Người đã chết thì không thể nói được, cũng chẳng thể trực tiếp cung cấp thông tin gì. Nhưng với sự gan dạ, kinh nghiệm và lòng yêu nghề, các bác sĩ pháp y lại có thể đưa ra những kết luận hữu ích giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ nhiều cái chết bí ẩn.
|
Lấy thông tin từ... xác chết
Một ngày tháng 8/2011, người dân bất ngờ phát hiện một xác chết giữa nghĩa trang nhân dân ở khu 7, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Ngay lập tức, các bác sĩ pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) đã có mặt, với nhiệm vụ cực kỳ quan trọng: lần tìm manh mối và tìm ra bản chất của sự việc. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, các cán bộ pháp y quan sát hiện trường để đưa ra những nhận định ban đầu.
Các bác sĩ pháp y Phòng kỹ thuật hình sự chuẩn bị khám nghiệm một tử thi tại Nghĩa trang phường Ngọc Châu (TP Hải Dương)
Tử thi nói trên đã phân hủy hết, nằm trong một đám rau muống. Tử thi lúc đó chỉ còn lại những khúc xương, được gom nhặt mang đến điểm tập kết. Một chiếc lán phủ bạt được dựng vội, đủ để các cán bộ công an tạm tránh cái nắng gay gắt cuối mùa. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc, song không ai bảo ai, mỗi người một việc. Người chụp ảnh hiện trường, tử thi, người xem xét kỹ từng mảnh xương để tìm dấu vết.
Trước đó, một nắm hương trầm đã được thắp lên để tỏ lòng xót thương đối với nạn nhân. Sau một thời gian dài khám nghiệm, nhận định đã được đưa ra: nạn nhân là một nam giới, chết cách thời điểm phát hiện khoảng 2 tháng và chết do ngạt nước thông thường.
Như vậy, mọi xì xào về một vụ án mạng đã được khoa học giải mã, trùng khớp với cung cấp của một số người dân: nghĩa trang này thường tập trung những người nghiện hút. Có thể sau khi sử dụng ma túy, nạn nhân lội qua đầm lầy để sang bên kia đường thì bị “ngáo thuốc” và gục xuống nước chết ngạt.
Trung tá Ngô Đức Bốn, đội trưởng Đội Hóa pháp y sinh vật thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự nhẩm tính: Đã 22 năm liên tục trong nghề pháp y, nếu chỉ tính bình quân mỗi năm có 150 vụ, thì đến nay đã có tới... 3.300 tử thi do tay anh khám nghiệm.
Tuy nhiên, con số tử thi phải khám nghiệm đã liên tục tăng cao trong những năm qua. Đến nay, mỗi năm bình quân có 300 vụ phải khám nghiệm tử thi.
Với trung tá Bốn, bây giờ bản lĩnh nghề nghiệp đã được rèn luyện qua hàng nghìn vụ việc nên tâm lý đã rất vững vàng, song anh không thể quên lần đầu tiên trong đời cầm dao kéo.
Đó là vào thời điểm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Khi phát hiện một tử thi nữ không quần áo trôi dạt vào bờ sông Gùa đoạn qua xã Thanh Bính (Thanh Hà), người dân đã báo cáo công an.
Trung tá Bốn vẫn nhớ như in cái cảm giác trơn tuột hệt như có một luồng điện xẹt qua người khi bàn tay anh chạm vào xác chết. Khi ấy, mọi điều kiện đều thiếu thốn, trời lại đã về chiều, nhưng anh vẫn cùng đồng đội khẩn trương hoàn tất khám nghiệm và đưa ra kết luận: Nạn nhân chết do ngạt nước thông thường, không có ngoại lực tác động.
Sau lần đầu tiên ấy, Trung tá Bốn kể lại, anh đã trải qua một “giai đoạn tâm lý cực mạnh”, đau đầu, đêm đêm vẫn giật mình tỉnh dậy, người ướt đầm mồ hôi...
Lần khác, vào khoảng năm 2000, mặc dù đã dày dạn kinh nghiệm, song trung tá Bốn cùng đồng chí Liêm (nay đã là Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự) vẫn bị ám ảnh cực mạnh khi khám nghiệm tử thi trên đỉnh núi Chóp Chài (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh).
Khi nhận được tin báo của một người đi rừng, các anh men theo đường mòn tìm lên núi. Cách chừng nửa cây số, mùi xú uế đã bốc lên nồng nặc, còn hình ảnh kinh hoàng của tử thi (khi ấy nằm trong một bụi dây leo) thì không thể nào tả xiết.
Không có nước rửa, các anh buộc phải dùng dụng cụ y tế mang theo gạt bỏ các sinh vật đang bám quanh phân hủy xác chết. Sau khi khám nghiệm kỹ càng để tránh bỏ sót các chi tiết có thể là bằng chứng của một vụ án mạng, kết luận đã được cung cấp cho cơ quan điều tra.
Căn cứ kết luận này cộng với thông tin do người dân cung cấp, cơ quan điều tra đã thông báo, đó là xác chết của một người tâm thần thường lang thang ở khu vực nói trên.
Ở nhiều trường hợp khác, mặc cho sự bất hợp tác của các gia đình, nhưng trước những nghi vấn về cái chết của nạn nhân, các bác sĩ pháp y vẫn kiên trì giải thích, hoàn thành khám nghiệm, kể cả phải khai quật để giúp cơ quan điều tra đưa vụ việc và thủ phạm ra ánh sáng.
Trăn trở với nghề
Nói về nghề pháp y công an, trung tá Ngô Đức Bốn và đồng đội ở Đội Hóa pháp y sinh vật cùng một đánh giá: Đây là nghề cực kỳ vất vả và mệt nhọc, cả về thể xác lẫn tinh thần. Gắn bó đến nay không thể không kể đến niềm say mê, trách nhiệm cao với nghề nghiệp cũng như đối với chính lương tâm của những bác sĩ pháp y.
Song các anh đều chung một niềm trăn trở: Thế hệ trẻ kế tục công việc thầm lặng nhưng cao cả này ngày một thiếu, có thể do tâm lý, sự ngăn cản của các gia đình hoặc vì lý do kinh tế.
Thực tế, có bằng bác sĩ, làm ở ngoài sẽ khá giả hơn so với bác sĩ pháp y nên chẳng có mấy ai mặn mà với nghề này. Bởi thế, bây giờ cả Phòng Kỹ thuật hình sự chỉ có 3 bác sĩ pháp y và đều đã lớn tuổi. Một bác sĩ thì đã làm công việc quản lý nên thực chất chỉ còn 2 người, trong khi sự vụ bây giờ ngày một nhiều và phức tạp.
Thượng tá Vũ Hồng Phong, phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cho biết: Đội ngũ bác sĩ pháp y hiện là “xương sống” của phòng, quan trọng nhất nhưng lại khó khăn nhất.
Đặc thù công việc của các bác sĩ pháp y mang tính sự vụ nên phải trực 24 giờ trong ngày, nhất là những ngày lễ, Tết do phải giải phóng hiện trường nhanh, tránh gây tâm lý hoang mang cho quần chúng.
Mặc dù công việc thường bị động, khó khăn chồng chất, song các bác sĩ pháp y vẫn luôn làm tròn nhiệm vụ, thể hiện đúng lương tâm, trách nhiệm của người bác sĩ - chiến sĩ công an.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành