Djokovic: Khi niềm tin là nền tảng

Khi đã đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới, trình độ kỹ thuật của các tay vợt thuộc nhóm này được xem là ngang ngửa nhau. Điều khác biệt ở đây, thoạt nhìn tưởng nhỏ, chính là sự tự tin được thể hiện trong mọi hoàn cảnh.

Khi rũ bỏ được sự dao động về tâm lý, một tay vợt có thể thực hiện được những cú đánh theo đúng ý muốn chứ không còn mắc phải những sai sót mà người ta gọi là ngớ ngẩn nữa. Đó là lý do đem lại những thành công lớn cho 2 tay vợt số 1 TG hiện nay. Trước khi đánh giá về Azarenka, chúng ta cùng xem yếu tố trên đã được Djokovic thể hiện như thế nào.

Luôn lạc quan

Ngay trước thềm Giải Úc mở rộng năm nay, báo giới đã liên tục hỏi đi hỏi lại Djokovic về việc anh có nghĩ mình sẽ trở thành tay vợt đầu tiên kể từ năm 1969 thâu tóm trọn bộ Grand Slam trong cùng một năm. Và dù trong bất cứ tình huống nào, tay vợt người Serbia cũng chỉ đưa ra câu trả lời duy nhất: “Tôi phải tin rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra”. Đến cuối tháng Giêng, chuyện mà Djokovic tin tưởng đã được chứng minh và phía trước anh còn 3 Grand Slam nữa.

Novak Djokovic (trái) và Rafael Nadal

Hai tuần sau khi bảo vệ thành công chức vô địch ở Giải Úc mở rộng, khi đến London nhận giải dành cho VĐV xuất sắc nhất năm, Djokovic lại nhận thêm một câu hỏi mới: anh có nghĩ mình sẽ lập được kỳ tích đoạt Golden Slam (4 danh hiệu Grand Slam và vô địch Olympic) như điều mà Steffi Graf đã làm được vào năm 1988? Cũng như trước, tay vợt người Serbia vẫn giữ vững quan điểm khi đưa ra câu trả lời: “Tôi nghĩ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi phải giữ được sự lạc quan, phải tin vào những điều mình làm, tin vào năng lực của mình, tin vào việc tôi có thể chiến thắng trên bất kỳ mặt sân nào”.

Khi nghe Djokovic tuyên bố như thế, người ta mới nhớ lại là ngay từ khi mới bắt đầu chơi môn thể thao này, tay vợt người Serbia đã khẳng khái nói rằng anh muốn có ngày sẽ trở thành tay vợt số 1 TG. Và dù thời gian có lâu hơn Djokovic dự tính nhưng cuối cùng, niềm tin ấy đã trở thành sự thật.

Trái ngược với Nadal

Dĩ nhiên, để đoạt trọn bộ danh hiệu Grand Slam trong năm (hoặc Golden Slam) là nhiệm vụ cực kỳ nan giải, nhưng ít ra niềm tin vào bản thân cũng đã giúp Djokovic gặt hái những thành công vang dội trong suốt hơn một năm qua. Từ thế Nadal vừa trải qua một mùa giải 2010 thành công rực rỡ và ít nhiều chiếm thế khuynh đảo, Djokovic đã xoay chuyển cả bàn cờ và giới chuyên môn đều cho rằng sở dĩ anh làm được điều đó vì hơn đứt Nadal ở yếu tố tự tin.

Không ít người khen ngợi đức tính khiêm tốn của Nadal, nhưng có điều cần phải khẳng định rõ: không phải lúc nào khiêm tốn cũng là điều tốt và khiêm tốn quá thành ra nhún nhường, tự ty. Nói một cách cụ thể hơn, bản tính của Nadal là lúc nào anh cũng bảo vệ mình để tránh rơi vào sự tự tin quá mức. Vấn đề ở đây là tự tin quá mức khác hẳn với kiêu ngạo, tự tin quá mức chứng tỏ bạn tin rằng bản thân mình có thể làm nên những điều không tưởng. Còn như sự thể hiện của Nadal thì chẳng khác nào anh tự giải thoát mình ra khỏi cuộc tranh đua bằng cách chấp nhận là người thua trận.

Djokovic thì trái ngược hẳn: anh luôn tin một suy nghĩ tích cực, bất kể nó có hoàn toàn thực tế hay không, là cách duy nhất để anh tạo ra một hiện thực lạc quan. Nếu như không có được sự tự tin quá mức, làm sao Djokovic có thể đánh bại Nadal trong 7 trận chung kết liên tiếp khi mà trước đó, anh luôn hứng chịu thất bại khi đối đầu với tạy vợt này ở các trận chung kết!