Đón Tết Trung thu trên toàn thế giới
Thứ ba, 17/09/2013 07:44

Trong ngày lễ Trung thu, trăng luôn tròn và sáng nhất trong năm. Các bậc cha mẹ treo đèn kết hoa cho bọn trẻ như một biểu tượng của sự khai hóa.

Bánh trung thu hình tròn, biểu hiện cho sự no đủ

Bánh trung thu hình tròn, biểu hiện cho sự no đủ

Đối với người Trung Quốc, Tết Trung thu xuất hiện từ cách đây 3.000 năm và được tổ chức vào ngày 15 của tháng 8 âm lịch. Vào cuối mùa thu hoạch, các gia đình mừng được mùa với một bữa ăn lớn gồm bánh trung thu nhân đậu đỏ hoặc hạt sen.

Hầu hết các câu chuyện giải thích nguồn gốc của Tết Trung thu đều có liên quan tới truyền thuyết về nàng Hằng Nga sống trên cung trăng cùng với Thỏ ngọc. Truyền thuyết kể rằng, Hằng Nga là vợ của chàng thiện xạ Hậu Nghệ. Một ngày nọ, có 10 mặt trời cùng mọc trên bầu trời, gây ra thiên tai cho con người. Hậu Nghệ lấy cung bắn hạ 9 mặt trời và chỉ để lại một để mang lại ánh sáng. Thiên đình ngưỡng mộ tài năng của Hậu Nghệ và muốn mời chàng đến cõi tiên.

Một nữ nghệ sĩ Trung Quốc vào vai Hằng Nga trong một buổi diễn kịch

Hậu Nghệ không muốn rời bỏ Hằng Nga để sống cuộc sống bất tử một mình, nên chàng để vợ giữ lấy thuốc tiên. Một học trò của Hậu Nghệ biết được bí mật ấy, và vì ghen tức với tài năng của chủ, hắn đợi đến ngày thứ 15 của tháng 8 để xông vào nhà Hậu Nghệ. Nhân lúc Hậu Nghệ đi vắng, hắn đòi Hằng Nga phải đưa thuốc tiên cho hắn, nhưng Hằng Nga từ chối. Nàng nuốt lấy thuốc vào trong người rồi bay lên trời. Vì thương chồng, Hằng Nga chọn cung trăng làm nơi ở để được nhìn thấy Hậu Nghệ.

Khi Hậu Nghệ biết chuyện, chàng vô cùng thương xót và buồn bã. Chàng mang những thứ bánh trái mà Hằng Nga thích đặt ở sân vườn nhà để cúng tế cho Hằng Nga. Mọi người sớm biết được hành động ấy, và vì cũng thương tiếc nàng Hằng Nga, họ cùng tham gia vào việc cúng tế với Hậu Nghệ.

Trong ngày lễ Trung thu, trăng luôn tròn và sáng nhất trong năm. Các bậc cha mẹ treo đèn kết hoa cho bọn trẻ như một biểu tượng của sự khai hóa. Người ta nói rằng đèn trung thu được làm lần đầu tiên vào đời nhà Đường để tượng trưng cho sự bội thu mùa màng và làm đồ chơi. Trước khi nó trở thành đèn ông sao như ngày nay, người ta dùng những nhân vật thần thoại, những loài vật hay biểu tượng của văn hóa địa phương để trang trí lên đèn.

Bánh trung thu là một trong những biểu tượng đặc trưng của Tết trung thu. Chiếc bánh hình tròn đại diện cho sự no đủ và đoàn kết của gia đình. Có rất nhiều cách giải thích về nguồn gốc của bánh trung thu, một trong số đó cho rằng hoàng đế Đường Thái Tông đã được tặng một chiếc bánh trung thu làm quà mừng ông đánh thắng giặc Hung Nô. Hôm đó là ngày rằm tháng 8, và Thái Tông đã chỉ tay lên mặt trăng mà nói rằng ông muốn cùng các quần thần ăn bánh đêm nay. Tục lệ từ đấy phát triển với người Trung Quốc.

Ở một số nơi tại Trung Quốc, ngoài việc treo đèn kết hoa và làm bánh, những người Hàn thiểu số ở vùng núi Trường Bạch (giáp ranh biên giới Bắc Triều Tiên) còn làm những ngôi nhà làm từ gỗ thông và gọi đó là “ngôi nhà mặt trăng”. Người Thổ ở Cam Túc đặt một chậu nước sạch ở sân nhà để mặt nước phản chiếu ánh trăng, và sau đó họ dùng cành cây đánh vào mặt nước trong đêm Trung thu.

Tết trung thu được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các cộng đồng người Hoa và người Việt sinh sống tại hải ngoại. Ở Việt Nam, Tết trung thu được giành cho trẻ em là chủ yếu bởi theo quan niệm của người Việt, những đứa trẻ ngây thơ thuần khiết có sự liên kết gần nhất với thế giới tâm linh. Do vậy tổ chức tết cho trẻ em cũng là cách để tiếp xúc với những người đã khuất và các bậc thần thánh.

Ở Philippines, những người gốc Hoa làm bánh trung thu rồi chia sẻ cho tất cả thân quyến, bạn bè và hàng xóm, dù là người gốc Hoa hay không. Họ còn tham gia vào một trò chơi có tên là Xúc xắc trung thu.

Ở Đài Loan, ngày tổ chức đêm rằm trung thu là ngày nghỉ lễ. Toàn dân tổ chức đón trung thu bằng các hoạt động nấu nướng ngoài trời. Thành phố Đài Bắc hiện có tới 11 công viên nằm bên cạnh sông hồ để phục vụ nhu cầu tổ chức trung thu của các gia đình, tại đây họ có thể nấu nướng, ăn uống và các gia đình có thể làm quen, chúc tụng nhau.

Rực rỡ khu Chinatown ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ

Tại các quốc gia khác, các khu phố Tàu (Chinatown) luôn chuẩn bị một cách hết sức công phu cho hoạt động Trung thu hàng năm. Ngoài những hoạt động của các gia đình, người Hoa còn tổ chức các đêm diễn kịch trong các nhà hát truyền thống, và toàn bộ khu phố được trang hoàng rực rỡ bởi đủ các loại đèn. Ở khu Chinatown của Los Angeles, các sự kiện trong đêm Trung thu được phục vụ cho tất cả mọi người không kể người Hoa hay dân tộc khác, và tất cả đều miễn phí.

Ngoisao.net

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Bánh trung thu , Tết Trung thu 2013 , Phong tục Trung thu , Du lịch nước ngoài