Chuyện nghề của bác sĩ nam học
Thứ ba, 28/02/2012 10:13

Không chỉ chữa bệnh khó nói cho các quý ông, bác sĩ nam khoa còn là nhà tâm lý với những lời khuyên hữu ích đem lại “bản lĩnh đàn ông” và hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng.

Đàn ông cũng phức tạp lắm

Xưa nay chỉ nghe toàn chuyện chị em khám phụ khoa còn các đấng mày râu đi khám bệnh “khó nói” của mình thật hiếm. Vậy mà, một ngày tại phòng khám nam khoa mới vỡ ra chuyện của đàn ông cũng lắm phức tạp. “Bác sĩ ơi, em bị sao sao ấy. Chưa đi đến chợ đã hết tiền”; “Tôi hay khóc ngoài quan ải…”; “Bà xã nghi tôi ăn “phở” nên chê “cơm”. Bác sĩ minh oan giúp tôi”… Đó là một vài trong vô số những chuyện “dở khóc dở cười” mà các bác sĩ điều trị nam khoa gặp phải khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Tại khoa Nam học, bệnh viện Bình Dân (TPHCM) mỗi ngày có hơn 60 lượt phái nam đến khám. Trong số đó, có những người mắc bệnh thật nhưng có không ít người vì lo lắng, hay nói thẳng là bị bệnh tâm lý sau một lần trót dại… nên đến khám cho chắc ăn. Phòng khám nam khoa nhưng phụ nữ xuất hiện cũng khá nhiều. Họ là vợ, người yêu của bệnh nhân. Người đàn ông bình thường được gọi là phái mạnh, nhưng khi đến phòng khám nam nhi ai cũng tỏ vẻ dè dặt, rụt rè. Có ông trục trặc chuyện chăn gối, không đủ can đảm đến gặp bác sĩ mà phải nhờ sự “hộ tống” của vợ. Có thanh niên vạm vỡ, rắn chắc nhưng “cậu nhỏ” có vấn đề. Tự ti, anh chôn kín trong lòng nỗi niềm ấy. May mà, cô vợ sắp cưới phát hiện, động viên mãi anh mới nghe lời tìm đến bác sĩ…

Bệnh của nam khoa không còn là chuyện chỉ để rỉ tai nhau

Tại đây, tôi gặp một thanh niên, dáng người cao dong dỏng, da ngăm đen. Anh cho biết tên là Huy, quê Cà Mau. Huy là dân lái ghe chở hàng lênh đênh trên sông nước miền Tây. Huy có vợ nhưng cậu nhỏ… nhỏ thật nên bị vợ bỏ. Từ đó, Huy trở nên trầm cảm và “giải sầu” bằng men rượu. Sau mỗi lần nhậu, bạn bè lại đem chuyện phòng the ra kể và khích bác chuyện “đàn ông” của Huy. Nghe lời đám bạn trên ghe “mách nhỏ”, Huy lấy dầu gió đỏ (loại dùng để trét ghe) nấu chảy loảng rồi nhờ bạn bè chích vào dương vật. Kết quả, sau 10 ngày, “cậu nhỏ” bị nhiễm trùng nặng phải đến bệnh viện. Các bác sĩ bệnh viện Bình Dân đã phải cắt hết toàn bộ da dương vật và thực hiện thao tác ghép da cho Huy. 

Còn với thanh niên tên Hùng, 23 tuổi quê Tiền Giang thì còn “bi đát” hơn sau một lần tin lời xúi dại. Đẹp trai, cao ráo nhưng nhiều cô gái đến với Hùng rồi ai cũng “ra đi không một lời tạ từ”. Còn đám bạn thì khích tướng Hùng đủ điều: “Hàng mày nhỏ nên con nào ngu mới lấy mày…”, Hùng nghe chói tai. Vì vậy, trong một lần lỡ dại nghe bạn bè xúi giục, Hùng đi bơm silicon vào dương vật với mục đích cải thiện kích cỡ cậu nhỏ. Nào ngờ, to, khỏe đâu chẳng thấy, “của quý” Huy tự dưng biến dạng, cong queo, nhiễm trùng, da bìu cứng và không thể quan hệ tình dục được… Quá hoảng loạn với “kết quả” mà mình “thu” được, Hùng cầu cứu đến bác sĩ. May mà, nhờ sự can thiệp hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, sau khi mổ lấy silicon ra, các bác sĩ đã phẫu thuật, trả lại hình hài bình thường cho “cậu bé” của Hùng. Đến lúc này, Hùng mới thở phào: “Thôi, có bao nhiêu, dùng bấy nhiêu. Em tởm đến già… ”.

