Cựu đại tá Dương Tự Trọng: “Hùm thiêng” khi đã sa cơ cũng hèn!?
Thứ bảy, 11/01/2014 09:46

Vụ án Dương Tự Trọng bị đưa ra xét xử về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài là một minh chứng sống động cho sự sa cơ của những “hùm thiêng” trong ngành công an.

Vì thương anh trai, Dương Tự Trọng đã kéo theo một số chiến sỹ công an phạm tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.

Vì thương anh trai, Dương Tự Trọng đã kéo theo một số chiến sỹ công an phạm tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lực lượng công an được xem là lực lượng chủ chốt, ngăn chặn và triệt tiêu có hiệu quả hành vi phạm pháp của các loại tội phạm phát sinh từ mặt trái của xã hội. Nhưng rồi, như người đời thường nói: “Dao sắc không gọt được chuôi”, có không ít chiến sỹ công an đạt tới đỉnh cao vinh quang trong sự nghiệp, vì một phút thiếu bản lĩnh nghề nghiệp đã rơi vào vòng xoáy “tình, tiền, tù, tội”. 

Dương Chí Dũng đã khiến hàng loạt chiến sỹ công an phạm tội vì một chữ “tình”?

Mấy ngày qua, cái lạnh của những ngày giáp Tết tại Thủ đô Hà Nội như bị đẩy lùi bởi sức nóng của vụ án Dương Tự Trọng bung ra. Lúc còn đương chức Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng- Thủ trưởng cơ quan CSĐT thành phố Hoa phượng đỏ, Đại tá Dương Tự Trọng được xem là một “nắm đấm thép” trong ngành công an về đấu tranh, phòng chống tội phạm. Noi gương bố (cán bộ cấp cao trong ngành công an, từng giữ chức Giám đốc công an TP.Hải Phòng), Dương Tự Trọng liên tục đạt được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp, mà đỉnh cao là chức Phó Cục trưởng cục Quản lý hành chính (bộ Công an).

Thế nhưng, niềm vui của con người này chẳng tày gang khi anh trai Dương Chí Dũng(nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) dính vào đại án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng... Với cương vị một Thủ trưởng cơ quan CSĐT, lẽ ra Dương Tự Trọng phải khuyên anh mình ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông này lại tổ chức cho anh trai bỏ trốn ra nước ngoài (đích đến là nước Mỹ xa xôi). Tệ hại hơn, khi ấy, Đại tá Trọng còn lôi kéo 3 thuộc cấp của mình là Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ phòng CSĐT các tội phạm về môi trường công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ phòng CSĐT về trật tự xã hội công an Hải Phòng) và 3 người bạn thân quen gồm: Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng), Trần Văn Dũng tức Dũng “Bắc Kạn” (46 tuổi, giang hồ đất Cảng), Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ cục Hải quan Hải Phòng) vào vòng lao lý.

Một bất ngờ lớn xảy ra trong phiên toà xét xử Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm khi Dương Chí Dũng (mới bị tuyên án tử hình) trong vai trò nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã tiết lộ danh tính một “ông anh” cấp cao trong bộ Công an mật báo thông tin liên quan đến sai phạm tại Vinalines và khuyên Dũng “tạm lánh đi đâu đó một thời gian”...?! Ngoài ra, Dũng còn khai đã đưa rất nhiều tiền cho “ông anh” này để nhờ che chở...?!

Còn nhớ tại phiên toà xét xử Dương Chí Dũng cách đây không lâu, Dũng nhất quyết không khai tên “ông anh” này. Bây giờ, dự phiên tòa xét xử chính em trai mình, Dũng mới “quyết định” “nói ra tất cả sự thật”, kể cả chuyện mình đưa tiền tỷ cho “ông anh” để lo lót công việc ra sao. Dũng kể trôi chảy trước tòa khiến nhiều người giật mình thon thót. Tuy nhiên, đây chỉ là lời khai một phía, không có chứng cứ xác đáng và chưa được cơ quan chức năng thẩm định?!

Trả lời trên báo chí, vị lãnh đạo cấp cao trong bộ Công an mà Dương Chí Dũng tiết lộ danh tính đã phủ nhận lời khai nói trên của Dũng. Vị này cho rằng mình không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng và cơ quan điều tra phải làm rõ việc này.

Trước thông tin Dương Chí Dũng đưa ra trước công đường, đại diện VKSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố đề nghị HĐXX xem xét vì có dấu hiệu của tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 286 Bộ luật Hình sự.

Xét lời khai của Dương Chí Dũng về các tình tiết liên quan đến vụ án này, HĐXX cho rằng, cần làm rõ lời khai của Dương Chí Dũng về việc nhận được lời “mật báo” và khuyên lánh đi một thời gian nên vội vàng bỏ trốn. Điều này phù hợp với nhật ký ghi chép của bị cáo cũng như lời khai của Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn về việc có một “sếp to” mách cho Dũng. Tòa nhận định sự việc này là có cơ sở trong khi đây là một vụ án lớn, cần đảm bảo tuyệt mật. Xét đề nghị của VKS về là phù hợp, HĐXX để quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật Nhà nước và yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi nhận 500.000 USD để “chạy tội” cho Dương Chí Dũng cũng như hành vi nhận 20 tỷ đồng để làm dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn mà Dương Chí Dũng đã khai tại tòa.

