Chuyện về "Làng thương vợ" ở Thừa Thiên - Huế
Chủ nhật, 04/03/2012 18:38

Chúng tôi tìm về làng Công Lương, xã Thủy Vân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, một ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình sau những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nơi mà từ cổ chí kim chuyện làm đồng do cánh mày râu đảm trách...

1001 chuyện thương vợ của trai làng

Vào những ngày đầu xuân ở miền Trung, cũng là lúc bà con nông dân lại bắt đầu ra đồng làm việc. Trên cánh đồng Thủy Vân, đúng như cái tên mà người ta gắn cho làng Công Lương, đâu đâu cũng bắt gặp những “ông nông dân”, những anh thanh niên đang chăm sóc cho thửa ruộng của nhà mình… 

Người đầu tiên chúng tôi bắt chuyện là anh Trần Hữu Cơ, 50 tuổi, trên lưng đeo bình phun thuốc trừ sâu. Sau khi được hỏi, sao cánh đồng làng mình toàn là bóng dáng đàn ông mà dù dò mỏi mắt cũng chẳng thấy phụ nữ nào, anh hồ hởi đáp ngay: "Đây là làng thương vợ, việc đồng áng đều do đàn ông, con trai đảm đương chứ những người đàn bà, con gái chưa bao giờ ra đồng cả. Ai lại bắt vợ đi làm đồng, tội vợ lắm! Ở đâu chứ làng tôi là không có khái niệm vợ ra đồng".
 

Anh Trần Hữu Búa: Đố nhà báo tìm thấy trên cánh đồng có bóng phụ nữ! Ảnh: Hoàng Phúc

Cũng mới lội bì bõm từ ruộng lúa lên, chân còn dính vết bùn non, anh Trần Hữu Búa nói như khoe: "Ở đâu chứ ở Công Lương này, đàn ông mới đích thị là "nông dân chính hiệu" chứ đàn bà con gái chỉ là nông dân "hờ" thôi".

Anh nông dân Nguyễn Văn Chén, 48 tuổi, tay thoăn thoắt cầm cán dặm (vật dùng để tỉa lúa từ chỗ dày sang chỗ thưa) đưa đi đưa lại một cách thuần thục như một cái máy dập, chia sẻ: "Tên thật của làng tôi là "Công Lương". Đã từ lâu đàn ông trong làng có truyền thống là đối xử rất tốt với phụ nữ, do luôn nghĩ phụ nữ "chân yếu, tay mềm" lại phải lo sinh nở, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái... vất vả, nên không để họ ra đồng làm ruộng mà chỉ lo buôn bán, nội trợ ở nhà. Vì thế, mang tiếng là làng "thuần nông", nhưng vào mùa cấy gặt có bao giờ thấy bóng chị em ngoài đồng đâu. Từ cày, cuốc, cấy, trồng, đến phơi khô lúa, khoai, bắp, sắn... cánh đàn ông đều đảm đương cả. Chị em có chăng chỉ làm giúp một số việc lặt vặt như chuẩn bị liềm, gánh, đưa cơm nước phục vụ buổi trưa là cùng...".

Như lời anh Chén tâm sự, trong làng ai cũng để vợ con ở nhà, còn nếu dẫn vợ ra đồng thì... xấu hổ với mọi người lắm, nên dù ruộng ít hay nhiều thì phụ nữ ở làng Công Lương không phải chân lấm, tay bùn gì cả. Điều đặc biệt là nếu đem vợ ra đồng không chỉ mất mặt với bà con lối xóm mà còn đi trái với phong tục của làng. 

Để tìm hiểu rõ hơn về truyền thống "vợ không ra đồng" này, chúng tôi hỏi nhà trưởng thôn, vừa dứt lời, một bác nông dân giơ tay chỉ: "Ông Chi trưởng thôn kìa". Nhìn sang thửa ruộng bên trái, một người đàn ông đang thoăn thoắt tay cầm cán dặm tỉa lúa, tôi liền qua làm quen và được biết ông là Trương Hữu Chi, 58 tuổi, trưởng thôn Công Lương. Nghe tôi bày tỏ muốn tìm hiểu về chuyện thương vợ của làng, ông Chi cho biết: Nghề nghiệp chính của làng là làm ruộng, người ít thì dăm ba sào kẻ nhiều thì vài mẫu. Tuy nhiên, chuyện đồng áng theo phong tục của làng từ xa xưa thì đều do cánh mày râu đảm trách. Người phụ nữ ở làng không phải ra đồng như ở nơi khác. Bởi khi thu hoạch thì có máy gặt đập liên hợp, khâu vận chuyển thì thuê xe cải tiến đưa về tận nhà. Ông nói rằng, cả việc phơi lúa, đem lúa đi xay xát cũng là cánh đàn ông làm.

