Mỹ trong việc chế tạo bom khinh khí.

Còn về phần Fuchs, vì “tội” cung cấp cho Liên Xô những thông tin cực kỳ quý giá về bom hạt nhân, năm 1950 ông bị kết án 14 năm tù và sau 9 năm ngồi tù, ông chuyển đến CHDC Đức, trở thành một trong những nhà vật lý hạt nhân hàng đầu ở châu Âu.

Chiến dịch thành công mỹ mãn thứ hai của Aleksandr Feklisov là việc ông tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Caribbean năm 1962. Feklisov được cử sang Mỹ sau hành động lịch sử (gõ giầy ngay tại diễn đàn LHQ) của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushev. Để có điều kiện thuận lợi cho hoạt động tình báo tại Mỹ, Feklisov mang “vỏ bọc” cố vấn Sứ quán Xô viết tại Washington và đổi tên thành Fomin.

Chính Feklisov đã chuyển về Moskva thông tin tuyệt mật về phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới sự chủ trì của đích thân Tổng thống John Kennedy.

Aleksandr Feklisov

Một hôm sau phiên họp này, Mỹ tuyên bố về việc Liên Xô cung cấp tên lửa cho Cuba, coi đó là hành động đe doạ đến nền an ninh nước Mỹ và đồng thời tuyên bố phong tỏa Cuba - mở đầu cho cuộc khủng hoảng Caribbean. Sau đó, thông qua Feklisov, Tổng thống Mỹ Kennedy và nhà lãnh đạo Xô Viết Khrushev đã tiến hành thương lượng gián tiếp với nhau.

Tham gia cuộc thương lượng này về phía Mỹ là John Scaley, bình luận viên chính trị của Hãng thông tấn ABC, đồng thời là một nhân vật gần gụi với gia đình Kennedy. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Scaley và “Fomin” diễn ra tại Washington. Hai bên còn gặp nhau một vài lần nữa và cuối cùng mọi việc đã được giải quyết.

Khrushev chuyển cho Kennedy đề nghị rút tên lửa Xô Viết khỏi Cuba và ngay lập tức nó được Scaley chuyển tới Kennedy. Đổi lại, Mỹ cam kết không xây dựng căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia giáp giới với Liên Xô, cũng như không tiến hành xâm lược nước Cuba Xã hội chủ nghĩa. Cuộc khủng hoảng Caribbean như vậy là đã được tháo gỡ.

Mặc dù đã hoạt động 35 năm trong ngành tình báo (kể từ năm 1939 cho đến khi về hưu) và được coi là một tình báo viên vĩ đại nhưng Feklisov luôn luôn “ẩn mình trong bóng tối”. Những chi tiết trong hoạt động tình báo của ông được đông đảo dư luận biết đến chủ yếu nhờ những cuốn sách của ông, hơn nữa, những cuốn sách này mãi gần đây mới ra mắt bạn đọc.

Năm 1994, ông cho xuất bản cuốn tiểu sử tự thuật “Bên kia đại dương và trên đảo quốc. Ghi chép của người điệp viên”, trong đó ông kể về hoạt động của mình tại Anh và Mỹ trong khoảng thời gian từ những năm 40 đến những năm 60.

Tiếp đó, vào năm 1999, ông cho xuất bản cuốn “Lời thừa nhận của một điệp viên”, trong đó ông hé mở tấm màn bí mật chung quanh việc Liên Xô chế tạo bom nguyên tử, miêu tả vụ án Rosenberg và việc giải quyết cuộc khủng hoảng Caribbean.

Việt Báo
Tag: Nga , Liên bang Xô Viết , Cơ quan tình báo , Aleksandr Feklisov , Điệp viên tình báo