Hà Tĩnh: Tan hoang rừng vành đai biên giới

Chỉ sau 3 ngày tiến hành thu gom, lực lượng bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã thu được trên 250 m3 gỗ lậu do lâm tặc khai thác tại rừng vành đai biên giới Việt - Lào thuộc địa phận xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn.

Chủ rừng là ai?

Số gỗ bị khai thác trên là ở các tiểu khu 2, 12, 21, 22 thuộc rừng khe Sinh, ranh giới rừng vành đai địa phận xã Sơn Hồng với nước bạn Lào. Và toàn bộ các tiểu khu này đều do Cty TNHHMTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý.

Theo chân lực lượng bộ đội Biên phòng vào thu gom gỗ chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng gỗ lậu bị khai thác tràn lan và nằm la liệt khắp nơi với đủ loại, từ gỗ tròn, gỗ phiến đến cả những loại gỗ đã bị xẻ ra thành miếng mỏng. Hầu hết số gỗ này thuộc các nhóm 2, 4, 5 và nhóm 6, gồm táu, sến, de…trong đó loại gỗ táu là nhiều nhất.

Các loại gỗ phiến thường có vuông rộng từ 40 - 50cm, dài 3 - 4 mét; gỗ tròn do lâm tặc chưa kịp xẻ ra nên rất dài, có cây lên cả chục mét.

Số gỗ được lực lượng biên phòng thu về

Bên cạnh số gỗ bị khai thác từ lâu và đã xẻ ra thành phiến là số gỗ tròn mới khai thác đang còn tươi. Mặc dù khai thác từ lâu, trải qua mưa nắng nhưng do là những loại gỗ tốt nên không hề bị mục nát.

Để vào khai thác được số gỗ này lâm tặc đã tự mở ra rất nhiều con đường để đến các tiểu khu. Và để vận chuyển được số đó qua những cánh rừng đầy khe suối, đội quân khai thác này đã dùng gỗ lót vào lòng khe để hình thành đường.

Từ trạm gác khe Sinh đến điểm thu gom mà chúng tôi tiếp cận được tính sơ qua đã có tới 7 con đường như thế. Tuy nhiên, điểm thu gom mà chúng tôi tiếp cận được chưa phải là điểm cuối cùng.

Khi chúng tôi hỏi có tất cả bao nhiêu điểm thu gom như thế này thì một người cho biết là khoảng vài chục điểm. Tuy nhiên, để thu gom có hiệu quả anh em phải tập trung tiến hành xong từng điểm một.

Nhìn xung quanh những cây cổ thụ bị lâm tặc đốn ngã là hàng loạt những cây con bị gãy theo. Từ đó cho chúng ta thấy rằng mức độ tàn sát rừng đầu nguồn nơi đây kinh khủng đến mức nào.

Ai đã phá rừng?

Được biết, số gỗ trên được Cty TNHHMTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn phát hiện vào hồi tháng 7/ 2011. Ngay khi phát hiện Cty đã lập biên bản và báo cáo với chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh.

Sau khi đã báo cáo với chi cục kiểm lâm, Cty TNHHMTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đã thuê Doanh nghiệp tư nhân Quang Huy, do ông Lê Đức Toàn, trú tại xóm 9 xã Sơn Lĩnh làm giám đốc vận chuyển số gỗ này ra khỏi rừng.

Để vận chuyển số gỗ trên ông Toàn đã cho dựng tới 4 - 5 lán tại khu vực bị khai thác và huy động nhiều người và hàng chục con trâu để kéo gỗ. Được biết, số gỗ mà ông Toàn đã kéo ra khỏi rừng đã lên tới 98m3. Số gỗ này hiện đang được tập kết ở trạm kiểm lâm Sơn Lĩnh và Hạt kiểm lâm Hương Sơn.

Một vấn đề nữa là lợi dụng việc Cty TNHHMTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn thuê tải gỗ ra khỏi rừng đơn vị được thuê đã triệt tiêu thêm một số diện tích. Rất may sự việc này đã được bộ đội Biên phòng phát hiện và kịp thời ngăn chặn.

Khi chúng tôi hỏi một vị lãnh đạo xã Sơn Hồng là số gỗ trên được khai thác trong thời gian nào, người dân khai thác hay đầu nậu gỗ khai thác thì người này cho biết: "Số gỗ khai thác trái phép đó là được thực hiện vào khoảng đầu năm 2011. Còn đối tượng khai thác thì rừng đó của công ty lâm nghiệp , họ không khai thác thì ai vào đó mà khai thác được. Người dân muốn vào đến đó phải qua bao nhiêu trạm cho nên không thể làm được".

Được biết Sơn Hồng là điểm nóng về nạn phá rừng ở Hà Tĩnh.

Sau đây là một số hình ảnh do PV ghi lại từ hiện trường vụ tàn sát rừng đầu nguồn.



Gỗ được tập kết cạnh bờ suốt để đưa về xuôi

Những con đường khá lớn xuyên rừng đã được hình thành để vận chuyển gỗ

Rất nhiều gỗ lậu được cất giấu ở trong rừng được cơ quan chức năng phát hiện

Lán trại của lâm tặc để lại sau khi đã hoàn tất "công việc" phá rừng