Anh Hồ Tuấn chia sẻ, chuyện giặt áo quần cho vợ là điều bình thường. Ảnh: Hoàng Phúc

"Sáng đi làm thì mình chở đi xát, tới chiều tối thì ghé vào đem về luôn", ông Chi thổ lộ. Tôi hỏi: "Thế từ lúc gieo mầm đến khi tạo thành hạt gạo, người phụ nữ có làm gì đụng đến hạt lúa, hạt gạo không?". Ông Chi đáp tỉnh bơ: "Vo gạo để nấu cơm". Quả là một công việc hết sức đơn giản và nhẹ nhàng, có lẽ không nơi nào phụ nữ nông thôn lại “sướng” như làng Công Lương này. 

Nói như ông trưởng thôn, giờ mà đàn ông "thả" vợ ra đồng đừng nói là phụ chồng làm việc, ngay cả ruộng nhà mình ở đâu, bao nhiêu sào nhiều chị còn chẳng biết nữa là. Giống như những gia đình khác, vợ con ông cũng chưa hề phải bước chân xuống ruộng dù con ông có mấy đứa đã lấy chồng.

Phụ nữ làng Công Lương chỉ ở nhà chăm con và nội trợ. Ảnh: Hoàng Phúc

Những người phụ nữ "sướng như tiên"

Tạm chia tay những anh, những bác nông dân hiền lành chất phác, chúng tôi  lên xe vào làng tìm đến những chị, những bà, không phải “chân lấm tay bùn” như ở những nông thôn khác. 

"Ở làng không có chuyện đàn bà con gái ra đồng đâu, làng này từ xưa đã thế rồi. Một phần do tập tục của làng, phần chắc vì mấy ông thương vợ như cái tên gắn cho làng rứa" - chị Hồ Thị Trâm vui vẻ thổ lộ.

Mệ Hồ Thị Gái dù tuổi đã cao nhưng nước da trông hồng hào lắm, cất giọng sang sảng, mệ nói: "Thời mê, việc đồng áng cũng do cánh đàn ông làm là chính, họa hoằn lắm mới thấy ít phụ nữ in bóng dưới những thửa ruộng. Mấy chục năm trở lại đây, phụ nữ ở làng hầu như không bước chân ra đồng".  Mệ còn cho biết, chuyện phụ nữ không ra đồng chỉ có mỗi làng mệ thôi, chứ ngay làng bên cạnh, phụ nữ cũng ra đồng chăm lúa như ở nơi khác vậy. 
Trái với vẻ đen đúa, chân tay nứt nẻ của đàn ông, phụ nữ ở đây dù là mang trên mình cái “mác” nông dân nhưng da dẻ, móng tay móng chân trắng trẻo, hồng hào chẳng khác gì mấy cô, mấy chị trên  phố. 

Người phụ nữ ở làng Công Lương có truyền thống không ra đồng và hễ chị nào may mắn về làm dâu thì cũng được hưởng cái "diễm phúc" ấy. Nhưng ngược lại, chị nào trót lấy chồng xứ khác mà nhà chồng có làm đồng thì cũng phải theo chồng chân lấm tay bùn trên những thửa ruộng. Đơn cử là chuyện  con gái của chị Trần Thị Ki, 55 tuổi, mắt buồn rượi, chị Ki tâm sự: "Con chị ở nhà có đụng chân đụng tay gì vào ba việc đồng áng đâu nhưng từ khi đi làm dâu xứ khác thì nó liên tục gọi điện than thở đầu tắt mặt tối với ruộng với đồng nào là gieo mầm, cấy tỉa, gặt hái…".

Ngoài ra, hễ người phụ nữ nào ở làng mà không may chồng chết sớm thì ruộng đồng sẽ giao cho người khác làm hộ, khi thu hoạch thì chia ra mỗi người một nửa. Còn bản thân họ sẽ tìm nghề khác chứ không bao giờ dính dáng đến việc đồng áng.

Chạy xe lòng vòng tham quan “ngôi làng thương vợ” này, tôi còn bất ngờ khi thấy ngoài đồng áng, một số công việc “lặt vặt” trong nhà cũng do cánh đàn ông đảm đương. Chúng tôi gặp anh Hồ Tuấn (33 tuổi) đang giặt áo quần mà lẫn trong đó có cả đồ của vợ.  Anh nói rằng, cánh mày râu Công Lương giặt áo quần cho vợ là điều bình thường, quan trọng giặt ít hay nhiều là tùy từng người thôi.

Nhìn cánh đồng mênh mông bát ngát, chúng tôi nghĩ chuyện cánh đàn ông làng Công Lương không cho vợ ra đồng có lẽ luôn khiến họ cảm thấy tự hào và hãnh diện với cái tên tự phong - “Làng thương vợ”.

PL&XH
Tag: Làng quê , Làng Công Lương , Thừa Thiên Huế , Phụ nữ , Gia đình , Bình đằng giới