Bệnh nhân có con,… bác sĩ vui

Phòng khám nam khoa có hai mảng điều trị chính: tình dục và vô sinh. Lứa tuổi thường gặp “bất trắc” nhất là trong độ tuổi từ 20 đến 50 (lứa tuổi hoạt động tình dục mạnh). Ngoài những vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục nam như dậy thì trễ, dương vật nhỏ, dương vật cong và rối loạn giới tính..., các bệnh chiếm số đông là rối loạn cương, hiếm muộn, vô sinh nam, xuất tinh sớm và di mộng tinh.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, phó Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết, đa phần những tai nạn hy hữu làm ảnh hưởng đến hình dạng, “sức khỏe” của “cậu nhỏ” thường xảy ra ở những người lao động chân tay. Nhưng cũng có không ít “quý ông” vì đua đòi thể hiện cái “mạnh” của mình mà chuốc họa vào thân như trường hợp của Huy và Hùng nói trên. Là người bác sĩ trực tiếp khám bệnh cho các bệnh nhân “đặc biệt”, bác sĩ Dũng cho rằng, ngoài năng lực chuyên môn về y học, người điều trị Nam học cũng cần nắm bắt được tâm lý để giúp bệnh nhân chữa trị nhanh chóng hơn. Đôi khi, chỉ một lời khuyên bổ ích của bác sĩ đã đem lại hạnh phúc cho cả một gia đình.

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng: "bác sĩ nam khoa là người vui thứ 3 khi bệnh nhân của mình có con"

Bác sĩ Dũng cho biết, cuộc sống phát triển, nam giới quan tâm nhiều hơn đến chuyện gối chăn của mình. Những năm 1992, khi ấy phòng khám Nam học của bệnh viện mới chỉ có vài ba người đến khám nhưng với tâm lý lén lút vì sợ ai đó phát hiện. Năm 2005, Khoa Nam học chính thức được thành lập và mỗi ngày có 50-60 người đến khám với tâm lý dạn dĩ hơn. “Ngày nay, những chuyện thầm kín đó không còn là rỉ tai nhau mà người ta thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề cuộc sống. Nam khoa cũng vậy, xây dựng từ một phòng khám đến việc ra mắt một chuyên khoa về Nam học là một con đường dài, cũng không lắm chông gai. Mà nhờ vậy, người ta có cái nhìn nhận về nam khoa trên phương diện điều trị khoa học và đem lại hạnh phúc, niềm yêu đời, yêu cuộc sống cho nhiều người”, bác sĩ Dũng nói.

Trong nghề bác sĩ nam khoa, vui cũng có mà buồn cũng không ít. Cái nỗi buồn nhanh chóng qua đi mà có khi niềm vui là mãi mãi. Với các bác sĩ nam khoa, đã điều trị vô sinh thì theo bệnh nhân từ khi bắt đầu chữa trị đến lúc họ con con. Niềm vui lớn nhất của họ là đón nhận được “quà tặng” từ bệnh nhân của mình mang đến. “Quà tặng” ấy chính là niềm vui của những cặp vợ chồng bao năm hiếm muộn thì nay đã có con, là quyền làm cha của người đàn ông với tinh trùng của chính mình…

“Khi một bệnh nhân có con, tôi là người vui thứ 3 trong niềm hân hoan của họ sau  vợ chồng và bố mẹ hai bên. Có những đêm khuya, tôi nhận được tin nhắn cảm ơn của một bệnh nhân khi biết mình đã có con: “Cảm ơn bác sĩ. Vợ chồng em đã có con. Mừng quá không ngủ được”… Nhìn hạnh phúc của bệnh nhân mà mình thấy yêu nghề và gắn bó với nghề nhiều hơn nữa”, bác sĩ Tiến Dũng tâm sự.

Dân Trí
Tag: Nghề nghiệp , Bác sĩ , Nam học , Chữa vô sinh , Tâm sự , Việc làm