Doanh nghiệp bất động sản được cứu?
Thứ hai, 14/05/2012 16:31

Gần 1 năm nay, những cụm từ doanh nghiệp (DN) phá sản hay chết lâm sàng,...đã được giới truyền thông nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, với những động thái hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, nhiều ý kiến cho rằng tình hình các DN sẽ khả quan hơn.

Ngập trong nợ nần

Năm 2011 được đánh giá là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của các DN bất động sản khi nhiều DN ngập trong nợ nần.

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản, tổng vay nợ của các DN BĐS đang ở mức 200.000 tỷ đồng (nợ xấu khoảng hơn 8.000 tỷ đồng). Trong khi đó, báo cáo tài chính cho thấy lượng tiền mặt của đa số các DN đang ở tình trạng cạn kiệt.

Những món nợ loại khủng từ vài chục, vài trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng của các DN đã liên tiếp được công bố. Như CTCP Hoàng Anh Gia Lai nợ 2.900 tỷ đồng, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam nợ 1.756 tỷ đồng, CTCP Tập Đoàn Hòa Phát nợ 1.064 tỷ đồng...

Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ DN bị dồn vào thế đường cùng là do DN không tự lượng sức mình, đầu tư dàn trải quá nhiều dự án. Tiền thì không phải là DN không có nhưng tất cả hiện giờ đang nằm trong đất, muốn có tiền DN buộc phải chờ đợi. Chờ thị trường tốt lên, thanh khoản cải thiện mới có thể bán được dự án, bán được nhà thu được tiền của khách hàng rồi dự án mới tiếp tục được triển khai.

Thiếu vốn nhiều dự án buộc phải dừng triển khai

Đã có thuốc trợ lực

Trước thực trạng này của DN, mới đây, Chính phủ đồng ý giảm 50% tiền thuê đất, dãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng cho một số dự án có khó khăn… Được xem như liều thuốc trợ lực cho các DN bất động sản.

Nghị quyết 13/NQ – CP vừa được ký ban hành ngày 10/5, trong đó Chính phủ chấp thuận giảm 50% tiền thuê đất đối với DN sản xuất, thương mại, dịch vụ. Thêm vào đó, Chính phủ gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn về tài chính.

Theo Nghị quyết 14/2011/QH13 ngày 10/11/2011 về dự toán ngân sách 2012 thì số thu tiền sử dụng đất được dự toán là 37.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cụ thể DN nào được dãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, dãn trong vòng bao lâu và với số tiền bao nhiêu thì tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà UBND các địa phương sẽ báo cáo hội đồng nhân dân để thực hiện. Như vậy, mức độ dãn cụ thể bao nhiêu còn tùy vào khả năng cân đối ngân sách của các địa phương và độ khó khăn cụ thể của từng dự án.

Tuy nhiên, đây cũng được xem là một tin vui đối với DN kinh doanh bất động sản

Gần 1 năm nay thị trường bất động sản đóng băng, DN lâm vào tình cảnh thiếu vốn, áp lực trả lãi vay ngân hàng, nộp thuế.., đã khiến nhiều DN kiệt sức. Việc Chính phủ cho phép dãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất đã tháo gỡ phần nào gánh nặng cho DN. Thông thường, tiền sử dụng đất tại nhiều dự án chiếm khá nhiều khoảng 20-30% chi phí giá thành. Nhiều dự án chỉ tính riêng tiền sử dụng đất đã lên đến mấy trăm tỷ đồng. Nếu DN oằn lưng đi vay ngân hàng thì không biết bao giờ mới trả hết được” - giám đốc một DN BĐS lớn cho biết

Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Tổng giám đốc công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây, nếu đề xuất giãn tiền sử dụng đất được thông qua thì DN bất động sản sẽ được hưởng lợi. Thay vì phải vay tiền ngân hàng để nộp tiền sử dụng đất DN có thể sử dụng đầu tư xây dựng công trình. Khi dự án hoàn thành, DN bán được hàng. Có tiền DN tiếp tục nộp tiền thuế cho nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để vực dậy thị trường bất động sản như hạ lãi suất trần huy động lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, xuống 12%/năm, mở rộng tín dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản... Thêm vào đó, Chính phủ vừa thông qua gói giải pháp hỗ trợ cho DN. Đây sẽ là một cú hích cho thị trường bất động sản. Bởi vấn đề lớn nhất của các DN hiện nay là nguồn vốn, vì thiếu vốn nên DN không thể triển khai các dự án theo kịp tiến độ.

VnMedia
Tag: Doanh nghiệp bất động sản , Bất động sản 2012 , Công Ty CP Hoàng Anh Gia Lai , Nhà đất