Định điểm sàn thế nào cho đủ người học?
Thứ ba, 06/08/2013 08:28

Thời điểm này, điều quan tâm nhất của các nhà tuyển sinh là Bộ GD&ĐT, Hội đồng điểm sàn quốc gia làm thế nào để tính điểm sàn thực tế nhất...

Thi Đại học năm 2013. (Ảnh minh họa)

Thi Đại học năm 2013. (Ảnh minh họa)

Còn bi đát hơn

Đầu mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã tung ra hai phương án tính điểm sàn (ĐS) 2013 trên nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng cũng đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.

Phương án 1: ĐS sẽ là điểm trung bình của tất cả các thí sinh theo khối thi.

Phương án 2: ĐS sẽ lấy mức điểm mà nhiều thí sinh đạt được nhất. Hai phương án này được cho là đã có sự thay đổi so với cách tính trước đây, không còn xác định điểm sàn “cứng” 13, 14 hay 15 như mọi năm mà chỉ là mức điểm tương đối để đảm bảo thí sinh có đủ năng lực có thể vào học.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Tấn Lực, nguyên Hiệu trưởng ĐH Tiền Giang, năm nay Bộ GD&ĐT còn “khó xử” hơn với ĐS, vì năm rồi có nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Một nhà tuyển sinh khác ở khu vực phía Nam không khỏi thất vọng khi than: Bộ GD&ĐT cấp quá nhiều chỉ tiêu đào tạo cho các trường!

Ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH quốc tế Bắc Hà nói: Năm ngoái, khi công bố số liệu mới thấy Bộ GD&ĐT tính điểm sàn không chính xác (điểm sàn cao hơn điểm trung bình của thí sinh 2 điểm), khiến cả nước thiếu 100.000 chỉ tiêu cho nguồn tuyển. Thêm vào đó, Bộ GD&ĐT đã không khống chế được số lượng tuyển sinh của các trường. Năm nay, khi định điểm sàn, Bộ cần tính toán cẩn trọng và không nên để cao quá.

Còn ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT vẽ ra bức tranh về nguồn tuyển sinh năm 2013: Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT chỉ có hơn 800.000 thí sinh, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2013 đã là hơn 600.000, chưa tính hệ cao đẳng nghề và hệ vừa học vừa làm. Nếu tất cả 800.000 học sinh THPT trên đều vượt điểm sàn thì gần như bao nhiêu học sinh tốt nghiệp là có bấy nhiêu chỗ học. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một số lượng nhất định trong 800.000 thí sinh vượt điểm sàn.

Có cần điểm sàn hay không?

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long cho rằng, nhìn chung, về lâu dài không nên xác định điểm sàn. Điểm sàn nhằm mục đích gì, bao nhiêu chương trình quốc tế ở Việt Nam có cần điểm sàn đâu, học sinh vẫn vào, vẫn học… Ý kiến này được hầu hết lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập (NCL) nêu ra nhiều lần. Bỏ điểm sàn, theo họ, là chìa khóa để giải quyết khó khăn tuyển sinh đầu vào của khối NCL và những trường khó tuyển.

Ngược lại, ông Trần Quang Bảo, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai, giữ quan điểm: Thi chung phải có một mức ĐS chung, giống như đa số các trường ĐH công lập (CL). Ông Lê Trường Tùng cũng khẳng định: Điểm sàn là thước đo chất lượng nên cần phải duy trì.
Bỏ điểm sàn, theo một số chuyên gia tuyển sinh, là chìa khóa để giải quyết khó khăn tuyển sinh đầu vào của khối NCL và những trường khó tuyển.

Theo ông Phan Huy Phú, sở dĩ năm 2012 xảy ra tình trạng nhiều trường không tuyển đủ người học là do trong tính toán của Bộ GD&ĐT về nguồn tuyển hình như có chỗ nào đó có số thí sinh đạt điểm sàn không bằng tổng chỉ tiêu.

Vì vậy, trong lần tính điểm sàn mới này, ông Huy Phú đề nghị, Bộ GD&ĐT phải cẩn trọng xác định đúng số lượng vượt điểm sàn từ 130% trở lên để các trường có đủ nguồn tuyển. Đối với khối B, lượng thí sinh ảo rất lớn (do số thí sinh thi khối A đi thi thêm khối B và khi trúng tuyển thí sinh chỉ chọn khối A để học nên khi xác định chỉ tiêu khối này phải có cách tính để trừ hao số thí sinh ảo quá lớn).

Thí sinh theo dõi điểm thi các môn trong Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 tại diemthi.xahoi.com.vnxahoi.com.vn.

 

24h.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Thi đại học , Cao đẳng , Điểm thi , Dự kiến điểm chuẩn , Điểm sàn tuyển sinh , Bộ GD -ĐT