Kết thúc 2 ngày xét xử vụ án “phạm tội vì tình riêng” này, bị cáo Dương Tự Trọng bị tuyên phạt 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng 5 năm tù; Đồng Xuân Phong 7 năm tù; Trần Văn Dũng 8 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù; Phạm Minh Tuấn 5 năm tù. HĐXX cũng quyết định khởi tố vụ án hình sự về vụ làm lộ bí mật công tác.

duong-tu-trong111

Nguyên Thứ trưởng bộ Công an Bùi Quốc Huy hầu tòa

“Bán rẻ” nghề nghiệp vì tiền

Hẳn dư luận còn nhớ trong vụ án Năm Cam, nguyên Thứ trưởng bộ Công an Bùi Quốc Huy cũng liên đới hầu toà về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Được biết, trong thời gian ông Huy làm Giám đốc Công an TP.HCM, băng nhóm xã hội đen Năm Cam (Trương Văn Cam) tung hoành các hoạt động đâm chém thuê, cá độ bóng đá, bảo kê... trên địa bàn TP.HCM, gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân là do nhiều cán bộ Công an cấp dưới của Giám đốc Huy đã bị Năm Cam mua chuộc.

Đến khi mọi chuyện bị phơi bày ra pháp luật, trước công đường TAND TP.HCM, Bùi Quốc Huy mới thừa nhận vì mới về nhận nhiệm vụ, nên chưa biết nhiều về anh em trong ngành. Huy tin vào anh em và chỉ lo chấn chỉnh, sắp xếp lại nội bộ đơn vị. Dựa vào báo cáo của cấp dưới trình lên, Huy không thấy ai báo cáo về việc có người của mình quan hệ với băng nhóm tội phạm Năm Cam. Trong vụ án này, Dương Minh Ngọc (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM) cũng phải nhận hình phạt 6 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng chung hoàn cảnh “há miệng mắc quai” như Ngọc còn có nhiều cán bộ nguyên là Công an TP.HCM cũng đã phải nhận mức án từ 3- 4 năm tù.

Vụ nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý – PC17, Công an TP.Hà Nội) Phạm Đình Tiếng (44 tuổi) phải lĩnh án 16 năm tù về tội nhận hối lộ và 2 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng là một ví dụ đau xót của ngành công an. Theo cáo trạng của VKSNDTC, tháng 9/1999, PC17 giao cho Tiếng tổ chức xác minh tụ điểm bán lẻ ma tuý ở khu tập thể Mai Hương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và lập chuyên án. Vì nhiều lý do “tế nhị”, Tiếng điều tra chậm, không báo cáo hướng giải quyết, trong khi đó, việc mua bán trái phép chất ma tuý diễn ra ngang nhiên, gây bức xúc trong dư luận.

Cáo trạng của VKSNDTC buộc tội ông Tiếng có hành vi sai trái trong công tác điều tra với mục đích nhận tiền. Cụ thể, khi bắt được Nguyễn Viết Mạnh, không chuyển ngay hồ sơ tài liệu để phối hợp với cơ quan công an khác. Khi điều tra, dù không cho ông trùm ma tuý Bùi Trọng Bảy nhận dạng các nghi phạm, nhưng lại báo cáo là đã cho nhận dạng. Để “lo” cho một số đối tượng phạm pháp, thông qua Bảy, Phạm Đình Tiếng đã nhận hối lộ 20.000 USD và lừa đảo 5.000 USD. Tại thời điểm hứa giúp cho Trần Thị Lành (chị vợ của Bảy), Tiếng không phải là điều tra viên thụ lý vụ án.

Rõ ràng, bên cạnh những tấm gương sáng trong ngành được nhân dân tin yêu và kính trọng, số lượng cán bộ công an “dính chàm” vì tiền đã không còn là cá biệt.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu baoche tội phạm!

Đó là khẳng định của lãnh đạo bộ Công an tại buổi lễ bế mạc Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 69 (ngày 18-19/12/2013). Theo đó, lực lượng công an sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra về giải quyết tố giác tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu bao che tội phạm...

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác điều tra xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, nghiêm cấm việc ép cung, mớm cung, nhục hình.

Cũng trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang khẳng định: “Chúng tôi đã kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Điển hình đó là vụ một số cán bộ điều tra công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đánh người bị tạm giữ dẫn đến tử vong hồi tháng 6/2012. Vụ việc này bộ Công an đã chỉ đạo công an TP.Hà Nội tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với 7 cán bộ, chiến sỹ và khởi tố hình sự, điều tra, truy tố trước pháp luật. Điều đó chứng minh rằng chúng tôi xử lý rất nghiêm trước pháp luật”.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Vụ án Dương Chí Dũng , Ông Dương Tự Trọng , Hải Phòng , Đại án tham nhũng , Vinalines , Bộ Công an